Aa

Tin địa phương (24/6 - 1/7): Hà Nội sắp xây dựng cầu dây văng 20.000 tỷ đồng; Quảng Bình chi 2.400 tỷ đồng nâng cấp sân bay Đồng Hới

Thứ Hai, 01/07/2024 - 13:25

Tuần qua, nhiều tỉnh thành đã khởi động các dự án phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng, trong đó có dự án xây dựng cầu Tứ Liên gần 20.000 tỷ đồng tại Hà Nội và dự án nâng cấp sân bay Đồng Hới tại Quảng Bình với kinh phí 2.400 tỷ đồng. Đồng thời, địa phương cũng quyết liệt thu hồi các dự án chậm tiến độ, nhằm giải phóng nguồn lực đất đai và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Hà Nội sắp xây dựng cầu dây văng 20.000 tỷ đồng

Mới đây, sau buổi làm việc tiếp xúc cử tri thành phố, UBND TP. Hà Nội đã giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Hiện nay, ban Quản lý xây dựng dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố đang tổ chức công tác chuẩn bị đầu tư.

Cầu Tứ Liên nằm giữa cầu Nhật Tân và cầu Long Biên, kết nối quận Tây Hồ và huyện Đông Anh, nối tuyến đường trực chính đô thị quy hoạch dọc đê Hữu Đồng với đường Quốc lộ 5 kéo dài. Phương án thiết kế là cầu dây văng, kết hợp văng xoắn, tạo ra nhịp lớn với hệ khung kết cấu thép nhẹ, hai bên trụ cầu chính được tạo hình. Với tổng mức đầu tư xây dựng lên đến 19.959 tỷ đồng, đây là dự án xây cầu có chi phí đắt nhất trong lịch sử. Toàn dự án xây dựng cầu Tứ Liên có tổng chiều dài khoảng 4,84km.

Phối cảnh dự án cầu Tứ Liên (Hà Nội). Ảnh: IT.

Phối cảnh dự án cầu Tứ Liên (Hà Nội). Ảnh: IT.

Cầu Tứ Liên được xây dựng nhằm đáp ứng lưu lượng giao thông ngày càng tăng, sau khi đi vào hoạt động đây sẽ là cây cầu hiện đại dây văng thứ 2 của Hà Nội. Vị trí của cầu Tứ Liên là một trong địa điểm quan trọng trong hệ thống cơ sở hạ tầng của thành phố giúp kết nối trực tiếp với đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và Vành đai 3.

Quảng Bình: Chi 2.400 tỷ đồng nâng cấp sân bay Đồng Hới

Bộ Tài Nguyên và Môi trường đang tham vấn công khai cộng đồng báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Xây dựng nhà ga hành khách T2 và mở rộng sân đỗ máy bay Cảng hàng không Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Trước đó, tháng 9/2023, tỉnh Quảng Bình đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng dự án nhà ga hành khách T2 và mở rộng sân đỗ máy bay Cảng hàng không quốc tế Đồng Hới.

Dự án nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của cảng hàng không thời điểm hiện tại và trong tương lai, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, nâng cao hiệu quả khai thác tại sân bay, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh và điều kiện tự nhiên của khu vực. Sau khi dự án được hoàn thành, nhà ga T2 sẽ là nhà ga khai thác quốc nội và nhà ga T1 có vai trò là nhà ga khai thác quốc tế của sân bay Đồng Hới. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành bàn giao trong quý I/2025 với tổng mức đầu tư là hơn 2.405 tỷ đồng.

Phối cảnh tổng thể sân bay Đồng Hới sau khi hoàn thành dự án. Ảnh: ACV

Phối cảnh tổng thể sân bay Đồng Hới sau khi hoàn thành dự án. Ảnh: ACV

Bắc Ninh: Đề xuất chuyển đổi 70,2ha đất để phát triển kinh tế - xã hội

Theo tờ trình của UBND tỉnh Bắc Ninh, 14 dự án nằm trên địa bàn thị xã Thuận Thành với tổng diện tích đất thu hồi là 70,2ha với diện tích đất trồng lúa chiếm 43,12ha, chủ yếu tập trung ở các xã Song Hồ, Gia Đông, Song Liễu, Mão Điền, Trí Quả và phường Ninh Xá… Các dự án được trình bổ sung đợt này là các dự án về công nghiệp, giao thông và dịch vụ, trường mầm non, khu tập kết tái chế chất thải rắn vật liệu xây dựng, khu dưỡng lão...

UBND tỉnh Bắc Ninh cho rằng, việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng và dự án thu hồi đất nhằm phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng năm 2024 sẽ được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, đảm bảo quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng và có phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư hợp lý. Đồng thời, việc triển khai các dự án này sẽ góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo động lực tăng trưởng, thu hút đầu tư, tạo việc làm và nâng cao đời sống cho người dân.

Hải Dương: Phấn đấu đến năm 2030 xây dựng ít nhất 15.920 căn nhà ở xã hội

Thực hiện Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp của Chính phủ, đến năm 2030, Hải Dương sẽ đầu tư xây dựng ít nhất gần 16.000 căn nhà ở xã hội. Trước mắt, tỉnh này đang bắt tay triển khai xây dựng 5.860 căn vào năm 2025.

Tổng quỹ đất phát triển NƠXH đã bố trí trên địa bàn toàn tỉnh Hải Dương đến nay khoảng 96 ha. Trong đó, diện tích đất NƠXH đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngoài lô đất hơn 38 ha; diện tích đất NƠXH đã bố trí trong đồ án quy hoạch chi tiết, đang hoặc chưa đầu tư xây dựng khoảng 58 ha. Theo đề án, đến năm 2030 tỉnh Hải Dương dự kiến đầu tư xây dựng ít nhất 15.920 căn hộ. Trong đó, giai đoạn 2023 - 2025 triển khai xây dựng 17 dự án NƠXH; giai đoạn 2026 - 2030 triển khai 10.059 căn hộ.

Quảng Trị: Đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn trên toàn tỉnh

Ngày 26/6 thông tin từ UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng vừa phát động đợt cao điểm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Theo UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, năm 2024 là năm tăng tốc, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu Sở GTVT, Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh tập trung làm tốt công tác chuẩn bị, hoàn thành thủ tục đầu tư, sẵn sàng triển khai thực hiện các dự án khi đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, Quảng Trị đang triển khai nhiều dự án trọng điểm như: Khu bến cảng Mỹ Thuỷ (14.234 tỷ đồng), Khu công nghiệp Quảng Trị (2.074 tỷ đồng), Dự án LNG Hải Lăng (54.000 tỷ đồng), cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ đi qua tỉnh (9.919,78 tỷ đồng), đường ven biển kết nối hành lang Đông Tây (2.060 tỷ đồng)… Các dự án được kỳ vọng sẽ tạo động lực và mang lại sự đột phá về phát triển kinh tế cho tỉnh Quảng Trị trong. Tuy vậy, hiện nay, đa phần các dự án này đang gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện.

Sắp có khu công nghiệp hơn 640ha ở phía Tây TP. Thanh Hóa

Mới đây, HĐND tỉnh Thanh Hóa ban hành Nghị quyết về việc thông qua Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp phía Tây TP. Thanh Hoá. Phạm vi lập quy hoạch thuộc địa giới hành chính các xã Đông Hoà, Đông Yên, Đông Văn, Đông Phú (huyện Đông Sơn) và các xã Đồng Tiến, Đồng Thắng (huyện Triệu Sơn).

Khu công nghiệp phía Tây TP. Thanh Hoá là khu công nghiệp đa ngành, ứng dụng công nghệ cao thân thiện với môi trường, hướng đến công nghiệp 4.0, ưu tiên các ngành nghề: Điện - điện tử, viễn thông; cơ khí chế tạo; cơ khí chính xác; công nghiệp ô tô, xe máy, thiết bị xây dựng, thiết bị y tế; sản xuất hàng tiêu dùng và các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Quy mô lao động trong khu công nghiệp khoảng 30.000 – 40.000 người. Khu công nghiệp được chia thành 2 phân khu: Khu A có diện tích khoảng 375ha nằm phía Nam tuyến đường từ thành phố Thanh Hóa đi Cảng hàng không Thọ Xuân. Khu B có diện tích khoảng 270,2ha nằm phía Bắc tuyến đường từ thành phố Thanh Hóa đi Cảng hàng không Thọ Xuân.

Thừa Thiên Huế: Chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở xã hội tại xã Phong Hiền

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở xã hội tại xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo đó, dự án được thực hiện theo hình thức lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu với mục tiêu đầu tư xây dựng mới nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội, đáp ứng các điều kiện về nhà ở, cư trú, thu nhập và người lao động. Đồng thời, từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cho đô thị Phong Điền trong tương lai. Quy mô dự án có diện tích dự kiến sử dụng đất là 26,17ha.

Được biết, trong chương trình phát triển nhà ở của tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025 và các năm 2022, 2023, Thừa Thiên Huế dự kiến sẽ dành 372,37ha đất phát triển các dự án nhà ở xã hội đến năm 2025, và đến năm 2030 là 400,4ha.

Thái Nguyên: Quyết liệt thu hồi các dự án chậm tiến độ

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có hàng chục dự án chậm tiến độ nhiều năm, gây lãng phí nguồn lực đất đai, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để xử lý tình trạng này, các cơ quan chức năng đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp xử lý, nhiều dự án đã bị thu hồi hoặc đang kiến nghị thu hồi.

Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị UBND tỉnh thu hồi, chấm dứt hoạt động hàng chục dự án chậm tiến độ, vi phạm các quy định về đầu tư. Trong đó có thể kể tên một số dự án, như: Dự án đầu tư Trung tâm thương mại và giới thiệu sản phẩm tại phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên) của Công ty CP Tư vấn quốc tế và Xây dựng Hồng Phát (được cấp phép đầu tư tháng 12-2015); Dự án xây dựng khai thác tuyến đường thủy sông Cầu từ xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) đến xã Hà Châu (Phú Bình) của Công ty TNHH An Thái (được cấp phép đầu tư tháng 8-2014); Dự án đầu tư xây dựng bãi đỗ xe và khu thể thao đa năng tại khu đất BX-04 và CC-01 thuộc Khu đô thị hồ Xương Rồng (TP. Thái Nguyên), của Công ty CP Đầu tư dịch vụ Hà Thái (được cấp giấy chứng nhận đầu tư tháng 10-2014)…

Gần 8.290m2 đất của Dự án xây dựng Đài Bắc Hotel tại phường Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên) vừa bị UBND tỉnh thu hồi do chủ đầu tư chậm triển khai: Ảnh: T.L

Gần 8.290m2 đất của Dự án xây dựng Đài Bắc Hotel tại phường Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên) vừa bị UBND tỉnh thu hồi do chủ đầu tư chậm triển khai: Ảnh: T.L

Hà Nội thu hồi 153 dự án chậm triển khai

UBND TP. Hà Nội cho biết trong báo cáo gửi HĐND về biện pháp đẩy nhanh tiến độ, xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai trên địa bàn, Hà Nội đã thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, chấm dứt hoạt động hoặc thôi giao chủ trương nghiên cứu với 153 dự án chậm triển khai.

Hà Nội hiện có 712 dự án chậm triển khai với tổng quy mô khoảng trên 11.300ha đất. Đến ngày 15/6, 705 dự án trong số này đã có kết luận thanh tra, kiểm tra và chỉ đạo xử lý, giao các đơn vị tiếp tục giám sát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đưa đất vào sử dụng. 7 dự án còn lại đã có quyết định chủ trương nhưng chưa được nhà nước giao đất, cho thuê đất, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tiếp tục rà soát để đề xuất phương án xử lý.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top