Bắc Ninh: Phê duyệt Đồ án quy hoạch phân khu đô thị Khu vực phía Đông huyện Yên Phong
UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Quyết định 405/QĐ-UBND về việc Phê duyệt Đồ án quy hoạch phân khu (QHPK) đô thị tỷ lệ 1/2.000 Khu vực phía Đông huyện Yên Phong (Phân khu số 5). Phân khu số 5 có quy mô đất đai khoảng 1.086,34ha, với quy mô dân số khoảng 64.210 người, trong đó, dân số dự kiến phát triển mới khoảng 44.230 người.
Phân khu số 5 là khu vực phát triển thương mại, dịch vụ phục vụ các khu công nghiệp gắn với hệ thống trung chuyển ga đường sắt đô thị; khu trung tâm y tế, giáo dục, thương mại cấp vùng; khu đô thị hiện đại và là khu vực bảo tồn và phát huy các không gian làng hiện hữu, tạo môi trường sống đạt các tiêu chí văn hóa - sinh thái và văn minh.
Phân khu số 5 có vị trí nằm trong khu vực được đầu tư trọng điểm của tỉnh, gần với KCN Yên Phong I và tiếp cận tốt hệ thống giao thông. Tuy nhiên bên cạnh những điểm thuận lợi, hiện phân khu này đang nằm trong khu vực đan xen nhiều khu làng xóm hiện hữu, dẫn đến việc kiểm soát phát triển và khớp nối hạ tầng với các khu chức năng xây dựng mới, nhất là khả năng mở rộng các tuyến đường hiện hữu có thể gặp khó khăn.
Hòa Bình: Công bố nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện dự án nghìn tỷ
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình vừa công bố kết quả mở hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án Khu dân cư nông thôn mới xã Cuối Hạ. Theo đó, Công ty TNHH Đầu tư Tây Hà Nội là nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện Dự án.
Dự án Khu dân cư nông thôn mới có diện tích 53,16 ha, tại xã Cuối Hạ, huyện Kim Bôi. Quy mô dân số khoảng 4.000 người. Sơ bộ chi phí thực hiện Dự án là 2.215 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 183 tỷ đồng. Quy mô đầu tư Dự án gồm các công trình hạ tầng kỹ thuật; công trình dịch vụ, công trình giáo dục và nhà máy nước sạch; công trình nhà ở thương mại. Thời hạn hoạt động của Dự án là 50 năm, tiến độ thực hiện từ quý II/2024 đến hết quý II/2029.
Sơn La tìm nhà đầu tư xây dựng Khu dân cư xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sơn La có thông báo mời đầu tư đối với Khu dân cư dịch vụ Cửa Ngõ với quy mô 2.600 người.
Cụ thể, dự án được thực hiện tại địa bàn xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu với tổng diện tích đất sử dụng hơn 38,7ha. Trong đó diện tích đất thu hồi, giao và cho thuê khoảng 33,8ha. Quy mô của dự án khoảng 2.600 người.
Dự án có tổng chi phí thực hiện khoảng 2.506 tỷ đồng. Trong đó chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 77 tỷ đồng; chi phí bảo vệ, phát triển đất trồng lúa khoảng 8 tỷ đồng.
Nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đến 9 giờ ngày 5/9.
Hậu Giang gia hạn tiến độ dự án Khu đô thị Trung tâm TP. Ngã Bảy - May Luxury House
Mới đây, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang ký Quyết định 1159/QĐ-UBND, chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị Trung tâm TP. Ngã Bảy (Khu D) gia hạn tiến độ dự án 41 tháng kể từ ngày nhà đầu tư được công nhận trúng đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án (từ ngày 16/02/2022 đến hết ngày 16/7/2025). Được biết, đây là lần thứ 2 UBND tỉnh gia hạn cho dự án, trước đó lần thứ nhất là ngày 18/10/2021.
Dự án Khu đô thị Trung tâm TP. Ngã Bảy (Khu D) còn có tên gọi thương mại là May Luxury House, nằm trên đường Phạm Hùng, phường Ngã Bảy, TP. Ngã Bảy, được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu ngày 26/7/2021. Chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH HTC Hậu Giang. Theo chủ trương đầu tư được chấp thuận, dự án có diện tích khoảng 1,741ha. Dự kiến vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất.
UBND tỉnh đề nghị Công ty TNHH HTC Hậu Giang khẩn trương triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định. Đồng thời, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các ngành chức năng có liên quan và UBND TP. Ngã Bảy theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện dự án nêu trên theo tiến độ được điều chỉnh. Trường hợp dự án không hoàn thành theo đúng tiến độ được điều chỉnh, tổng hợp báo cáo đề xuất phương án xử lý, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo nóng về sạt lở đê biển Đông
Mới đây, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu ký quyết định 1420/QĐ-UBND, công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển Đông trên địa bàn TP. Bạc Liêu, giáp với tỉnh Sóc Trăng, để triển khai ngay các biện pháp ứng phó.
Hiện trạng sạt lở trên là do khu vực bờ biển trước đoạn đê này rừng phòng hộ đã mất hoàn toàn, không còn khả năng để chắn gió, chắn sóng bảo vệ chân đê, nên sóng biển đã đánh trực tiếp vào mái và thân để gây ra sạt lở đê. Địa điểm sạt lở đoạn từ Km0+046 đến cầu Chiên Túp 1 (giáp ranh với tỉnh Sóc Trăng), thuộc địa bàn xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, có tổng chiều dài sạt lở 100m và có nguy cơ sạt lở là 374m.
Đà Nẵng: Giải quyết khủng hoảng vật liệu, định hướng tương lai xanh
Ngày 6/8, tại buổi họp báo 6 tháng đầu năm do UBND TP. Đà Nẵng tổ chức, ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã chia sẻ những thông tin cập nhật về tình hình cung cấp vật liệu đá và đất san lấp phục vụ các công trình, dự án trên địa bàn.
Trước tình hình cấp bách, Sở TN&MT đã tham mưu UBND thành phố các giải pháp bù đắp. Đối với vật liệu đá, ba giải pháp chính bao gồm: nâng công suất khai thác của 7 mỏ đá hiện có và cho phép gia hạn 50% công suất, cấp đổi lại các mỏ đá còn sản lượng nhưng chưa đủ điều kiện và khai thác các mỏ đã thăm dò và đánh giá trữ lượng. Sau khi thực hiện các giải pháp này, Đà Nẵng sẽ bổ sung khoảng 4 triệu m3 đá, đáp ứng đủ yêu cầu của các công trình, dự án.
Về đất san lấp, Sở TN&MT đề xuất bổ sung trong cấp phép công trình và đấu giá một số mỏ đất. Trước mắt, trong giai đoạn 2024 - 2025, thành phố sẽ đấu giá 5 mỏ khai thác đất. Tuy nhiên, so với nhu cầu đất san lấp, vẫn còn thiếu hơn 2 triệu m3. Sở TN&MT đang nghiên cứu và tìm kiếm các nguồn cung cấp khác để đảm bảo đủ nhu cầu./.