Với tốc độ tăng trưởng từ đầu năm đến nay như trên, tín dụng đã tăng trên 17% so với cùng kỳ năm ngoái và cũng là mức cao so với cùng kỳ nhiều năm trước đây.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ đầu năm 2022, NHNN đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 14%, là mức cao hơn so với 2 năm 2020, 2021. Thực tế, tín dụng đã tăng ngay từ những tháng đầu năm và đây là vấn đề rất khác so với các năm trước.
Tăng trưởng kinh tế trong 9 tháng đầu năm 2022 có sự đóng góp tích cực của tăng trưởng tín dụng nhanh ngay từ đầu năm. Tuy nhiên, mặt bằng vốn năm nay rất khác mọi năm là huy động vốn tăng trưởng chậm.
Hiện nay, tốc độ huy động vốn tăng khoảng 4,6% so với đầu năm, tức là chỉ bằng 1/3 so với tốc độ tăng trưởng của tín dụng. Điều này đặt ra thách thức đối với hệ thống ngân hàng trong việc điều tiết hệ số sử dụng vốn.
Trong bối cảnh đó, để đảm bảo nguồn vốn, bảo đảm thanh khoản cho các tổ chức tín dụng cũng như có nguồn vốn để cung cấp tín dụng cho nền kinh tế, NHNN đã điều chỉnh các mức lãi suất điều hành từ tháng 9 và gần đây nhất là từ 24/10.
Theo đó, NHNN tăng lãi suất điều hành và tăng lãi suất trần huy động của các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng. Điều này nhằm bảo đảm cho các tổ chức tín dụng có khả năng huy động thêm được nguồn vốn để bảo đảm an toàn thanh khoản, cũng như có điều kiện để cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế./.
Sức ép tăng lãi suất diễn ra khắp thế giới
NHNN cho rằng, việc điều chỉnh này là phù hợp với xu hướng chung khi lạm phát toàn cầu tăng cao và kéo dài, chưa ở mức có thể dừng lại được. Các ngân hàng trung ương trên thế giới, điển hình là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất nhanh và rất mạnh khiến cho đồng tiền nội tệ của các nước mất giá theo. Các nước sau đó tiếp tục tăng lãi suất với hai mục tiêu: một là chống lạm phát trong nước, hai là chống đỡ sự giảm giá của đồng nội tệ so với USD.