Những tín hiệu tích cực của kinh tế vĩ mô trong những tháng đầu năm 2021 cho thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh của cả nước đang trên đà phục hồi. Nhu cầu vốn được dự báo sẽ còn tăng trong thời gian tới và tăng trưởng tín dụng theo đó cũng được kỳ vọng sẽ hồi phục từ quý II trở đi.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, trong quý I, dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố ước tăng 1,8% so với cuối năm 2020. Đây được xem là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh đại dịch Covid-19 trên toàn cầu vẫn còn diễn biến phức tạp và ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh đến nền kinh tế vẫn còn rất lớn.
Số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố cũng cho biết, tính đến thời điểm 19/3, tín dụng của nền kinh tế tăng 1,47% so với cuối năm ngoái. Dù mức tăng trưởng này vẫn thấp hơn mức trước khi dịch Covid-19 bùng phát, với tỷ lệ tăng 1,9% trong quý I/2019, song con số này cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái khi tín dùng toàn nền kinh tế chỉ tăng 0,68%.
Thực tế ghi nhận tại một số ngân hàng cũng cho thấy dấu hiệu khả quan về tín dụng trong quý 1 năm nay. Theo ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng giám đốc Sacombank, quý I, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đạt khoảng 4% so với cuối năm 2020. Mức tăng trưởng này được cho là tích cực hơn so với năm 2020, nhờ những biện pháp kiểm soát dịch tốt của Chính phủ và triển vọng hồi phục của nền kinh tế.
Hiện ngân hàng này đang xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2021 với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ước tính tăng khoảng 12%, tương đương với mục tiêu Ngân hàng Nhà nước đề ra trong năm nay.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 mới đây, lãnh đạo Ngân hàng thương mại hàng hải Hàng Hải Việt Nam (MSB) cho biết, dư nợ cho vay của MSB đến hết quý I ước tăng trên 9%. MSB dự kiến dư nợ tín dụng sẽ tăng 25% trong năm nay.
Một số ngân hàng khác dù chưa có thông tin kết quả kinh doanh quý I, song kế hoạch kinh doanh đặt ra trong năm 2021 cũng tiết lộ một phần triển vọng về tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trong 3 tháng đầu năm và cả năm nay.
Đơn cử, đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của VIB vừa tổ chức mới đây đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021, với mục tiêu tăng trưởng tới 31%.
Trả lời thắc mắc của cổ đông lý do ngân hàng được cấp tăng trưởng tín dụng chỉ 8% nhưng lại đặt mục tiêu tăng trưởng 31% trong năm nay, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VIB cho biết, năm 2021, Ngân hàng Nhà nước có định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 12%, song cũng linh động, phụ thuộc vào diễn biến thị trường, tình hình đại dịch để điều chỉnh kế hoạch tăng hay giảm.
Theo ông Vỹ, các ngân hàng đều được giao tăng trưởng ban đầu ở mức 8 - 11%, sau đó Ngân hàng Nhà nước sẽ đánh giá độ lành mạnh, sức khoẻ tài chính, độ minh bạch của từng ngân hàng để giao chỉ tiêu bổ sung. Trong 3-4 năm qua, VIB tăng trưởng tín dụng trung bình 25 - 30%, nên ngân hàng đưa ra con số dựa trên xu hướng và số liệu sác xuất của VIB những năm qua.
Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), do ảnh hưởng của tâm lý thời vụ trước và sau kỳ nghỉ dài dịp Tết, mức tăng trưởng tín dụng quý I thường thấp nhất trong năm. Thêm vào đó, năm nay, dịch bệnh bùng phát trở lại từ cuối tháng 1 và kéo dài sang tháng 3 đã khiến nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp thận trọng hơn trong chi tiêu cũng như đầu tư. Cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh, thực tế đã có nhiều doanh nghiệp buộc phải chuyển hướng đầu tư kinh doanh. Sau khi chuyển hướng, họ phải cân đối lại dòng vốn tài chính của doanh nghiệp.
"Khi muốn chuyển hướng đầu tư kinh doanh, doanh nghiệp thường phải thông qua kế hoạch tại đại hội đồng cổ đông (cao điểm tổ chức vào tháng 3 - 4 hàng năm). Nếu được cổ đông phê duyệt, doanh nghiệp sẽ triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh của năm theo chiến lược, mô hình mới bắt đầu từ tháng 5. Do vậy, chúng tôi kỳ vọng tín dụng sẽ tăng trưởng mạnh hơn từ quý II", TS. Cấn Văn Lực nhận định.
Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, vị chuyên gia này ước tính, tín dụng có thể tăng từ 11 - 13% trong năm 2021.
Báo cáo cập nhật ngành ngân hàng mới đây của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cho biết, SSI ước tính tăng trưởng tín dụng nhóm ngân hàng thương mại cổ phần trong quý I/2021 sẽ tăng 15% so với cùng kỳ. Hai ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng tốt nhất trong 2 tháng đầu năm là Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) và Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB).
Dự báo cả năm 2021, SSI cho rằng, lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng ước tính sẽ tăng trưởng 24% so với năm 2020. Mức lợi nhuận tăng này được thúc đẩy bởi tăng trưởng tín dụng tăng 15% và chi phí tín dụng giảm 0,22%.
Năm 2021, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 12%. Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, việc đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm không phải là con số cố định. Ngân hàng Nhà nước sẽ có điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng khi cần thiết.
Cụ thể, trong trường hợp hết dịch Covid-19, nền kinh tế cần khôi phục nhanh, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh có nhu cầu tín dụng nhiều hơn nữa thì Ngân hàng Nhà nước sẽ chủ động mở rộng tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi. Ngược lại, khi nền kinh tế có dấu hiệu cần kiểm soát chặt chẽ nhằm đảm bảo hài hòa với mục tiêu lạm phát thì con số tăng trưởng tín dụng sẽ thấp hơn 12%.