Cụ thể, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết, tín dụng trong tháng 5 vừa qua tiếp tục tăng trưởng khả quan. Ước tính đến hết tháng 5/2017, tín dụng tăng 6,8% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ 2016 tăng 5,7%).
Tính đến hết quý I/2017, tổng nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế tăng 6,2% so với cuối năm 2016. Khu vực ngân hàng tiếp tục là kênh cung ứng vốn chủ yếu, chiếm 59,8% tổng cung ứng vốn cho nền kinh tế từ thị trường tài chính. Vốn cung ứng từ thị trường chứng khoán cho nền kinh tế tăng 10,6% so với cuối năm 2016.
Về cung ứng tín dụng cho nền kinh tế, tín dụng tháng 5 tiếp tục tăng trưởng khả quan. Ước tính đến hết tháng 5, tín dụng tăng 6,8% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ 2016 tăng 5,7%). Trong đó:
Cơ cấu tín dụng theo kỳ hạn thay đổi theo chiều hướng giảm tỷ trọng tín dụng dài hạn: ước tính tỷ trọng tín dụng ngắn hạn là 45,5% (cuối năm 2016 là 44,9%). Ước tính tỷ trọng tín dụng trung và dài hạn giảm xuống còn 54,6% (cuối năm 2016 là 55,1%).
Cơ cấu tín dụng theo loại tiền tiếp túc ổn định: Tỷ trọng tín dụng VND tặng nhẹ, chiếm khoảng 91,8% (cuối năm 2016 là 91,6%). Trong khi đó, tỷ trọng tín dụng ngoại tệ giảm nhẹ, chiếm 8,2% (cuối năm 2016 là 8,4%).
Tín dụng tiêu dùng tiếp tục tăng mạnh trong quý I/2017. Cho vay tiêu dùng ước tăng khoảng 29,7% so với cuối năm 2016. Trong đó, cho vay sửa chữa nhà ở và vay mua nhà để ở tăng 38,4% so với cuối năm 2016, chiếm 52,8% tổng tín dụng tiêu dùng (cuối năm 2016 chiếm 49,5%).
Theo tính toán của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, chỉ số chênh lệch tín dụng/GDP đã có xu hướng tăng liên tục từ quý IV/2015 cho đến nay và hiện đã ở mức 11% trong quý I/2017. Đây là mức cao thứ hai trong giai đoạn 2009-2017, chỉ đứng sau mức 13% của quý I/2011.
Cuối năm 2016, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia từng lưu ý, tín dụng tiêu dùng năm 2016 ước tăng tới 39% so với cuối năm 2015, chiếm 11,4% tổng tín dụng (năm 2015 là 9,8%). Trong đó, gần 50% tín dụng tiêu dùng tập trung vào cho vay sửa chữa nhà, mua nhà để ở mà nguồn trả nợ bằng tiền lương của khách hàng vay.
“Tín dụng tiêu dùng tăng mạnh, trong đó gần 50% tập trung vào lĩnh vực BĐS cho thấy hình thái tín dụng BĐS có sự chuyển dịch và cần được theo dõi, đánh giá”, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhìn nhận tại thời điểm cuối 2016.