Thủ tục hành chính vẫn làm khó doanh nghiệp
Năm 2025 mở ra những trang mới đầy tiềm năng cho thị trường bất động sản Việt Nam, nhưng đồng thời cũng không thiếu thách thức. Những bộ luật quan trọng có hiệu lực từ năm 2024 đã tạo ra một khung pháp lý mới. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp vẫn còn những nỗi lo ngại về sự chồng chéo và thiếu nhất quán trong các quy định liên quan đến đất đai, xây dựng và đầu tư. Điều này có thể gây ra không ít rủi ro cho các nhà phát triển dự án.
Tại diễn đàn "Bất động sản Mùa xuân lần thứ V" do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam phối hợp tổ chức, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Toàn Cầu (GP Invest) nhấn mạnh, các cơ quan Trung ương đang rất nỗ lực, quyết tâm trong cải cách thể chế, nhất là trong lĩnh vực bất động sản, trong đó cách thức thực hiện quy định pháp luật rõ ràng, minh bạch hơn. Song, nhiều doanh nghiệp đến nay vẫn gặp vướng mắc nhất định.
"Trong lĩnh vực bất động sản, doanh nghiệp có khi phải xin đến 38 - 40 con dấu để có thể thực hiện dự án. Hay việc xin điều chỉnh quy hoạch cũng gặp nhiều khó khăn", ông Hiệp chia sẻ.
Ông Hiệp cũng cho biết, tính đến tháng 1/2025, có khoảng 25 tỉnh thành công bố bảng giá đất mới. Nội hàm việc tính giá đất là do cơ cấu tính giá đất, yếu tố đầu vào không đầy đủ dẫn đến việc giá đất tăng cao. Đây là khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp bất động sản.
Ông Hiệp cho hay: "Từ khó khăn này sẽ phát sinh ra những vấn đề khác. Thứ nhất là chậm trễ ra dự án mới. Hiện nhiều doanh nghiệp mất 1 - 2 năm vẫn không tính được giá đất. Thứ hai là chi phí đầu vào tăng cao, việc này dẫn đến nếu tính giá đất không chuẩn xác sẽ có thể gây ra nhiều khúc mắc. Đây là điều tôi mong muốn được các bộ ngành, địa phương tháo gỡ cho doanh nghiệp. Nếu tháo gỡ được, khả năng triển khai các dự án bất động sản sẽ nhanh hơn".

Trong lĩnh vực bất động sản, doanh nghiệp có khi phải xin đến 38 - 40 con dấu để có thể thực hiện dự án. (Ảnh minh họa: Bùi Văn Doanh)
Tinh gọn bộ máy và tác động đến thị trường bất động sản
Việc hợp nhất và tinh gọn bộ máy quản lý Nhà nước có tác động không nhỏ đến thị trường bất động sản, mang đến cả cơ hội lẫn thách thức.
Bàn về vấn đề này, TS. Nguyễn Tú Anh, Chuyên gia kinh tế, Ban Chính sách, chiến lược Trung ương nhìn nhận, cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy của Đảng và Nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu quả là một chủ trương đã được nhắc đến từ lâu, nhưng lần này được thực hiện một cách quyết liệt.
Chuyên gia cho hay: "Chúng ta đã nói nhiều về nút thắt thể chế, và việc tinh gọn bộ máy sẽ giải quyết bài toán này, đồng thời về lâu dài sẽ tạo ra một nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế của đất nước nói chung".

TS. Nguyễn Tú Anh, Chuyên gia kinh tế, Vụ trưởng, Ban Chính sách, chiến lược Trung ương.
Theo đó, chuyên gia đánh giá cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy này sẽ đem đến 2 thuận lợi:
Thứ nhất, tác động đến việc giảm bớt các khâu trung gian, từ đó giúp cho bộ máy vận hành hiệu quả hơn.
Thứ hai, đẩy nhanh quá trình ra quyết định của Nhà nước đối với các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp. Cùng với quá trình tinh gọn, việc ứng dụng công nghệ số sẽ giúp quá trình ra quyết định nhanh hơn và chính xác hơn.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Tú Anh cũng cho rằng, ở giai đoạn đầu, bộ máy mới đi vào hoạt động chưa thể vận hành trơn tru ngay được mà sẽ gặp phải những khó khăn, vướng mắc. Trong quá trình đó, việc ra quyết định phê duyệt đầu tư và phê duyệt quy hoạch các dự án bất động sản có thể sẽ chậm hơn.
"Thời gian của quá trình điều chỉnh và thích nghi sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc phân định chức năng, nhiệm vụ và thực hiện theo đúng nguyên tắc "5 rõ" mà Chính phủ đã nêu ra: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ và rõ kết quả. Nếu tất cả các bộ phận trong bộ máy thực hiện đúng như vậy, thời gian điều chỉnh sẽ ngắn và ngược lại", TS. Nguyễn Tú Anh cho hay.
Tại một sự kiện mới đây, ông Lê Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho hay quá trình tinh gọn lại bộ máy ở các bộ ngành liên quan, đặc biệt như ở Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho thấy rất có lợi cho việc quản lý, phát triển thị trường bất động sản.
"Lâu nay cũng có những vấn đề liên quan đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý như quản lý rừng hay đất trồng lúa. Khi sáp nhập thành một bộ, thì việc quản lý sẽ rất thuận lợi. Ví dụ như đất trồng lúa, quá trình chuyển đổi mục đích trồng lúa sẽ không còn phải chạy đi chạy lại xin ý kiến. Tôi cho rằng đây là điều thấy rõ và rất thuận lợi," ông Bình chia sẻ.
Không chỉ ở cấp bộ, ông Bình còn cho rằng việc sáp nhập các cơ quan chức năng ở địa phương cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp bất động sản.
"Doanh nghiệp, không phải chạy đi nhiều sở, ngành liên quan để xin phép, giải quyết về thủ tục hành chính. Hơn thế, trong bối cảnh hiện nay, việc sáp nhập cũng sẽ được triển khai rất nhanh, không tốn nhiều thời gian chờ đợi, nên gần như không ảnh hưởng gì đến các hoạt động vận hành, cũng như giải quyết các vấn đề từ thực tiễn", ông Bình nhận định.
Còn ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cũng cho rằng tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy là chủ trương đúng đắn. Đây cũng là cơ hội để nhiều ngành, lĩnh vực (trong đó có lĩnh vực bất động sản) phát triển nhờ đơn giản hoá các thủ tục hành chính.
Theo ông Dũng: "Sau khi tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy, nhiều cơ quan, bộ, ban, ngành liên quan, thì thủ tục đầu tư một dự án bất động sản sẽ giảm đi rất nhiều".
Ông Dũng lấy ví dụ việc thẩm tra, thẩm định các dự án, công trình cấp 1 (những công trình có quy mô lớn), trước đây là trách nhiệm của cơ quan Trung ương, nhưng tới đây, địa phương sẽ phải chuẩn bị bộ máy, con người để thẩm định các dự án đó.
"Khi chúng ta tổ chức tốt, có bộ máy tốt sẽ giúp cho các dự án bất động sản triển khai nhanh hơn, qua đó tăng được các nguồn cung cho thị trường bất động sản", ông Dũng nhận định.