Theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản, trong 6 tháng đầu năm 2019, nguồn cung mới sản phẩm condotel tương đối thấp, chào bán chủ yếu từ các dự án năm 2018, tính hấp thụ chỉ đạt 25,02%.
Báo cáo tình hình giao dịch bất động sản Quý II và 6 tháng đầu năm 2019 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nêu rõ, trong Quý I năm 2019, nguồn cung đạt 6,832 sản phẩm nhưng lượng giao dịch chỉ ở mức khiêm tốn 1,569 sản phẩm, tức tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 22,9%. Còn Quý II năm 2019, nguồn cung đạt 5,023 sản phẩm trong khi lượng giao dịch vẫn ở mức thấp chỉ 1,398 sản phẩm, tỷ lệ hấp thụ 27,3%.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, nguồn cung condotel mới hạn chế do chậm triển khai các thủ tục pháp lý dự án, các chính sách tạo điều kiện phát triển dòng sản phẩm này chưa rõ ràng.
Ngoài ra, khách hàng, các nhà đầu tư chưa thật sự yên tâm để quyết định đầu tư do các chính sách cũng như việc quản lý, vận hành, khai thác kinh doanh condotel. Khách hàng chủ yếu đầu tư vào các dự án của các chủ đầu tư lớn, có uy tín, kinh nghiệm trong việc quản lý, kinh doanh đạt hiệu quả cao.
Cùng với đó, việc siết chặt các nguồn vốn và tính thanh khoản của các sản phẩm coldotel chậm bởi giá tương đối cao và tỉ lệ hấp thụ thấp.
Các khu vực có lợi thế về du lịch và hệ thống giao thông thuận tiện, đặc biệt có kết nối bằng đường hàng không như: Phú Quốc, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh, tiếp tục được đánh giá là các khu vực có tiềm năng phát triển mạnh về bất động sản nghỉ dưỡng c ondotel.
Ngoài ra, một số khu vực có tiềm năng phát triển bất động sản nghỉ dưỡng khác như: Thanh Hóa, Quảng Bình, Quy Nhơn, Phú Yên, Bình Thuận, Vũng Tàu... đang được sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư trên cả nước.
Thời gian qua, các nhà chuyên môn, doanh nghiệp và nhiều nhà đầu tư quan tâm đặc biệt đến loại hình condotel. Sở dĩ như vậy là vì, hiện chưa có văn bản pháp lý nào trong hệ thống pháp luật Việt Nam quy định về loại hình condotel.
Nhiều chuyên gia cũng chỉ ra thực tế rằng, thậm chí tên gọi bằng tiếng Việt của coldotel cũng chưa có, tên gọi “căn hộ du lịch” cũng mượn tên của xếp loại chỗ lưu trú của Luật Du lịch. Mặc dù vậy, hiện có nhiều dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, được cấp giấy phép xây dựng và giao dịch bán cho khách hàng.
Các chuyên gia pháp lý nhận định, loại hình condotel đang đặt ra câu hỏi về tính hợp pháp trong giao dịch chuyển nhượng, nên hiện không thể cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho người mua. Một số trường hợp đã lỡ cấp, cơ quan Nhà nước cũng phải tiến hành thu hồi các giấy chứng nhận này.
Với những giao dịch này, người mua sẽ không được pháp luật bảo vệ vì không có pháp luật nào quy định. Do đó, có nhiều rủi ro từ việc khách hàng có được sở hữu căn hộ du lịch đó hay không và quyền của họ đến đâu…
Trong các giao dịch không có pháp luật quy định hay chờ quy định pháp luật ban hành hoặc chờ hoàn thiện pháp lý dự án, thì các bên tin tưởng nhau trên cơ sở uy tín, thực hiện đúng cam kết và lợi ích của nhau.
Trao đổi về vấn đề trên, Luật sư Trần Đức Phượng phân tích, việc giao dịch căn hộ condotel là không phù hợp pháp luật, thậm chí nhiều điểm là trái quy định pháp luật (dự án du lịch nhưng thực hiện hoạt động kinh doanh bất động sản: bán căn hộ; sở hữu chung sở hữu riêng…).
“Với việc giao dịch không theo quy định pháp luật, nên quyền lợi của người mua khó được pháp luật bảo vệ, dẫn đến chủ đầu tư (giai đoạn xây dựng và giai đoạn đưa vào sử dụng) sẽ cố ý vi phạm các cam kết để hưởng lợi tối đa”, Luật sư Phượng cho hay.
Nói như thế để thấy, loại hình bất động sản condotel hiện nay đang còn nhiều vướng mắc cần nhanh chóng được tháo gỡ. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào các nhà chuyên môn hoạch định chính sách và các cơ quan quản lý Nhà nước./.