Aa

Tĩnh lặng hương Thu

Chủ Nhật, 20/08/2023 - 06:00

Người ta thường gọi là mùa thu vàng, vàng từ sắc nắng đến cây lá… Nhưng tôi lại thích hương thu, thứ hương thơm ngọt ngào không thể trộn lẫn làm cho cả tiết thu trở nên tĩnh lặng: Ấy là mùa thị chín.

Thu đến năm nay không phải bằng cái nắng vàng óng như rót mật mà lại bằng những trận mưa tầm tã. Mưa lướt sướt, mưa dầm dề, mưa như trút nước…, cứ như cộng những mưa rào của Hạ rồi nhân với những mưa Ngâu để sang cả cho Thu vậy. Nhưng Hà thành bỗng tươi tắn hẳn lên, không phải bởi một sắc vàng vốn vẫn được mặc định cho Thu, mà bằng một làn hương…

Một sáng mai, tôi đi miên man quanh Hồ Gươm, đi vòng vào phố Cầu Gỗ. Mỗi lần lên phố cổ, tôi thường bị lạc chân vào con ngõ này để hít hà hương vị của một cái chợ cổ nằm lọt thỏm giữa trung tâm Kinh kỳ: Chợ Hàng Bè. Từ Bờ Hồ đi vào, thường thì người ta đi theo phố Hàng Dầu thẳng đến Hàng Bè, nhưng tôi thì lại hay đi theo phố Hồ Hoàn Kiếm, qua phố Cầu Gỗ rồi rẽ vào ngõ Cầu Gỗ để đi vào ngõ Trung Yên.

Tôi hít căng lồng ngực. Hương thơm nồng nàn có lúc thoang thoảng đâu đây, có lúc như đặc quánh như để lại cả dư vị ngòn ngọt nơi đầu lưỡi. Và dọc dãy hàng quen thuộc, mắt tôi bỗng chạm vào những đốm vàng sáng bừng lên một mảng hè phố: Thị!

Ồ đây rồi! Không phải một hai quả mà là cả một mẹt bày đầy những quả thị vàng tươi, thơm thảo, hồn hậu… Những quả thị chín có xanh có như muốn nép mình đi giống cô Tấm trong câu truyện cổ tích, nhưng khổ một nỗi mùi hương của nó cứ như ánh nắng không thể nào có gì mà gói lại nổi…

Ô! Vậy là đã thu rồi sao!

Nhớ lại ngày trước, cũng có đôi mùa tôi mua thị cho em, định ú òa dành cho em một điều bất ngờ nhưng chưa đến cửa thì mùi hương đã lanh chanh chạy trước, chẳng giấu được. Nhớ lại hồi nhỏ, đêm đêm chơi trốn tìm, có đứa mang thị theo và thế là trốn đâu cũng bị tìm ra… Hương gì còn giấu được, chứ mùi thị thì đừng có mà mong…

Thực ra, thị chín có mùi hơi nặng chứ không thanh tao như hương hoa bưởi hoa ngâu. Người ta cũng bảo, những nhà nấu rượu đều kiêng mùi thị; chỉ cần để quả thị trong nhà là cả mẻ rượu cữ ấy hỏng ngay. Cũng vì thế mà có người thích, người không. Như u tôi khi nào khỏe thì không nói, nhưng khi nào yếu người mà ngửi thấy mùi thị là kêu nhức đầu và ốm ngay. Vì vậy mà dù trẻ con đứa nào chả thích thị, nhưng khi u ốm là chị em tôi không bao giờ dám mang thị vào nhà. Ấy vậy nhưng khi khỏe lên là thế nào vào thu u cũng mua cho chị em tôi mỗi đứa một quả thị.

Lật chiếc vỉ buồm trên chiếc rổ trong tay u, thấy đốm nắng vàng ấy là mắt chị em tôi sáng lên. Mân mê trái thị mọng căng mát rượi và khum khum hai bàn tay gầy guộc đưa lên mũi hít hà cho đã đời rồi, chị em tôi mới đi kiếm sợi để đan vó đựng thị. Quê tôi có nghề dệt vải từ xa xưa, nên việc tìm sợi vải để đan vó đựng thị không khó lắm. Sợi vải ấy có thể là sợi go, lấy từ chiếc go cũ hỏng người lớn bỏ đi.

Bàn go dùng để luồn sợi dọc trong khung dệt vải. Mỗi khung cửi thủ công có 2 bàn go. Khi giậm cửi, một bàn nâng một nửa số sợi lên, bàn còn lại hạ nửa sợi kia (xen kẽ) xuống để thoi lao qua dệt sợi ngang vào mà thành tấm vải. Sợi go nhỏ nhưng rất bền chắc, đan vó rất thích. Nhưng chính vì nó bền nên ít khi bị hỏng. Vì vậy, sợi để đan vó thường là những đoạn sợi đầu rui.

Sợi đầu rui là đoạn sợi ở đầu và cuối tấm vải để nối vào guồng sợi mới và trục cuốn vải. Dệt vải bằng khung cửi không bao giờ có thể dệt hết được đến đầu sợi mà thường phải thừa ra một đoạn. Đối với dệt khăn, đầu sợi ấy được để lại làm tua khăn; nhưng đối với vải tấm thì phải cắt bỏ đầu sợi rồi mới gấp vải thành từng tấm một, những đoạn sợi ấy u gọi là sợi đầu rui.

Những đoạn sợi đầu rui thường chỉ dài khoảng một hai gang tay, nhưng như thế cũng đủ để đan thành những chiếc vó nhỏ xinh xắn để đựng quả thị thơm thảo. Đan vó rất dễ nhưng không phải đứa nào cũng biết đan. Ban đầu chúng tôi bắt chước người lớn, rồi dậy truyền cho nhau. Chỉ cần gấp đôi từng đoạn dây dùng đan vó, cách khoảng đốt ngón tay nơi đầu dây gấp thắt nút lại. Sau đó dùng đoạn dây khác luồn vào từng vòng dây vừa thắt nút sau này sẽ thành miệng vó, rồi cứ thế mà đan theo hình mắt cáo như kiểu đan lưới… Tùy vào muốn chiếc vó to hay nhỏ mà chọn số dây đan nhiều hay ít…

Nhưng rồi u tôi không dệt vải nữa nên không có sợi đầu rui. Lắm khi không xin được sợi, chị em tôi lại đi tước dây chuối khô để đan vó. Điều đó chẳng hề gì, chỉ cần ngắm nghía quả thị vàng hươm treo tòn teng trong chiếc vó màu nâu ấy và hít hà làn hương dịu dàng ấm ấp đã là đủ lắm rồi… Chiếc vó đan bằng sợi dây chuối khô mộc mạc quyện với hương thị thơm dịu dàng theo cả vào giấc ngủ, mơ thấy cô Tấm hiện ra chữa cho u khỏi ốm…

Thực ra thì thị không phải để ăn, mà là để bày cho đẹp và để thưởng thức hương thơm. Bây giờ ở phố, người ta hay bày đĩa thị cúng với hoa dẻ, hoa ngọc lan hay lan tiêu, mẫu đơn… Giời ạ! Cứ như gọi cả thế giới hương hoa về với Thu. Vì vậy mà dù hau háu đến đâu, cũng chả có mấy đứa trẻ nôn nóng bổ thị ăn. Cứ để thế mà ngắm nghía, mà hít hà, mà mơ những giấc mơ con trẻ… Rồi tưởng tượng cô Tấm bước ra từ quả thị cho sách vở, cho quần áo mới ơi là mới… Cũng chính vì vậy mà phải đến tận khi quả thị chín nẫu, chúng tôi mới rụt rè bổ ra và chia nhau từng miếng. Nhưng ngay cả khi ấy, thì mục đích chính cũng không phải để ăn, mà là để lấy vỏ thị dán lên vách.

Chị tôi lấy con dao bài sắc như dao cau, cẩn thận bổ quả thị từ phía nuốm ra làm tư. Nhưng không bổ hẳn thành từng miếng như bổ cau, mà sao cho ở phía dưới quả vỏ vẫn dính vào nhau. Sau đó không tách rời thành từng múi mà chỉ chia nhau phần ruột, còn vỏ thì vẫn giữ nguyên. Quả thị chín nẫu lộ ra phần thịt màu vàng hổ phách nhưng hơi đục như sáp ong, có vị ngọt dịu nhan nhát, thẻm một cái đã hết miếng thị rồi.

Thị ngon hay không tùy theo cảm nhận và khẩu vị của mỗi người, nhưng cái mùi thơm của nó thì cứ là thấm vào tận gan ruột. Cái mùi thơm cảm nhận được bằng cả đầu lưỡi, cứ như đang cắn vào miếng mỡ đông và nó bỗng tan ra thấm vào khắp cơ thể. Ăn xong miếng thị mới là lúc trang trọng nhất. Chúng tôi thường giành nhau để được cầm tấm vỏ thị dán lên bức vách phía trên giường. Để rồi, trái thị thơm thảo bỗng hóa thân thành bông hoa bốn cánh vàng ươm màu kén treo lơ lửng trên bức vách, để chúng tôi tiếp tục được ngắm nghía và hít hà cái mùi thơm dịu dàng, dân dã không thể nào trộn lẫn ấy.

Điều kỳ diệu là bông hoa ấy không bao giờ tàn. Sau một thời gian, khi vỏ thị đã khô, tôi nhẹ nhàng gỡ chúng xuống và trên vách vẫn nguyên hình bốn cánh hoa nhưng giờ đã chuyển màu nâu và trở thành bất tử, giống như câu chuyện cổ tích mà bất cứ đứa trẻ thôn quê nào cũng thuộc nằm lòng, nhất là câu “Thị ơi thị rụng bị bà/ Bà để bà ngửi chứ bà không ăn”, và hình ảnh cô Tấm hiện ra từ quả thị luôn chập chờn trong giấc ngủ… 

Dù có bị cho là cực đoan, thì tôi vẫn quả quyết rằng, họa tiết hoa thị được sử dụng khá nhiều trong mỹ thuật Việt Nam trên rất nhiều các tác phẩm, công trình với đủ các chất liệu từ gỗ, đá, gốm, sứ đến giấy, vải…, chính là xuất phát từ hình vỏ thị mà lũ trẻ con in trên vách này, chứ không phải là từ bông hoa tạo nên quả thị.

Ơ, vậy thì hóa ra, cái trò tưởng như là nghịch ngợm dán vỏ thị lên bức vách ấy hẳn đã có từ ngàn năm xa xưa, và lại cũng chính là cái trò nghịch ngợm trẻ con ấy đã làm cho trái thị thăng hoa trong nghệ thuật và trở thành bất tử…

Nhưng lũ trẻ chẳng cần biết điều đó…

Cả các cô thôn nữ cũng vậy. Cũng chả cần biết cái dấu hoa thị đã trở thành một ký tự đặc biệt trên bàn phím mà hàng tỷ người vẫn gõ nó hằng ngày… Chỉ cần một sáng mai ra, thoáng nghe trong làn gió heo may mùi thị thơm ngọt ngào dịu dàng, áp trái thị mơn man trên má, nhìn lên bầu trời thấy mây đã mỏng ra, biết là Thu đã đến! Mùa Thu với mâm cau phủ lụa điều, với mâm bánh phu thê cài trong những chiếc hộp trổ họa tiết hoa thị và câu chuyện râm ran trong những đám cưới hỏi…

Người ta bảo hoa cúc là biểu tượng của mùa Thu, nhưng bây giờ hoa cúc vàng rực quanh năm. Có người lại bảo trái hồng là biểu tượng của mùa Thu, nhưng bây giờ cũng có hồng trái vụ. Nên tôi cứ tin rằng, mùa thị chín mới là tín hiệu báo Thu sang.

U tôi bảo, cô Tấm nấp trong quả thị không phải là để gặp Vua, mà là để mang món quà quê dân dã thơm thảo ấy phát đều cho những đứa trẻ. U cũng bảo, đêm ngủ để quả thị ở đầu giường, cô Tấm sẽ biết hết trẻ con mơ những điều gì, rồi cô sẽ đem điều đó đến cho con trẻ…

Bây giờ, tôi vẫn tin những điều u nói. Kể cả u bảo, bắt đầu có thị chín là hết mùa mít, thị hút hết hương thơm vào nó rồi nên mít sẽ sượng và nhạt thếch như bị ngâu vày… Để rồi, sau những đợt mưa dầm dề, tôi lặng lẽ đi trong phố Thu. Mọi thứ sao mà duyên dáng. Cả không gian, cả thời gian ngưng lại, như không muốn làm tan biến mất thứ hương thơm mà đất trời ban tặng. Chỉ có mùi thị thơm ngọt ngào vàng ươm trong tĩnh lặng hương Thu, với những tiếng thì thầm xuyên không vào câu chuyện cổ tích…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top