Aa

Sấu ơi...

Thứ Tư, 28/06/2023 - 06:00

Nếu như mùa hoa sấu làm cho Hà Nội thơm tho thì mùa quả sấu làm cho Hà Nội thanh thanh, dìu dịu. Trong cảm giác mùa hè, tôi muốn gọi sấu ơi, với tấm lòng cảm tạ!

Tôi có một thói quen “nội trợ”, dù tâm hồn không thuộc “phe ăn uống”, đó là hay lang thang chợ cóc phố tôi để ngắm nghía. Chợ cóc Vĩnh Hồ cũng giống như đời sống của muôn ngàn chợ cóc khác ở Hà Nội, nó tồn tại bởi nhu cầu của con người. Các nhà quản lý đô thị, từng đau đầu về việc làm sao quy hoạch được chợ Hà Nội. 

Tôi nghĩ người đô thị đều có gốc nhà quê; người buôn bán ở chợ cóc, chủ yếu là người ở quê, nên thói quen lấy chữ “tiện” làm đầu, chắc còn lâu lắm mới mất đi. Tiện đâu mua đó, cần gì có thứ đó... từ đó mà sinh ra kinh tế vỉa vè, thương mại vỉa hè, chuỗi cung ứng vỉa vè.

Vĩnh Hồ (Đống Đa, Hà Nội) khi xưa là vùng nông nghiệp. Tôi vẫn nghe những người gốc gác nơi đây, kể về ngày Nhà nước cho xây dựng các khu tập thể. Chao ơi, máy xúc đất lên, rặt cá rô, lươn, chạch vàng óng.

Chợ cóc Vĩnh Hồ không thiếu thứ gì. Thực phẩm cao cấp nhập khẩu, thực phẩm bình dân là con tép sông Đà nhảy trên sàng rôm rả. Nghe mấy bà, mấy chị mua gom tép, ngồi bên nách chợ phân loại nhỏ, to bảo thế, tôi biết thế. Sông Đà và một số dòng sông vừa qua gặp tình trạng cạn nước, nhưng chắc là còn chỗ cho đàn tép trứng sinh sôi. Loại tép này, ngày bé tôi cất rớ trên cánh đồng. Bây giờ tép cánh đồng đã tuyệt chủng. Tôi nghĩ thế và hy vọng con tép sông Đà là có thật.

Hàng sấu cổ thụ bên đường Phan Đình Phùng có đến cả trăm năm tuổi. (Ảnh: Bùi Văn Doanh)

Chợ cóc Vĩnh Hồ mùa này, tràn ngập sấu. Hà Nội vào vụ thu hoạch sấu. Bây giờ nhiều con đường đã trồng sấu xanh, nhưng thời Pháp, con đường bóng sấu rợp mát, đầy cảm xúc, có lẽ là con đường Trần Phú, Phan Đình Phùng. Hai hàng sấu cổ thụ bên đường, dễ đến trăm tuổi. Con đường Phan Đình Phùng “huyền thoại” nơi nam thanh nữ tú Hà Thành check-in rợp màu xanh của sấu. Mùa hè đã đẹp. Mùa thu càng đẹp hơn.

“Sáng mát trong như sáng năm xưa / Gió thổi mùa thu hương cốm mới / Tôi nhớ những ngày thu đã xa / Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội”. Đi trên những con đường Phan Đình Phùng, Trần Phú... giữa mùa thu lá đổ, hẳn trong lòng ngân nga mấy câu thơ trong bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi. Vì thế, ai đó đã nói nhớ đến Hà Nội là nhớ đến linh hồn, thờ phụng trong lòng là linh hồn Hà Nội.

Tôi đã từng đứng giữa trời ngắm những người hái sấu, ở nhiều thời kỳ. Ngày xưa leo bằng chân tay ôm lấy thân cây. Bây giờ “thợ” hái sấu có dây bảo hiểm đeo theo người. Thay đổi nhưng chính vẫn là cơ bắp. Không hiểu tiền của người thợ được các nhà “buôn sấu” trả theo ngày công hay khối lượng, nhưng sấu chính vụ đang đắt.

Có ai sinh sống ở Hà Nội mà chưa một vài lần uống cốc sấu dầm giữa trưa hè đổ lửa... (Ảnh: Bùi Văn Doanh)

“Một cân sấu bao nhiêu em?”, tôi hỏi một sáng. “Thưa, loại còn vỏ 25.000 đồng/kg; loại đã cạo qua vỏ 35.000 đồng/kg”, cô bán sấu rành rẽ. Ngày xưa người ta cạo lớp vỏ xanh ngoài cùng bằng thủ công, bây giờ văn minh hơn đã có cái máy nhỏ xíu bên cạnh.

Sấu xanh để làm gì nhỉ? Chắc chắn, ai sinh sống ở Hà Nội ít nhất một vài lần uống cốc sấu dầm giữa trưa hè đổ lửa; chắc chắn mỗi gia đình đều đã làm món vịt om sấu, sấu dầm nước luộc rau muống thì đương nhiên rồi. Ngày nay, quả sấu ngâm với đường làm ra nước sấu đá, sấu bao tử ngâm nước mắm... Con người ngày càng thông minh, nên chuỗi cung ứng các sản phẩm từ sấu ngày càng đa dạng. Sấu cũng vì thế lên giá, nói vui là “lên ngôi”.

Tôi đã từng được chiêu đãi món sâm cầm om sấu. Sâm cầm, loài chim di cư, một thời đã đi vào bài hát “Nhớ mùa thu Hà Nội” của Trịnh Công Sơn. Nói đến sâm cầm, người Hà Thành nhớ đến Hồ Tây.

“Hồ Tây chiều thu / Mặt nước vàng lay, bờ xa mời gọi / Màu sương thương nhớ / Bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời”, (Nhớ mùa thu Hà Nội, Trịnh Công Sơn). Hồ Tây đã thành ao, bởi tầng tầng lớp lớp nhà cao tầng trong “cơn lốc” đô thị vây kín, sâm cầm đã không còn chọn làm bến đỗ trên con đường thiên di. Bây giờ chỉ còn trong hoài niệm.

Mùa hè có sấu xanh, mùa đông có sấu chín. Tôi không phải là tuýp người lãng mạn, nhưng không thể quên được gánh hàng rong trên phố. Ở đó có mùa đông, với bếp nướng ngô và những đĩa sấu được gọt vỏ, thái ra từng miếng xếp trên đĩa, bên cạnh có chút gia vị ớt... Và hình bóng thiếu nữ Hà Thành, xoa xuýt.

Một câu hỏi tôi thường tự đặt ra: Sấu xuất hiện ở Hà Nội từ bao giờ? Trang “Nhịp sống Hà Nội” cho biết trong “Đại Nam nhất thống chí” thời triều Nguyễn có viết: “Huyện Phù Ninh (nay thuộc Phú Thọ), Bất Bạt (nay thuộc huyện Ba Vì), Mỹ Lương (nay là huyện Chương Mỹ, Hà Nội) và huyện Lương Sơn của tỉnh Hòa Bình trồng rất nhiều sấu”.

Nghe đâu từ xa xưa, người ở vùng này quan niệm, ông cha để lại cho con cháu không phải tiền bạc mà là vườn sấu và trám đen - hai loại cây “hưởng lợi trăm đời”. Vì thế, ở vùng này, nghe đâu nhiều sấu và trám đen. Sấu thì bán quả còn trám đen bán hạt cho người làm nghề ép dầu.

Như vậy, sấu từ ngoại thành “nhập khẩu” về nội đô. Cũng theo trang “Nhịp sống Hà Nội”, khi người Pháp xâm chiếm Hà Nội năm 1883, công sứ Pháp là Bonnal đã chủ trương quy hoạch lại thành phố Hà Nội thuộc Pháp (tương ứng với quận Hoàn Kiếm và một phần quận Ba Đình ngày nay).

Chính quyền hồi đó đưa ra tiêu chí thân phải thẳng (để trẻ con khó trèo leo, nguy hiểm), cây có rễ cọc để tránh bị gió bão quật đổ và không xuyên vào móng nhà mặt phố. Có tán, không tiết ra nhựa độc hại, hoa không có mùi khó chịu. Lá cây phải rụng rải rác quanh năm để việc vệ sinh đường phố thuận tiện. Và cây sấu đã đáp ứng được hầu hết các tiêu chí này.

Cứ thế, những phố đầu tiên trồng sấu là các phố như Lê Phụng Hiểu, Lê Thánh Tông, Lý Thái Tổ, Ngô Quyền... Đầu thế kỷ XX, Hà Nội phát triển ra khu vực ngày nay gọi là phố Hai Bà Trưng, đoạn đầu Bà Triệu, Trần Hưng Đạo... Phố mọc đến đâu, sấu bám rễ, tỏa mát đến đó.

Thảo nào, nhiều con đường cũ, nội đô như Đinh Tiên Hoàng, Lê Thánh Tông, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Lê Hồng Phong... sấu già nua nhưng xanh thách thức. Và nữa, các tuyến phố mới, sấu cũng được trồng nhiều như Dương Đình Nghệ, Phạm Văn Bạch, Mạc Thái Tổ... Xem ra, sấu là cây xanh thuộc về đô thị?

Sấu được coi như “đồng hồ báo thức” mùa hè. (Ảnh: Bùi Văn Doanh)

Sấu được coi như “đồng hồ báo thức” mùa hè, hoa nở mùa xuân, hái quả mùa hè, kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9 trong năm. Sấu là thứ quả mộc mạc nhưng mang phong vị mùa Hà Nội. Ngày nay, sấu đã trở thành món ăn được nhiều người khắp cả nước yêu thích vì vị chua ngọt thanh nhẹ, rất phù hợp với ngày nóng bức. Sấu không chỉ vào bữa ăn, không chỉ vào tủ cấp đông của nhiều gia đình ở Hà Nội để ăn quanh năm... mà sấu đã đi vào thành một thành tố của văn hóa Hà Nội.

Sấu đi vào biết bao tác phẩm âm nhạc, thơ ca... của những người nổi tiếng. “Hà Nội ơi xanh xanh liễu rủ mặt hồ Gươm / Cô đơn sấu rụng ngoài ngõ vắng / Con sóng nào vẫn vỗ về vào đam mê / Hà Nội ơi, Hà Nội ơi”, thử hỏi ai chưa từng hát bài này, ai chưa từng khắc khoải cùng ca sỹ Mỹ Linh trong “Hà Nội đêm trở gió”? Xin cám ơn hai tác giả thơ và nhạc Chu Lai, Trọng Đài.

Bây giờ, không riêng Hà Nội, nhiều đô thị trong cả nước đã trồng sấu. Sấu xanh, không còn là thứ quà được quan tâm ship tặng nhau như một phần của yêu thương. Thế nhưng sấu Hà Nội vẫn là đầu bảng, thịt dày, vị chua, thanh đặc biệt.

Trong Đông y, lá, hoa, quả sấu còn là những vị thuốc chữa một số loại bệnh. Một lang y trên phố Tây Sơn cho biết, sấu chữa được ho, nhiệt miệng, ngứa cổ, đau họng. Thậm chí là buồn nôn, nghén, khó chịu, bồn chồn ở phụ nữ có thai và tăng cường hoạt động của hệ tiêu hóa, chữa say rượu, mụn nhọt, bệnh ghẻ, lở ngứa.

Nếu như mùa hoa sấu làm cho Hà Nội thơm tho thì mùa quả sấu làm cho Hà Nội thanh thanh, dìu dịu. Trong cảm giác mùa hè, tôi muốn gọi sấu ơi, với tấm lòng cảm tạ!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top