Aa

Tổng Công ty sông Đà sử dụng và quản lý đất "ngược đời"

Thứ Năm, 28/02/2019 - 13:20

Đến 31/12/2017, lãnh đạo của Tổng Công ty Sông Đà – CTCP và 12 công ty con – liên kết đã để nhiều vấn đề về tài chính tồn tại. Trong đó, tình hình quản lý, sử dụng đất nói riêng cũng còn nhiều bất cập và trái quy trình.

Hiện, Tổng công ty Sông Đà đang quản lý, sử dụng 46 khu đất với tổng diện tích hơn 64,3 triệu m2. Trong đó, 44 khu đất được giao để tổ chức hoạt động sản xuất sản xuất kinh doanh, sử dụng làm trụ sở văn phòng làm việc của tổng công ty và các đơn vị phụ thuộc. Còn lại 2 khu đất được giao để thực hiện dự án khu dân cư, diện tích 465.040m2. Hiện, công ty mẹ đang bàn giao quyền quản lý và sử dụng đối với diện tích đất 263m2 tại cơ sở II Hà Đông do không còn nhu cầu sử dụng.

Được biết tới thời điểm Kiểm toán công bố thông tin, Tổng Công ty Sông Đà còn chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý để thuê khu đất diện tích  2.193 m2 tại phường Nam Khê, Uông Bí, Quảng Ninh (Công ty Sông Đà 2). Tổng công ty cũng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các tài sản khác gắn liền với đất đối với 2.163m2 tại khu đô thị Văn Khê, Hà Đông, Hà Nội (Công ty Sông Đà 6).

Công ty cũng chưa được gia hạn thuê đất đối với khu đất diện tích 68.087,3m2 để xây dựng tuyên đường vận hành VH1 – Công trình Nhà máy Thủy điện Nậm He và chưa được chỉnh quyền sử dụng khu đất CE215971 đối với 135.879 m2 của khu đất xây dựng Nhà máy Thủy điện Nậm He tại Mường Tùng, huyện Mường Chè, tỉnh Điện Biên) đã có quyết định thu hồi của Chủ tịch UBND tỉnh Điên Biên (Công ty Sông Đà 10).

Tổng Công ty Sông Đà còn nhiều tồn tại liên quan đến việc quản lý sử dụng đất

Ngoài ra, Tổng công ty Sông Đà còn kê khai thiếu tiền thuê đất 41 triệu đồng và chưa phân phối với các đơn vị liên quan thực hiện bàn giao diện tích 3.448 m2 tại Tân Thịnh, Hòa Bình và lý lại hợp đồng thuê đất theo quy định.

Đặc biệt, việc tuân thủ các quy định về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản tại Dự án xây dựng Khu đô thị Hồ Xương Rồng tại Thái Nguyên có vấn đề.

Chẳng hạn như chủ đầu tư được cấp giấy chứng nhận đầu tư tháng 9/2013 sau khi đã khởi công được 3 năm. Việc này chậm so với quy định tại Điều 45 Luật đầu tư 59/2005/QH11 ngày 29/11/2005. Việc lấy ý kiến của Bộ Xây dựng về thiết kế cơ sở chậm so với quy định tại Điều 10 Nghị định 12/2009/NĐ-CP ngày 12/2/2009, Nghị định số 83/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính Phủ.

Chi tiết hơn, hệ thống cấp nước điều chỉnh ống thép D200 – D300 tại các vị trí qua đường thành ống bê tông cốt thép D300 chưa được phê duyệt bổ sung dự án. Đất đào cấp 1 vận chuyển ra bãi đổ thải thiếu xác nhận của tư vấn giám sát trong hồ sơ quản lý chất lượng. Do công tác giải phóng mặt bằng còn khó khăn nên dự án được gia hạn tiến độ đến hết năm 2018 theo Quyết định số 2461/QĐ-UBND ngày 16/7/2017 của Chủ tịch UBND TP. Thái Nguyên. Công tác nghiện thanh toán sai khối lượng so với bản vẽ hoàn công 15,4 triệu đồng…

Được biết, Khu đô thị Hồ Xương Rồng có diện tích 45ha thuộc phường Phan Đình Phùng, TP. Thái Nguyên. Dự án Hồ Xương Rồng nằm ở vị trí trung tâm của thành phố, có hồ nước rộng 9ha. Khu đô thị đang góp phần tạo ra một điểm nhấn quan trọng cho bức tranh đô thị Thái Nguyên. Công ty Cổ phần Sông Đà 2 thuộc Tổng Công ty Sông Đà được UBND tỉnh Thái Nguyên lựa chọn là Chủ đầu tư Dự án tại Quyết định số 2683/QĐ-UBND ngày 19/10/2009.

Biệt thự liền kề Hồ Xương Rồng đã được giao bán trên mạng với giá gốc chủ đầu tư 8,5 triệu/m2, thanh toán linh hoạt theo tiến độ. Nhưng, dự án này đã từng được đưa ra TAND tỉnh Thái Nguyên đã đưa xét xử vụ án “Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Năm 2011, Cty Sông Đà 2 ký hợp đồng hợp tác đầu tư với đơn vị đầu tư cấp II là Cty Đô thị mới Hà Nội (ĐTM Hà Nội), Giám đốc là Lương Xuân Cường. Theo hợp đồng, Cty Sông Đà 2 sẽ giao cho Cty ĐTM Hà Nội tổng số 232 lô đất với tổng diện tích hơn 30.089m². Tổng số tiền góp vốn của Cty ĐTM Hà Nội khoảng 261 tỷ đồng.

Đây là dự án lớn của tỉnh, có vị trí đẹp, nằm giữa trung tâm TP. Thái Nguyên nên từ tháng 3 năm 2011, nhiều người dân trong và ngoài tỉnh Thái Nguyên đã gặp Cường để đăng ký mua đất.

Vì chưa xong thủ tục pháp lý nên Cường thảo hợp đồng vay tài sản và nhận tiền của người dân đăng ký mua đất. Tính đến thời điểm tháng 3/2015, Cường đã thu tiền 232 lô đất, được trên 260 tỷ đồng nhưng chỉ chuyển cho Cty Sông Đà 2 gần 156 tỷ đồng. Và được Cty Sông Đà 2 làm thủ tục chuyển nhượng cho Công ty ĐTM Hà Nội 125 lô đất.

Vụ việc vỡ lở khi một số hộ dân xây nhà thì phát hiện đất chưa giải phóng mặt bằng, đất đã bị chuyển nhượng cho người khác. Nghi ngờ bị lừa đảo, hàng chục khách hàng đã liên lạc với Giám đốc Lương Xuân Cường nhưng không được.

CQĐT xác định, ngày 24/3/2015 Cường đã bỏ trốn. Sau đó, cơ quan CSĐT CA tỉnh Thái Nguyên đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Lương Xuân Cường về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Khi vụ việc vỡ lở, nhiều khách hàng cho biết, niềm tin của họ không phải ở Lương Xuân Cường mà căn cứ vào hợp đồng ký kết giữa Cty Sông Đà 2 và Cty ĐTM Hà Nội (có lộ trình góp vốn và thời hạn bàn giao đất cụ thể) và biên bản bàn giao đất ngày 24/5/2013, từ đó yên tâm thực hiện giao dịch với chủ đầu tư cấp II.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin liên quan đến các chỉ số tài chính của Tổng Công ty Sông Đà và Dự án xây dựng Khu đô thị Hồ Xương Rồng...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top