Aa

Ngân hàng nào đang mở rộng mạng lưới mạnh nhất?

Thứ Tư, 27/02/2019 - 06:01

Nhiều ngân hàng vẫn muốn mở thêm các điểm giao dịch để gia tăng độ phủ thương hiệu, tiếp cận những khách hàng mới. Trong khi đó, một số khác lại tỏ ra dè dặt hơn và tìm những cách làm mới.

Vẫn thi nhau mở rộng mạng lưới

Trong số hơn 20 ngân hàng thống kê được, LienVietPostBank tạo ấn tượng mạnh khi đã tăng thêm 161 điểm giao dịch trong năm 2018 thông qua việc chuyển đổi các điểm giao dịch bưu điện thành phòng giao dịch ngân hàng, nâng tổng số điểm giao dịch của nhà băng này lên 388. Chưa kể, ngân hàng còn gần 1.400 phòng giao dịch bưu điện đang hoạt động và tới đây sẽ tiếp tục chuyển đổi.

Thế nhưng, việc chuyển đổi là trường hợp đặc biệt của Liên Việt sau khi nhận sáp nhập Tiết kiệm Bưu điện và có trong lộ trình, việc mạng lưới mở rộng nhất một cách đúng nghĩa phải nói tới HDBank. Năm qua, ngân hàng này đã mở thêm 5 chi nhánh và 40 phòng giao dịch, nâng tổng số điểm giao dịch lên 285 điểm. Số lượng điểm giao dịch tài chính tiêu dùng cũng tăng thêm 2.323, đạt 13.825 điểm giao dịch, tiếp tục dẫn đầu toàn ngành tài chính tiêu dùng về quy mô mạng lưới.

Ngân hàng nhỏ Nam A Bank là cái tên tiếp theo khi được NHNN chấp thuận mở rộng mạng lưới thêm 35 điểm giao dịch trên toàn quốc gồm 5 Chi nhánh và 30 Phòng giao dịch trong năm 2018.

Một số khác cũng tích cực mở thêm các điểm giao dịch trong năm qua như BIDV và Kienlongbank đều mở thêm 17 điểm giao dịch. Sacombank khai trương 14 điểm giao dịch mới, Vietbank và TPBank cùng mở thêm 11 điểm giao dịch. Hầu hết các ngân hàng còn lại có tăng thêm nhưng với số lượng khá ít dưới 10 chi nhánh/ phòng giao dịch.

(*) bao gồm hơn 1.400 phòng giao dịch bưu điện của LienVietPostBank

(*) bao gồm hơn 1.400 phòng giao dịch bưu điện của LienVietPostBank

Trật tự về quy mô mạng lưới của các ngân hàng nhìn chung không có nhiều thay đổi tại thời điểm cuối năm 2018 so với cuối 2017. Thay đổi lớn nhất chủ yếu là ở LienVietPostBank khi nhảy vọt lên vị trí thứ 6, vượt qua hàng loạt những cái tên như SCB, MSB, HDBank, MBBank, SHB, Techcombank, ACB. Trong khi đó, nhóm ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục dẫn đầu về số lượng điểm giao dịch. Tuy nhiên, cùng là các "ông lớn", quy mô điểm giao dịch của Vietcombank hiện nay còn nhỏ hơn hơn rất nhiều so với Agribank (chỉ bằng 1/4), BIDV và VietinBank (chỉ bằng một nửa).

Nhiều điểm giao dịch chưa chắc đã hiệu quả

Mạng lưới giao dịch lớn sẽ giúp các ngân hàng tiếp cận được nhiều bộ phận khách hàng, ở những vùng miền khác nhau. Ở các địa phương không phải thành phố, sự hiện diện của các ngân hàng rất ít ỏi, nhiều người dân thậm chí còn chưa tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng bao giờ. Đó là lý do mà nhiều ngân hàng vẫn muốn mở rộng số lượng điểm giao dịch để gia tăng độ phủ, thu hút nhiều khách hàng mới.

Dù vậy, trên thực tế, không phải mạng lưới lớn thì sẽ có lợi nhuận cao, nhiều ngân hàng có rất ít điểm giao dịch nhưng lợi nhuận đáng nể. Chẳng hạn, TPBank chỉ có khoảng 75 điểm giao dịch nhưng lợi nhuận đạt hơn 2.200 tỷ, cao hơn những ngân hàng có mạng lưới lớn như Sacombank, SHB,...Hay ngân hàng có lợi nhuận cao nhất năm qua là Vietcombank chỉ có hơn 500 điểm giao dịch, không bằng một nửa VietinBank, BIDV và không bằng 1/4 của Agribank.

Mở thêm một điểm giao dịch không phải là điều dễ dàng trong bối cảnh hiện nay, phải cân nhắc chi phí và khả năng hoạt động hiệu quả của chi nhánh/ phòng giao dịch đó, bên cạnh những điều kiện ngặt nghèo từ phía Ngân hàng Nhà nước.

Ví dụ ở HDBank, VDSC cho rằng hầu hết các chi nhánh/ văn phòng giao dịch được thành lập vào nửa cuối năm do đó tăng trưởng chi phí hoạt động năm rồi có thể chưa được phản ánh hết vào chi phí vận hành. Từ năm 2019, cùng với kế hoạch mở thêm 25 chi nhánh mới, VDSC cho rằng sẽ làm tăng áp lực lên chi phí vận hành của nhà băng. Tất nhiên, đổi lại những khoản đầu tư này sẽ đem về thu nhập dịch vụ và hệ số CASA cũng kỳ vọng được cải thiện.

Hay như LienVietPostBank, việc lợi nhuận sụt giảm trong năm 2018, theo giải thích của ngân hàng là một phần đến từ việc muốn tập trung phát triển mạng lưới và hiện đại hoá. Số phòng giao dịch bưu điện và chi nhánh, phòng giao dịch được nâng cấp trong năm qua bằng một nửa số chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng đã mở suốt 9 năm trước đó.

Dè dặt mở rộng mạng lưới và tìm những hướng đi khác

Một số chi nhánh/ phòng giao dịch ở các ngân hàng cũng bị chấm dứt hoạt động trong thời gian gần đây. Chẳng hạn trong năm 2018, NHNN đã chấp thuận cho SCB chấm dứt hoạt động ở 2 chi nhánh khu vực phía Nam để phục vụ công tác cơ cấu lại mạng lưới ngân hàng. Ngân hàng này đang có khoảng gần 240 chi nhánh/ phòng giao dịch trên toàn quốc.

Techcombank mới đây cũng có thông báo về việc chấm dứt hoạt động phòng giao dịch Nam An Khánh.

Trong khi đó, VietinBank cũng cân nhắc về hiệu quả hoạt động của các chi nhánh của nhà băng này. Số điểm giao dịch của VietinBank hiện nay đạt trên 1.100, trong đó có 157 chi nhánh, không thay đổi trong 1 năm qua và đang là ngân hàng có mạng lưới giao dịch lớn thứ hai trong hệ thống. Lãnh đạo ngân hàng từng chia sẻ, việc quy hoạch lại mạng lưới của VietinBank nằm trong phương án cơ cấu lại giai đoạn 2016-2020, ngân hàng đang rà soát, đánh giá và xem xét cắt giảm những điểm giao dịch không hiệu quả, hiệu quả kém hoặc sẽ sáp nhập một số điểm giao dịch với nhau để đạt được hiệu quả hoạt động cao hơn.

Có thể thấy, so với những năm trước đây, đại bộ phận các ngân hàng đang khá dè dặt với việc mở rộng mạng lưới, đặc biệt ở vùng nông thôn. Lý do nằm ở vấn đề chi phí, để mở một phòng giao dịch ở vùng nông thôn là không dễ dàng, không chỉ tốn kém mà doanh số giao dịch khá thấp, không thể bằng các điểm giao dịch ở thành thị. Do đó, nhiều ngân hàng đã tìm đến những cách làm mới để tối ưu hiệu quả.

Điển hình, năm 2018, Agribank triển khai hàng loạt điểm giao dịch lưu động bằng ô tô ở các tỉnh thành, phục vụ khách hàng ở vùng sâu vùng xa. Với 68 điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng, doanh số giao dịch đạt tới 3.500 tỷ đồng. Bằng cách này, Agribank có thể tiếp cận được lượng khách hàng rất lớn ở nhiều khu vực nông thôn nơi điều kiện đi lại không thuận lợi, việc xây dựng một phòng giao dịch ngân hàng là rất khó khăn và tốn kém chi phí. Theo Agribank, bằng cách này ngân hàng có thể góp phần đẩy lùi tín dụng đen, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt cho người dân. Agribank cũng đang là ngân hàng có mạng lưới giao dịch lớn nhất hiện nay với hơn 2.200 chi nhánh và phòng giao dịch trên toàn quốc.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top