Aa

TP Cần Thơ tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai

Hữu Lễ
Hữu Lễ huule.baodnhn@gmail.com
Thứ Năm, 08/09/2022 - 10:39

Thực hiện chỉ đạo Bộ Tài nguyên - Môi trường, UBND TP Cần Thơ yêu cầu Sở Tài nguyên - Môi trường, UBND quận, huyện tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai.

Ngày 6/9, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển, có công văn 3511/ UBND -KT gửi đến Sở Tài nguyên - Môi trường và các UBND quận, huyện về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai.

Tại công văn này, UBND TP Cần Thơ cho biết, chỉ đạo được thực hiện theo công văn 4898/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 23/8/2022 của Bộ Tài nguyên - Môi trường về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai. Chủ tịch UBND TP Cần Thơ giao Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường chủ trì, phối hợp với Chủ tịch UBND quận huyện và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan, căn cứ chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ được giao khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên - Môi trường tại công văn trên. Đồng thời, tham mưu, dự thảo văn bản trình UBND TP Cần Thơ báo cáo Bộ Tài nguyên - Môi trường theo đúng quy định.

Nhận được công văn này, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, Chủ tịch UBND quận huyện tổ chức thực hiện.

Bộ TN-MT Sở TN-MT các địa phương cải cách thủ tục hành chính và công tác đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất

Trước đó, ngày 23/8/2022, Bộ Tài nguyên - Môi trường ban hành công văn công văn 4898/BTNMT-TCQLĐĐ về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai. Tại công văn này, Bộ Tài nguyên - Môi trường yêu cầu các địa phương chấn chỉnh, tổ chức sắp xếp, bố trí hợp lý công tác tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, không để tình trạng quá tải, kéo dài thời gian tiếp nhận giải quyết hồ sơ làm phát sinh các tiêu cực nhũng nhiễu, gây bức xúc trong nhân dân. Rà soát, sửa đổi, bãi bỏ các quy định về thủ tục hành chính được ban hành tại địa phương không hợp lý, kéo dài thời gian thực hiện, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch về đất đai.

Song song đó là chấn chỉnh công tác đăng ký, cấp giấy chứng nhận; rà soát, thống kê đầy đủ các trường hợp còn tồn đọng chưa đăng ký đất đai, chưa cấp Giấy chứng nhận, làm rõ nguyên nhân và có kế hoạch, biện pháp cụ thể để giải quyết dứt điểm các trường hợp còn tồn đọng. Cần quan tâm đến công tác đăng ký đất đai, đặc biệt là công tác đăng ký đất đai đối với người sử dụng đất chưa đăng ký đất đai và đối với đất được giao để quản lý; làm rõ trách nhiệm và xử lý vi phạm đối với cán bộ, người có trách nhiệm đối với các hồ sơ đã tiếp nhận nhưng chậm giải quyết.

Về thực hiện điều tra, đánh giá đất đai, Bộ chỉ đạo khẩn trương thực hiện các hoạt động điều tra, đánh giá đất đai lần đầu, công bố kết quả điều tra, đánh giá đất đai của địa phương; gửi kết quả về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp theo quy định tại Điều 33, Luật Đất đai và các quy định tại Thông tư số 35/2021/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2014 quy định việc điều tra, đánh giá đất đai.

Đối với các địa phương đã thực hiện, hoàn thành và công bố kết quả điều tra, đánh giá đất đai cần tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện và công bố kết quả điều tra, đánh giá đất đai lần tiếp theo đảm bảo các quy định pháp luật có liên quan và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Về thanh tra, kiểm tra đối với công tác quản lý, sử dụng đất, Bộ Tài nguyên - Môi trường yêu cầu, tích cực chỉ đạo, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng và xử lý nghiêm các trường hợp san ủi đồi núi, san lấp hồ ao, bờ sông, bờ suối,... để phân lô, bán nền; xây dựng trên đất nông nghiệp trái quy định của pháp luật.

Tập trung thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng, các dự án chậm làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người mua nhà ở; các vi phạm đối với việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở các cấp, việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, các công trình dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận việc chuyển mục đích; các vi phạm trong việc tách thửa, phân lô, bán nền làm phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, công tác xác định giá đất, công tác thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất tại địa phương.

Tổ chức thanh tra toàn diện đối với diện tích đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường bàn giao về địa phương quản lý còn khó khăn, vướng mắc trong việc giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để làm căn cứ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài nguyên - Môi trường còn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tại địa phương tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật và kịp thời báo cáo về các khó khăn, vướng mắc để được xem xét hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top