Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM mới đây đã gửi UBND thành phố báo cáo điều tra về nhu cầu nhà ở đến năm 2030.
Báo cáo này phân tích chi tiết nhu cầu và khả năng tài chính của người dân đối với ba loại hình bất động sản chính là đất nền, nhà riêng và căn hộ chung cư.
Theo đó, đối với chung cư, người dân chủ yếu tìm kiếm các căn hộ 2 phòng ngủ, diện tích khoảng 65m2 với giá dao động từ 2,3-8 tỷ đồng/căn. Về tài chính, các hộ gia đình trung bình có thể chi trả khoảng 53% giá trị căn hộ dự kiến mua.
Đối với nhà ở riêng lẻ, phần lớn các hộ gia đình dự định mua 1-3 căn, diện tích trung bình 66m2, cao từ 1-2 tầng với mức giá phổ biến 2,76 tỷ đồng, cao nhất lên đến 15 tỷ đồng/căn. Tuy nhiên, những căn nhà ở mức giá này hiện chỉ còn xuất hiện tại các huyện vùng ven TP. HCM. Khả năng chi trả của người mua nhà riêng lẻ được ước tính vào khoảng 49% giá trị tài sản.
Với loại hình đất nền, trung bình các hộ gia đình dự tính sở hữu 1 thửa đất, trong đó hơn 80% muốn mua tại khu vực nội thành với mức giá trung bình khoảng 1,74 tỷ đồng, cao nhất 10 tỷ đồng/thửa. Khả năng chi trả của các hộ gia đình đối với loại hình này đạt 68% giá trị tài sản.
Nguồn tài chính của các hộ gia đình khi có kế hoạch mua nhà chủ yếu đến từ tiết kiệm, vay ngân hàng (tối đa 50% giá trị tài sản) hoặc vay từ người thân.
Báo cáo cũng cho thấy, 99% người dân thành phố mong muốn sở hữu chung cư hoặc nhà riêng ngay tại địa bàn. Đối với đất nền, tỷ lệ này là 80%, trong khi 20% sẵn sàng mua đất nền ở các tỉnh lân cận.
Để đáp ứng nhu cầu nhà ở ngày càng tăng, Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM ước tính thành phố cần bổ sung hơn nửa triệu căn nhà ở (không tính đất nền) đến năm 2030.
Cụ thể, nhà ở riêng lẻ cần thêm 456.770 căn, tương đương gần 40 triệu m2 sàn, trong khi chung cư cần tăng thêm 59.016 căn, tương đương 3,7 triệu m2 sàn.
Ngoài ra, theo báo cáo của chuyên trang Batdongsan, tại thời điểm 2024, người trẻ từ 30 tuổi trở xuống tại TP. HCM và Hà Nội cần trung bình 25,8 năm thu nhập để mua một căn chung cư trị giá 3 tỷ đồng, với giả định lãi suất huy động khoảng 4,5% và giá nhà không tăng.
Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân của một lao động Việt Nam hiện là 7,6 triệu đồng/tháng, tăng khoảng 7% mỗi năm.
Với mức thu nhập này, một hộ gia đình cần dành toàn bộ thu nhập trong 21-23 năm để sở hữu một căn hộ 55-60m2, với điều kiện giá nhà không tiếp tục tăng. Nếu chỉ tiết kiệm được 50% thu nhập sau khi trừ chi phí sinh hoạt, thời gian để sở hữu nhà sẽ tăng gấp đôi.
Theo ông Đoàn Quốc Duyệt - Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Tín Thành cho rằng, giá nhà tại các đô thị lớn hiện nay quá cao so với thu nhập của người lao động. Tình trạng này là do sự gia tăng dân nhập cư và đầu tư công chỉ tập trung vào một số khu vực, đẩy giá bất động sản tăng liên tục.
Trong khi đó, nhu cầu nhà ở trung cấp và bình dân rất lớn, nhưng nguồn cung lại khan hiếm, còn phân khúc cao cấp vẫn chiếm lĩnh thị trường. Thậm chí, trong năm 2024, một số dự án có giá trên 100 triệu đồng/m2.
Với mức giá 50-70 triệu đồng/m2 cho một căn hộ trung cấp, người lao động bình thường phải làm việc hơn 20 năm mới có thể tích lũy đủ tiền. Phần lớn người mua nhà phải vay ngân hàng từ 50% đến 70% giá trị căn nhà, chịu áp lực lớn về lãi suất và trả nợ. Do đó, nhiều người không dám mua nhà vì lo ngại gánh nặng nợ nần, thay vào đó chọn giải pháp thuê nhà và tích lũy dần.