Mới đây, Hà Nội đã công bố bảng giá đất điều chỉnh, chính thức có hiệu lực từ ngày 20/12 đến hết năm 2025. Theo đó, so với bảng giá đất cũ, bảng giá đất điều chỉnh lần này cao gấp 2-6 lần.
Nhận định về bảng giá đất điều chỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội cho biết giá đất tại Hà Nội theo bảng giá điều chỉnh sẽ tăng bình quân từ 190-270%.
Trước thực trạng này, không ít người lo ngại rằng việc điều chỉnh bảng giá đất cao hơn trước sẽ khiến khiến tiền thuế, phí về đất đai tăng cao.
Mặc dù vậy, tại tờ trình về việc điều chỉnh bảng giá đất, Sở TN&MT Hà Nội khẳng định, bảng giá đất tăng dần tiệm cận với giá thị trường là yêu cầu phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, bảng giá mới cũng đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, giúp làm giảm bớt chênh lệch, đưa giá đất tại Thủ đô dần tiếp cận với thị trường.
Điều này giúp thiết lập chính sách đồng bộ trong việc quản lý đất đai cũng như hài hòa với lợi ích của Nhà nước, người sử dụng và người có nhu cầu sử dụng đất thực hiện theo dự án, nhờ đó, thu ngân sách cũng sẽ tăng qua việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất của người dân và doanh nghiệp.
Cơ quan này đưa ra nhận định rằng "Trường hợp thuế, phí về đất đai cao không phù hợp với thu nhập của người dân thì cần nghiên cứu giảm tỷ suất tính thuế, phí, chứ không giảm giá đất".
Sở TN&MT cũng cho rằng, bảng giá điều chỉnh cơ bản không ảnh hưởng đến việc bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất do giá đất làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng là giá đất cụ thể.
Theo đó, giá đất này được xác định bằng phương pháp định giá đất theo quy định và được quy ra hệ số điều chỉnh giá đất để so sánh với giá đất ở cùng vị trí trong bảng giá đất của UBND TP.
Sở này cũng nhận định rằng việc điều chỉnh bảng giá đất sẽ góp phần tích cực trong việc giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư cũng như phát triển Thủ đô.
Bảng giá đất cũng được xem là cơ sở tính giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao và cho thuê đất.