Cụ thể, quý III/2016, chỉ số giá nhà ở tại TP. Hồ Chí Minh tăng 0,6 điểm theo quý và 4,5 điểm theo năm đạt 93,5. Lượng giao dịch đạt xấp xỉ 7,500 căn, tăng 7% theo quý và 43% theo năm. Tỷ lệ hấp thụ ở mức 19%, tăng 2 điểm phần trăm theo quý và năm do tình hình hoạt động tốt của Hạng A và C.
Lượng giao dịch Hạng C đạt hơn 3.700 căn, chiếm 50% tổng lượng giao dịch của quý. Tình hình hoạt động Hạng A tương đối tốt đạt 780 giao dịch, tăng 140% theo quý.
Theo Savills, nhờ có giá cả phù hợp với hầu hết người mua, phân khúc hạng C thu hút được lượng lớn khách hàng có nhu cầu ở thật. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư cung cấp giá bán hợp lý nhờ vào mục tiêu phát triển ở các khu vực có quỹ đất rộng, giá đất rẻ và cơ sở hạ tầng đang dần hoàn thiện. Tại TP. Hồ Chí Minh, những khu vực xung quanh đại lộ Võ Văn Kiệt ở khu Tây và đại lộ Phạm Văn Đồng ở khu Đông đang là những khu vực nóng cho sự phát triển phân khúc hạng C.
Việc trở thành khu vực “nóng” kéo theo việc BĐS ở những nơi này có xu hướng tăng giá trong thời gian gần đây. Đơn cử như Dự án Centana của chủ đầu tư Điền Phúc Thành, tọa lạc trên đường Mai Chí Thọ (quận 2). Giá bán của dự án này hiện đang dao động ở mức 28 - 33 triệu đồng/m2 (tăng 2 – 7 triệu đồng/m2 so với giá sơ cấp hồi tháng 5/2016).
Hay như Dự án Palm City nằm trên đường Song Hành, Nam Rạch Chiếc, phường An Phú (quận 2), mức giá mới nhất là 35 - 38 triệu đồng/m2 (tăng 5 – 6 triệu đồng/m2 so với giá hồi tháng 8/2016).
Đáng chú ý, BĐS phân khúc hạng C cũng ghi nhận sự tăng giá tại các huyện vùng ven. Điển hình như Dự án Hưng Phát Silver Star tại huyện Nhà Bè, tăng từ 23 – 29 triệu đồng hồi giữa năm 2016 lên 25 - 30 triệu đồng/m2 thời điểm hiện tại.
Không chỉ các quận, huyện ven TP. Hồ Chí Minh, BĐS tại các tỉnh vùng ven, khu vực đang có hạ tầng kết nối ngày càng hoàn thiện và thuận lợi với TP. Hồ Chí Minh cũng đang thu hút nhiều khách hàng.
Đơn cử, tại TP. Biên Hòa (Đồng Nai), nhờ chủ trường kết nối tuyến Metro số 1 giữa TP. Hồ Chí Minh với TP. Biên Hòa, BĐS tại khu vực này đang ngày càng thu hút được lượng lớn người dân có nhu cầu ở thực. Minh chứng là mới đây, khi một doanh nghiệp mở bán Dự án Bien Hoa Riverside, chỉ trong một giờ đồng hồ, toàn bộ 268 nền đất tại dự án này đã “có chủ”.
Một thị trường khác cũng không kém phần hấp dẫn đối với những ai đang ấp ủ giấc mơ an cư là Bình Dương. Trong khi nhà đất ở Thành phố mới Bình Dương và những khu vực các xa TP. Hồ Chí Minh hầu như bị “đóng băng”, thì tại huyện Dĩ An và Thuận An, 2 huyện giáp ranh với TP. Hồ Chí Minh, giao dịch rất sôi động và giá nhà đất đã tăng cao gần như xấp xỉ với TP. Hồ Chí Minh.
Theo nhận định của giới chuyên gia trong ngành BĐS, khi việc mua nhà ngày càng trở nên khó khăn do lượng người nhập cư đổ về TP ngày một đông, thay vì chấp nhận ở trong những ngôi nhà chật hẹp giữa lòng thành phố, người dân sẽ chuyển sang xu hướng mua nhà ngoại ô để được sở hữu không gian nhà ở rộng rãi, thoáng mát.
Một lý do nữa khiến BĐS hạng C tại khu vực ven TP. Hồ Chí Minh sôi động trong thời gian gần đây được cho là nhờ quy luật giãn dân tất yếu khi khu vực trung tâm TP đang ngày càng trở nên quá tải. Đối với những người trẻ mới ra trường hay các cặp vợ chồng trẻ có nhu cầu “an cư lạc nghiệp” nhưng chưa có nhiều tích lũy về tài chính thì BĐS tại các huyện, tỉnh vùng ven TP. Hồ Chí Minh như Nhà Bè, Biên Hòa, Bình Dương… luôn có một sức hấp dẫn đặc biệt.