TP. Huế: Hài hoà bản sắc và vị thế phát triển mới

TP. Huế: Hài hoà bản sắc và vị thế phát triển mới

Thứ Tư, 01/01/2025 - 09:13

Nghị quyết thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương đã được Quốc hội thông qua ngày 30/11/2024. Từ ngày hôm nay, 1/1/2025, TP. Huế chính thức trở thành thành phố thứ 6 trực thuộc Trung ương. Hòa trong niềm vui này là trách nhiệm của lãnh đạo thành phố nhằm xây dựng và phát triển TP. Huế lên tầm cao mới.

Nhân dịp này, Chủ tịch UBND TP. Huế Nguyễn Văn Phương đã dành riêng cho Reatimes cuộc trao đổi xung quanh việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa hài hòa với phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

**********

PV: Trước hết xin chúc mừng TP. Huế chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Sau một hành trình nỗ lực để về đến đích đối với mục tiêu này, xin ông chia sẻ một chút cảm nhận?

Ông Nguyễn Văn Phương: Trước đây thành phố đã đề xuất thành lập thành phố trực thuộc Trung ương, nhưng do chưa hội đủ các điều kiện cần thiết nên chưa được các cấp có thẩm quyền thông qua. Do đó, cần vận hành, triển khai thực hiện các thủ tục đảm bảo hoàn thành mục tiêu tất nhiên là có rất nhiều áp lực, trong đó áp lực xem như lớn nhất là việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng cho vấn đề phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trong khi các yêu cầu đặt ra cần nhiều thời gian, thủ tục và các vấn đề mới gần như chưa có tiền lệ. Tuy nhiên, với sự quan tâm hỗ trợ rất lớn từ Trung ương, sự nỗ lực quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, tỉnh đã xây dựng mô hình, bộ tiêu chí, tiêu chuẩn phù hợp và đã được đưa vào đề án. Đến nay, việc thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương đã về đến đích.

Với vị trí, vai trò là Chủ tịch UBND tỉnh, tôi luôn ý thức trách nhiệm to lớn trước Đảng bộ và Nhân dân toàn tỉnh. Đây cũng là cơ hội và thách thức rất lớn đối với bản thân tôi. Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục tham mưu Thành ủy, Ban Thường vụ, HĐND thành phố, UBND thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị với mục tiêu quan trọng, xuyên suốt đó là xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đáp ứng niềm tin, mong muốn, kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền, quân và Nhân dân tỉnh nhà.

Trước những vận hội mới, bản thân tôi sẽ luôn cố gắng để nắm bắt khó khăn như một cơ hội và từng bước khắc phục, nhằm đưa Huế trở thành một thành phố không chỉ đẹp về kiến trúc mà còn giàu về giá trị văn hóa, thể hiện được sự đoàn kết, sức mạnh của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân như một sự kế thừa của truyền thống lịch sử và hướng đến tương lai bền vững.

TP. Huế: Hài hoà bản sắc và vị thế phát triển mới- Ảnh 1.

TP. Huế - Thành phố xanh quốc gia.

PV: Xin ông cho biết , đâu là những khó khăn, thách thức khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương?

Ông Nguyễn Văn Phương: Để Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương có nhiều vấn đề cần phải giải quyết, nhưng một trong những thách thức lớn nhất chính là đảm bảo hài hòa giữa việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với xu hướng phát triển kinh tế trong bối cảnh phát triển đô thị. Huế là một thành phố với 8 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của thế giới, cùng gần 1.000 di tích lịch sử; là "Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam", "Thành phố văn hóa ASEAN", "Thành phố bền vững môi trường ASEAN", "Thành phố Xanh quốc gia"... Vì vậy, để xứng đáng với những danh hiệu trên, đồng thời khẳng định thương hiệu "Một điểm đến - 8 di sản", là thách thức không hề nhỏ nhưng luôn được quan tâm, chú trọng để giải quyết thấu đáo, bền vững.

TP. Huế: Hài hoà bản sắc và vị thế phát triển mới- Ảnh 2.
TP. Huế: Hài hoà bản sắc và vị thế phát triển mới- Ảnh 3.

Hạ tầng giao thông TP. Huế ngày càng được đầu tư đồng bộ, hiện đại.

TP. Huế định hướng phát triển trên cơ sở những nét đặc thù về lịch sử, văn hóa, cảnh quan kiến trúc của mô hình thành phố trực thuộc Trung ương; phát triển theo hướng hài hòa, bền vững, giảm áp lực dân cư tập trung vào đô thị, hạn chế can thiệp, ảnh hưởng đến các di tích và cảnh quan kiến trúc truyền thống... Quá trình phát triển của TP. Huế luôn phải cân nhắc giữa bảo tồn di sản và phát triển đô thị.

Một câu chuyện cụ thể là trong các cuộc họp với các chuyên gia, nhà nghiên cứu và cơ quan liên quan, có rất nhiều ý kiến khác nhau về cách thức phát triển mà không làm tổn hại đến giá trị văn hóa của thành phố, có những đề xuất đầu tư dự án lớn, nhưng nhiều lo ngại sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến các di tích và cảnh quan môi trường. Vì vậy, Huế sẽ đẩy mạnh công tác kêu gọi đầu tư để phát triển kinh tế, song luôn kiên định mục tiêu phát triển gắn với việc giữ gìn cảnh quan môi trường và bảo tồn các giá trị di sản, văn hóa, mặc dù điều này có ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cuối cùng, là việc tuyên truyền, giáo dục ý thức cho người dân về tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản, văn hóa cũng là một thách thức.

TP. Huế: Hài hoà bản sắc và vị thế phát triển mới- Ảnh 4.

Đại Nội Huế - Dấu ấn di sản trong lòng TP. Huế.

PV: Như ông vừa nói, thách thức lớn nhất của Huế là làm sao đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Vậy, thành phố có định hướng hóa giải thách thức này như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Phương: Thực ra vấn đề này không phải bây giờ mới xuất hiện mà đã đặt ra trong suốt quá trình phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế. Vì vậy, câu chuyện của Huế không chỉ là việc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, mà còn là hành trình tìm kiếm một mô hình phát triển bền vững, nơi di sản văn hóa được bảo vệ và phát huy trong sự phát triển hiện đại. Và, vấn đề then chốt là phải biến thách thức thành động lực phát triển.

Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã đặt mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng "Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường". Vì vậy, để thực hiện mục tiêu phát triển Huế theo hướng trở thành đô thị hiện đại, văn minh, thân thiện, cởi mở chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tỉnh sẽ ưu tiên mọi nguồn lực đầu tư cho mục tiêu bảo tồn và phát huy có hiệu quả các giá trị di sản cố đô, bản sắc văn hóa Huế - con người Huế một cách bền vững, theo hướng "bảo tồn đi liền với phát triển"; phát huy bản sắc văn hóa Huế, con người Huế; tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, an toàn và thân thiện để thu hút nguồn lực đầu tư phát triển bền vững; khai thác các giá trị văn hóa, di sản để phát triển du lịch dịch vụ. Ưu tiên nguồn lực địa phương và huy động nguồn lực xã hội hóa thực hiện công tác bảo tồn di sản, công nghiệp văn hóa, tổ chức các hoạt động lễ hội, sự kiện văn hóa nghệ thuật có quy mô tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa.

PV: Quy hoạch được coi là công cụ nền tảng để định hướng phát triển đô thị. Vậy Huế đã và sẽ sử dụng công cụ này như thế nào để vừa phát triển, vừa bảo tồn và phát huy được giá trị của di sản trong dòng chảy hiện đại?

Ông Nguyễn Văn Phương: Trong quá trình phát triển, TP. Huế luôn chú trọng đến công tác quy hoạch phát triển đô thị. Theo đó, quá trình xây dựng định hướng phát triển các quy hoạch có liên quan đã định hình và xác định rõ các không gian phát triển, phân định rõ khu vực dồn nén đô thị, không gian bảo vệ cảnh quan, không gian bảo vệ di sản và các khu vực tập trung phát triển các khu chức năng (khu du lịch, khu công nghiệp, khu vực phát triển nông nghiệp…). Với các bài toán quy hoạch cụ thể, Hu ế đã xây dựng được các khu vực không gian đô thị mà không làm ảnh hưởng đến các khu vực có di tích, việc này nhằm đảm bảo sự phát triển đồng bộ giữa bảo tồn di sản và xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại.

Trên cơ sở định hình về phương án quy hoạch và kịch bản phát triển, thành phố đã huy động tối đa các nguồn vốn để đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng đô thị theo hướng hiện đại. Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, có tác động lan tỏa, kết nối, tạo không gian, động lực phát triển mới như: Tuyến đường bộ ven biển, đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt qua sông Hương, đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, đường vành đai 3... Đồng thời tập trung hoàn thành Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng Khu vực I - Kinh thành Huế, các dự án chỉnh trang đô thị… Tăng cường huy động các nguồn lực phát triển kinh tế xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, du lịch - công nghiệp - nông nghiệp phù hợp với các lợi thế của địa phương; trong đó xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng. Nâng cao hiệu quả liên kết phát triển vùng; mở rộng hợp tác và quan hệ đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; củng cố vị thế là trung tâm văn hóa lớn và đặc sắc của cả nước.

"Các chương trình giáo dục cộng đồng về bảo tồn văn hóa đã được triển khai và tiếp tục tăng cường hơn nữa nhằm nâng cao ý thức của người dân về tầm quan trọng của di sản và cách thức bảo tồn", Chủ tịch TP. Huế Nguyễn Văn Phương.

Đối với công tác bảo tồn di sản: Tập trung đầu tư một số công trình dự án trùng tu, bảo tồn di tích Cố đô Huế, di tích xuống cấp nghiêm trọng; tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống; tăng cường hợp tác với tổ chức quốc tế và chuyên gia để áp dụng các phương pháp bảo tồn tiên tiến. Chú trọng vào phát triển ngành công nghiệp văn hóa nhằm thu hút khách du lịch mà không làm tổn hại đến các di sản.

Nhờ vào các giải pháp này, Huế sẽ không chỉ bảo tồn được giá trị văn hóa mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế, tạo ra một mô hình phát triển hài hòa giữa hiện đại và truyền thống. Đây cũng chính là giải pháp giúp tỉnh Thừa Thiên Huế tháo gỡ được khó khăn, áp lực để đạt tiêu chí thành phố trực thuộc trung ương.

PV: Là thành phố trực thuộc Trung ương, công tác thu hút đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư rất quan trọng. Vậy định hướng thu hút đầu tư của địa phương trong thời gian tới sẽ như thế nào, sẽ chú trọng vào những lĩnh vực gì, thưa ông ?

Ông Nguyễn Văn Phương: Thời gian tới, định hướng thu hút đầu tư của thành phố sẽ tập trung vào những vấn đề sau:

Ngành Dịch vụ: Phát triển các loại hình du lịch với sản phẩm đa dạng, đặc trưng, khác biệt, đẳng cấp như: Văn hóa - di sản; sinh thái, nghỉ dưỡng, biển - đầm phá, chú trọng phát triển du lịch chuyên đề với thương hiệu di sản Cố đô Huế. Phát triển du lịch thông minh dựa trên nền tảng chuyển đổi số, du lịch xanh, bền vững. Tập trung phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế và có hàm lượng tri thức, công nghệ cao gắn với công nghệ số, kinh tế số, dịch vụ đô thị thông minh.

Ngành Công nghiệp: Phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp điện tử, bán dẫn, thiết bị điện tử - viễn thông, công nghiệp vật liệu mới. Ưu tiên phát triển một số ngành như sản xuất hàng tiêu dùng xuất khẩu; khuyến khích phát triển các sản phẩm đồ uống, công nghiệp luyện kim gắn với cảng biển; sản xuất điện từ nguồn năng lượng xanh như hướng đến phát triển đô thị xanh, không gian khu công nghiệp xanh và bền vững.

Ngành Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản: Ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo, các loại rau hoa, cây ăn quả đặc sản của địa phương phục vụ xuất khẩu và du lịch.

Phát triển kinh tế biển và đầm phá: Xây dựng kinh tế biển là một trong những trung tâm mạnh của cả nước với hệ thống Cảng biển nước sâu Chân Mây đồng bộ, hiện đại gắn với phát triển kinh tế chuỗi khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị biển - đầm phá.

Phát triển kinh tế di sản gắn với du lịch và công nghiệp văn hóa: Phát triển kinh tế di sản gắn với du lịch và công nghiệp văn hóa. Xây dựng nền tảng kinh tế của thành phố dựa trên 3 trụ cột là kinh tế du lịch, kinh tế di sản, kinh tế tuần hoàn; phát huy giá trị di sản bằng du lịch văn hóa, cảnh quan, đô thị và sinh thái. Quy hoạch không gian để mỗi di sản trở thành hạt nhân tạo động lực phát triển.

Đầu tư phát triển các khu đô thị, khu dân cư nông thôn: Xây dựng và thực hiện các tiêu chí đảm bảo quy định, phù hợp với định hướng giữ gìn và phát huy các không gian đô thị di sản, chú trọng phát triển xanh, bền vững, thông minh và có nét đặc trưng riêng.

PV: Vậy TP. Huế đã có những giải pháp nào để cải thiện môi trường đầu tư trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Văn Phương: Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XVI về công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, UBND thành phố chỉ đạo thực hiện bằng các quyết định, kế hoạch, chỉ thị về tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp và tăng cường đẩy mạnh cải cách hành chính, đẩy nhanh tiến trình xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số.

Trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư, tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), hệ thống hóa bộ TTHC, rút ngắn quy trình, thời gian giải quyết hồ sơ TTHC, thường xuyên tham mưu để kịp thời ban hành các quyết định công bố TTHC chuẩn hóa thuộc chức năng quản lý.

Để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp thành phố (trực thuộc Trung ương), hằng năm, thành phố chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan tiến hành rà soát, báo cáo những đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp thông qua bộ chỉ số PCI, đồng thời tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch cải thiện, nâng hạng bộ chỉ số một cách phù hợp; ban hành Kế hoạch đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) để xác định các hạn chế đang không được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao rơi vào đơn vị nào (sở, ban, ngành hay địa phương nào), thủ tục nào, hoạt động nào để từ đó thực hiện các biện pháp điều chỉnh tốt hơn; và đưa kết quả DDCI vào để đánh giá, xếp loại công tác CCHC của các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã…

Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai thực hiện quyết liệt các chính sách của Trung ương, chủ động tham mưu UBND thành phố trình HĐND thành phố ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiến đến tháo gỡ các rào cản, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố. Trong đó phải kể đến là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng chữ ký số công cộng; hỗ trợ chi phí hóa đơn điện tử; chính sách hỗ trợ mặt bằng, chi phí thuê kế toán, thuê mua các giải pháp công nghệ, đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ doanh nhân, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử,... góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Thành phố đã xây dựng và vận hành phần mềm quản lý dự án ngoài ngân sách; đã kiện toàn và tiếp tục duy trì hoạt động hiệu quả hơn 4 Tổ công tác giám sát, quản lý các dự án đầu tư do Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND thành phố làm tổ trưởng để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án ngoài ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách, sớm đưa vào hoạt động đối với các dự án đã được chấp thuận, lựa chọn nhà đầu tư; sớm hoàn thành thủ tục kêu gọi đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư…

Đồng thời đã chỉ đạo các sở, ban ngành thường xuyên tăng cường thực hiện các công tác đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp thông qua nhiều hình thức nhằm kịp thời tháo gỡ và giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; xây dựng Hệ thống giải pháp quản lý rủi ro về theo dõi và giám sát hoạt động của doanh nghiệp tại địa phương nhằm xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật. Các hoạt động phổ biến, tuyên truyền các chính sách pháp luật cũng được triển khai liên tục đến quý doanh nghiệp.

TP. Huế: Hài hoà bản sắc và vị thế phát triển mới- Ảnh 5.

TP. Huế đang tích cực cải thiện môi trường đầu tư.

PV: Với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, lãnh đạo địa phương có những cam kết gì để họ yên tâm sản xuất, kinh doanh và đầu tư vào TP. Huế, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Phương: Thành phố chỉ đạo tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Chúng tôi cam kết tiếp tục cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, đẩy mạnh xây dựng chính quyền thân thiện, công khai minh bạch thông tin, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, cắt giảm các chi phí không chính thức, chi phí gia nhập thị trường, chi phí thời gian,…; Đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất; hoàn thiện, nâng cao năng lực các tổ chức dịch vụ công trong lĩnh vực đất đai.

Tổ chức công bố công khai các quy hoạch đã được duyệt; thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới quy hoạch chung, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và các quy hoạch khác theo quy định của pháp luật về quy hoạch theo hướng đồng bộ. Thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, đảm bảo tính sẵn sàng trong kêu gọi đầu tư. Chuẩn bị nguồn cung lao động có tay nghề đáp ứng nhu cầu lao động cho các nhà đầu tư...

Thành phố cũng sẽ nghiêm túc lắng nghe các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài với tinh thần cầu thị, chia sẻ, thấu hiểu và đồng hành; trên cơ sở đó, kịp thời có biện pháp xử lý hiệu quả, nhất là những khó khăn, vướng mắc thực tế.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top