Aa

TP.HCM: Bất động sản đứng thứ 2 trong thu hút FDI

Chủ Nhật, 05/11/2017 - 23:01

10 tháng đầu năm, riêng TP.HCM đã thu hút được 5,03 tỷ USD nguồn vốn FDI, đứng đầu cả nước, tăng gấp 2 lần so với 10 tháng đầu năm 2016, trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đứng đầu, chiếm 34,5%; lĩnh vực bất động sản chiếm tỷ trọng 32,9%, đứng thứ 2.

Số liệu trên được Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) đưa ra trong báo cáo về thị trường bất động sản thành phố 10 tháng đầu năm 2017.

Theo HoREA, 9 tháng đầu năm, các tổ chức tín dụng đã huy động vốn ước khoảng 1,98 triệu tỷ đồng, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó, tiền gửi tiết kiệm chiếm tỷ trọng 51,6%, và yếu tố tích cực là tỷ lệ tiền gửi tiết kiệm dài hạn trên 12 tháng có xu thế tăng lên, chiếm khoảng 34% tổng số tiền gửi tiết kiệm.

Theo đánh giá của HoREA, nhờ tín dụng tăng trưởng cao, dư nợ ước hơn 1,6 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 19,5% so với cùng kỳ năm trước. Do vậy, thành phố có thể thực hiện được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21% trong năm 2017 như chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

lĩnh vực bất động sản chiếm tỷ trọng 32,9%, đứng thứ 2

Lĩnh vực bất động sản chiếm tỷ trọng 32,9%, đứng thứ 2 trong thu hút FDI tại TP.HCM.

Đáng lưu ý là tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn so với tốc độ tăng trưởng huy động vốn, nhưng điểm tích cực là dư nợ cho vay trung hạn, dài hạn đã tăng lên, chiếm đến 53% tổng dư nợ.

Thống kê của HoREA cho thấy, dư nợ cho vay bất động sản trên địa bàn thành phố thường chiếm tỷ trọng khoảng 10% tổng dư nợ cao hơn mức dư nợ này của cả nước 6,5%. Riêng dư nợ cho vay hỗ trợ nhà ở cho hơn 10.000 cá nhân, hộ gia đình đạt khoảng 4.740 tỷ đồng, góp phần cải thiện nhà ở cho các đối tượng này.

Cũng theo báo cáo của HoREA, 10 tháng đầu năm 2017, cả nước đã thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) 28,24 tỷ USD, tăng 1,6 lần so với cùng kỳ năm trước (10 tháng đầu năm 2016 chỉ đạt 17,6 tỷ USD), là mức tăng cao nhất trong 10 năm qua.

Riêng TP.HCM đã thu hút được 5,03 tỷ USD nguồn vốn FDI, đứng đầu cả nước, tăng gấp 2 lần so với 10 tháng đầu năm 2016; trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đứng đầu, chiếm 34,5%; lĩnh vực bất động sản chiếm tỷ trọng 32,9%, đứng thứ 2.

Theo đơn vị này, lượng kiều hối về thành phố trong 9 tháng đầu năm đạt hơn 3,3 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó, có khoảng 22% lượng kiều hối được đầu tư vào lĩnh vực bất động sản.

Theo HoREA, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, có hiệu lực kể từ ngày 15/8/2017, với việc VAMC quyết định thu giữ để phát mãi bằng hình thức đấu giá công khai dự án Sài Gòn One Tower là tài sản đảm bảo nợ xấu của Công ty M&C là biện pháp tích cực, sẽ góp phần làm lành mạnh hoạt động tín dụng, xử lý hiệu quả tài sản bảo đảm mà phần lớn là bất động sản, sẽ tạo thêm nguồn lực cho nền kinh tế và giúp tái khởi động các dự án bất động sản đã bị thế chấp, đã bị ngừng triển khai trong nhiều năm qua, và tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, lành mạnh.  

Liên quan đến nguồn thu ngân sách thành phố từ đất trong gần 10 tháng đầu năm 2017, HoREA cho biết nguồn thu này đạt hơn 13.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ khoảng 9,5% tổng nguồn thu, ước tính cả năm sẽ thu từ đất được khoảng hơn 24.000 tỷ đồng, phần lớn là khoản nộp ngân sách của doanh nghiệp bất động sản.

Hiện nay vẫn còn 916 đối tượng (bao gồm tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình) nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất với giá trị hơn 1.115 tỷ đồng, cần phải được thu nộp vào ngân sách để phục vụ nhu cầu chi của thành phố.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top