Aa

TP.HCM chấp thuận xây Metro số 1 tới Bình Dương và Đồng Nai

Thứ Sáu, 24/11/2017 - 06:01

UBND TP.HCM vừa phát đi thông báo cho biết sau khi xem xét đề xuất của Nhóm nghiên cứu liên danh tư vấn Nippon Koei - Tokyu, Nhật Bản, UBND TP đã chấp thuận phương án hướng tuyến đường sắt đô thị kết nối từ ga Suối Tiên của tuyến đường sắt đô thị số 1, Bến Thành - Suối Tiên đến TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Việc chấp nhận kéo dài tuyến Metro số 1 được Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết dựa trên nhiều yếu tố, trong đó có cả văn bản yêu cầu và chấp thuận của UBND tỉnh Đồng Nai và UBND tỉnh Bình Dương.

Tuyến Metro số 1 dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2020.

Tuyến Metro số 1 dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2020.

“Đặc biệt quyết định kéo dài tuyến Metro số 1 tới hai tỉnh này cũng phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ duyệt”, ông Nguyễn Thành Phong nói.

Được biết, tuyến đường sắt đô thị từ ga Suối Tiên đến tỉnh Đồng Nai và Bình Dương nằm hoàn toàn trên địa bàn hai tỉnh Đồng Nai và Bình Dương. Do đó, khi được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại giữa TP.HCM và tỉnh Đồng Nai, Bình Dương; thu hút thêm lượng hành khách vận chuyển trên tuyến đường sắt đô thị số 1, Bến Thành - Suối Tiên; thúc đẩy phát triển đô thị dọc tuyến; góp phần làm giảm tình trạng giao thông quá tải tại các trục đường phía Đông Bắc của TP.

Kinh phí xây dựng dự án này chưa được UBND TP công bố sẽ lấy từ đâu.

Dự án đường sắt đô thị TP.HCM có kế hoạch tổng thể được công khai vào tháng 2/2001 và dự đoán rằng có thể xây dựng xong vào năm 2020. Theo quy hoạch hiện tại, TP.HCM sẽ có 8 tuyến tàu điện. Dự án bắt đầu khởi động vào ngày 28/08/2012 với tuyến đầu tiên được xây dựng là tuyến số 1: Bến Thành - Suối Tiên. Theo sau tuyến này là các tuyến số 2 và tuyến số 5.

Tuy nhiên, tới nay dự án Metro số 1 đang gặp khó về vốn và đứng trước nguy cơ phải dừng xây dựng. Lý do mấu chốt được cho là việc dự án đội vốn lên quá cao (từ 17.000 tỷ đồng lên hơn 47.000 tỷ đồng).

Lý do dự án bị đội vốn được ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) giải thích đó là từ năm 2006, Thủ tướng thông qua báo cáo đầu tư xây dựng dự án do Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư dự án được lập là 17.000 tỷ đồng nhưng do đơn vị tư vấn lập dự án chưa có kinh nghiệm thực tiễn nên phải điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Cụ thể, sau khi tính toán, đơn vị trúng thầu của dự án (là liên danh NJPT - một đơn vị có kinh nghiệm trong thiết kế, tư vấn lĩnh vực giao thông vận tải) đề xuất tổng mức đầu tư của dự án 47.000 tỷ đồng. “TP.HCM đã rất thận trọng, thuê các đơn vị tư vấn độc lập của Singapore thẩm tra, xác định tổng mức đầu tư của dự án là 47.000 tỷ đồng”, ông Quang cho biết.

Trên cơ sở này, tháng 7/2010, UBND TP.HCM trình Thủ tướng điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án lên 47.000 tỷ đồng.

Các bộ ngành liên quan đã có ý kiến, trong đó Bộ KH-ĐT cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư theo đề nghị của TP.HCM. Tháng 8/2011, Thủ tướng đồng ý cho TP.HCM phê duyệt điều chỉnh dự án. Ông Quang khẳng định: “Sau đó, tháng 9/2011, UBND TP.HCM ra quyết định phê duyệt tổng mức đầu tư. Như vậy, tổng mức này đã được phê duyệt từ năm 2011, theo đúng trình tự, thủ tục”.

Theo ông Quang thì đến nay, tổng số tiền vay cho dự án đã gần 32.000 tỷ đồng. Ngoài ra, từ nay đến cuối năm 2017, JICA xem xét về việc tiếp tục cho TP.HCM vay cho đủ thực hiện dự án.

Tuy nhiên, dự án hiện nay bị ách tắc vì Bộ KH-ĐT cho rằng dự án được điều chỉnh có tổng mức đầu tư rất lớn nhưng TP.HCM chưa thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục.

Cụ thể, theo Nghị quyết 49/2010 của Quốc hội, những dự án có tổng mức đầu tư trên 35.000 tỷ đồng thì phải được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Trong khi, dự án Metro số 1 có tổng mức đầu tư đến 47.000 tỷ đồng nhưng đến nay Quốc hội vẫn chưa thông qua chủ trương.

“Thực tế, tháng 5/2011, khi dự án chưa phê duyệt thì UBND TP đã kiến nghị với Bộ KH-ĐT giao UBND TP tạm thời phê duyệt tổng mức đầu tư và báo cáo kiến nghị Quốc hội về công tác điều chỉnh đối với dự án. Ngoài ra, hàng năm, TP.HCM đều báo cáo đầy đủ cho Bộ GTVT và thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ GTVT đều có báo cáo với Quốc hội”, ông Quang khẳng định.

Được biết, Dự án Metro Tuyến số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên dài 19,7km (trong đó có 2,6km đoạn ngầm và 17,1km đoạn trên cao), 14 nhà ga (3 nhà ga dưới mặt đất và 11 nhà ga trên cao). Khu Depot tại phường Long Bình, Quận 9 với diện tích 20,9ha. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top