Thanh tra TP.HCM vừa có kết luận số 75/TB-TTTP-P1 thanh tra trách nhiệm của Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM về chấp hành pháp luật trong việc tổ chức thẩm định, quyết định đầu tư dự án công trình dân dụng, công nghiệp sản xuất vật liệu có sử dụng nguồn vốn ngân sách và các dự án đầu tư xây dựng khác thuộc thẩm quyền của Giám đốc Sở Xây dựng hoặc theo ủy quyền của UBND TP.HCM.
Trong kết luận này, Thanh tra TP.HCM đã chỉ ra hàng loạt thiếu sót, vi phạm trong công tác thẩm định, điều chỉnh chấp thuận đầu tư các dự án thuộc quyền Giám đốc Sở Xây dựng hoặc theo uỷ quyền của UBND TP.HCM.
Theo đó, Thanh tra TP.HCM chỉ rõ Sở Xây dựng thực hiện thẩm định chi phí quản lý dự án, chi phí thẩm tra các dự án công trình dân dụng, công nghiệp sản xuất vật liệu sử dụng nguồn vốn ngân sách chưa phù hợp.
Đối với việc tổ chức thẩm định, quyết định đầu tư xây dựng khác thuộc thẩm quyền của Giám đốc Sở Xây dựng hoặc theo ủy quyền của UBND TP.HCM có một số hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận đầu tư thực hiện thẩm định trễ hạn so với quy định. Sở Xây dựng cũng không thực hiện lưu trữ hồ sơ của các đơn vị mà Sở cho rằng chưa đảm bảo điều kiện để chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận đầu tư dự án.
Đối với việc thẩm định dự án, Thanh tra TP.HCM cho biết, một số dự án chưa đảm bảo thành phần hồ sơ. Ở một số dự án khác, Sở Xây dựng không thực hiện thẩm định hoặc thẩm định không đảm bảo đầy đủ điều kiện một số nội dung theo đúng quy định pháp luật.
Một số nội dung có thể hiện trong hồ sơ dự án nhưng khi thẩm định, Sở Xây dựng không thể hiện trong tờ trình trình UBND TP.HCM, như chức năng kinh doanh bất động sản, năng lực kinh nghiệm của chủ đầu tư; sự phù hợp của dự án với quy hoạch đô thị đã được cấp thẩm quyền phê duyệt…
Về pháp lý sử dụng đất, tờ trình Sở Xây dựng trình UBND TP.HCM không thể hiện chính xác việc đảm bảo quyền sử dụng đất dự án theo quy định. Về điều tiết nhà ở xã hội, có 17/26 dự án trong tờ trình Sở Xây dựng chỉ ghi nhận chủ đầu tư thực hiện điều tiết nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật, mà không xác định cụ thể chủ đầu tư phải thực hiện theo hình thức nào, thời gian thực hiện. Việc này là thực hiện chưa đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra, qua xác minh tại cơ quan thuế, Thanh tra TP.HCM phát hiện 3 trường hợp báo cáo tài chính do nhà đầu tư cung cấp cho Sở có mức vốn chủ sở hữu cao hơn so với báo cáo tài chính nộp cho cơ quan thuế. Qua đây có thể thấy có dấu hiệu cung cấp hồ sơ, tài liệu không chính xác cho cơ quan quản lý nhà nước nhằm xác minh năng lực tài chính để thực hiện thủ tục đầu tư dự án.
Đối với việc điều chỉnh chấp thuận đầu tư dự án, Sở Xây dựng có thiếu sót trong việc thẩm định về chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc và cơ cấu sử dụng đất phù hợp quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, khi đề xuất UBND TP.HCM ban hành quyết định chấp thuận đầu tư, dẫn đến chủ đầu tư xin điều chỉnh bổ sung. Sở chưa thực hiện đúng quy định khi không tham mưu, đề xuất xử lý theo quy định của pháp luật đối với các dự án chậm thực hiện, mà đề xuất UBND TP.HCM chấp thuận điều chỉnh thời gian và tiến độ thực hiện dự án.
Với các thiếu sót trên, Thanh tra TP.HCM khẳng định trách nhiệm thuộc về tổ chuyên gia, cán bộ thụ lý, lãnh đạo phòng Phát triển Đô thị trực tiếp thụ lý hồ sơ, Phó giám đốc Sở phụ trách. Giám đốc Sở Xây dựng từng thời kỳ có liên quan liên đới chịu trách nhiệm với vai trò người đứng đầu.
Từ những kết luận trên, Thanh tra TP.HCM kiến nghị và đã được Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo. Trong đó, Chủ tịch UBND TP giao Giám đốc Sở Xây dựng kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan; đồng thời chấm dứt tình trạng thực hiện nhiều thủ tục đầu tư cùng lúc không đúng theo quy định pháp luật hiện hành.
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng giao Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng rà soát các trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng theo kết luận của Thanh tra TP.HCM và xử lý theo đúng quy định.
Trách nhiệm người ký duyệt sai quy trình xử lý thế nào?
Trong kết luận, Thanh tra TP.HCM cho biết Sở Xây dựng còn tham mưu cho UBND TP.HCM thực hiện 2 - 3 thủ tục cùng lúc. Trong khi đó, có 1 dự án có văn bản chấp thuận chủ trương và công nhận chủ đầu tư của cơ quan có thẩm quyền hết hiệu lực trước khi cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định chấp thuận đầu tư.
Thanh tra TP.HCM nhận định việc thực hiện 2 - 3 thủ tục cùng lúc là chưa đảm bảo quy định tại khoản 1, Điều 9; khoản 4, Điều 10 và khoản 1, khoản 3, Điều 18 Nghi định 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ cũng như Điều 20 Thông tư liên tịch số 20/2013/TTLT-BXD-BNV ngày 21/11/2013 của Bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ; khoản 3, Điều 20 Nghị định 11/2013/NĐ-CP ngày 14/1/2013 của Chính phủ.
Liên quan đến việc thực hiện 2 - 3 thủ tục cùng lúc, có thể lấy điển hình tại dự án Khu dân cư văn hóa Cựu Chiến Binh tại phường Thới An, quận 12. Dự án được ông Lê Văn Khoa Phó Chủ UBND TP.HCM ký văn bản chấp thuận chủ trương và công nhận Công ty TNHH MTV Cựu Chiến binh TP.HCM làm chủ đầu tư chỉ trong một công văn số 4452/UBND-ĐT ngày 18/7/2017.
Trong công văn này, UBND TP.HCM cho biết việc chấp thuận này xét trên báo cáo, đề nghị của Sở Tư pháp và Sở Xây dựng – tổ chuyên gia lựa chọn chủ đầu tư các dự án xây dựng nhà ở trên địa bàn thành phố (tờ trình 494/TTr-SXD-PTĐT ngày 18/4/2017) về chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận Công ty TNHH MTV Cựu Chiến binh TP.HCM làm chủ đầu tư dự án này.
Liệu những dự án thực hiện sai quy trình thủ tục như vậy có phải "làm lại từ đầu" hay xử lý tiếp tục như thế nào? Trách nhiệm của người ký duyệt ra sao? Dư luận vẫn đang chờ những động thái tiếp theo từ Sở Xây dựng và UBND TP.HCM.