Thiếu trầm trọng
Theo báo cáo về hiện trạng quy hoạch xây dựng công viên trên địa bàn TP.HCM của Sở Xây dựng, với tốc độ đô thị hóa ngày càng lớn, dân số cơ học của Thành phố mỗi năm tăng thêm 1 triệu người, nhưng số lượng, chỉ tiêu công viên, cây xanh hiện nay chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân và yêu cầu cơ bản của một đô thị phát triển hiện đại.
Cụ thể, tính đến cuối năm 2018, Thành phố có 491,16ha đất công viên (369 công viên, bao gồm các công viên công cộng và các công viên trong khu nhà ở), diện tích đất công viên đạt bình quân 0,49m2/người, chưa bằng 1/15 theo tiêu chuẩn TCVN (12 - 15 m2/người) và chưa bằng 1/7 theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 24 ban hành ngày 6/1/2010).
Không chỉ thiếu trầm trọng, theo đánh giá của Sở Xây dựng, đa số các công viên đều được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác với thời gian đã rất lâu, hạ tầng xuống cấp.
Trong khi đó, công tác sửa chữa, nâng cấp nhìn chung vẫn mang tính tạm thời, chắp vá và thực hiện trên mặt bằng hiện trạng, thiếu định hướng chung. Đặc biệt, phân bố công viên trên địa bàn thành phố không đều và bất hợp lý.
Cụ thể, khu vực nội thành cũ (gồm 13 quận) có 273ha, đạt 0,67m2/người. Khu vực quận mới (gồm 6 quận) có 172ha, đạt 0,72m2/người. Khu vực ngoại thành (5 huyện) có 46ha, đạt 0,3m2/người.
Theo tìm hiểu của phóng viên, từ sau năm 2000 đến nay, ngoại trừ một số công viên đã có từ trước như Tao Đàn, Lê Văn Tám, Thảo Cầm Viên, Hoàng Văn Thụ, Đầm Sen, Suối Tiên, Kỳ Hòa…, việc đầu tư xây mới công viên có quy mô lớn còn khá hạn chế. Theo đó, Thành phố chỉ phát triển thêm Công viên Gia Định (địa bàn quận Phú Nhuận) giai đoạn 1 và 2 với khoảng 21 ha và công viên 23/9 (địa bàn quận 1) khoảng 9ha.
Tuy nhiên, điều đáng nói là những công viên này lại chỉ tập trung tại các quận nội thành, trung tâm của Thành phố, còn các quận, huyện ngoại thành như quận 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh chưa có một công viên công cộng nào, bởi hầu hết các khu công viên này vẫn đang nằm trên “giấy”.
Theo đó, những công viên nằm trên “giấy” này chủ yếu là những khu đất trống rậm rạp, ẩm thấp, ao hồ… không thể tiếp cận sử dụng, hoặc đất trống xen cài với các công trình xây dựng không phép, nhà xưởng, bến bãi cần phải di dời, đất hành lang ven sông, kênh rạch... thuộc quyền sử dụng của người dân hoặc các tổ chức kinh doanh. Một số ít là đất công thuộc quyền sử dụng của Nhà nước.
Nguyên nhân khiến việc phát triển công viên cây xanh phát triển manh mún cũng được ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM viện dẫn tại hội thảo định hướng quy hoạch và phát triển cây xanh, công viên chiếu sáng các quận nội thành giai đoạn 2019 - 2025 diễn ra cuối tuần qua tại TP.HCM.
Cụ thể, Thành phố chưa có quy hoạch phát triển cây xanh một cách cụ thể, tất cả đều là tự phát. Ngoài ra, khi làm dự án khu dân cư, doanh nghiệp cũng nhận thức được tầm quan trọng của phát triển mảng xanh, nhưng vì mục đích tối đa hóa lợi nhuận nên cồ tình cắt xén hạng mục này.
Nhìn nhận thực tế hiện nay, việc thực hiện và quản lý khai thác quy hoạch cây xanh có quy mô lớn đều trông chờ vào nguồn ngân sách của Thành phố. Thế nhưng, Thành phố cũng đang cần rất nhiều nguồn vốn để đầu tư hạ tầng giao thông trọng điểm, giải quyết các vấn nạn kẹt xe, ngập nước kinh niên... nên bài toán kinh phí để thực hiện những dự án này rất khó có lời giải trong một sớm một chiều.
Huy động nguồn lực xã hội để xây dựng
Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, trong thời gian qua, tình hình phát triển kinh tế của Thành phố rất tốt, nhưng điều đáng buồn là công tác phát triển mảnh xanh trên địa bàn lại chưa tương xứng.
“Phát triển cây xanh ở thành phố quá lạc hậu. Chúng ta đặt quy hoạch 6 - 7m2 cây xanh/người nhưng hiện nay chỉ đạt 0,5m2 cây xanh/người. Các đô thị mới đều dành diện tích phát triển cây xanh tương ứng 7m2 cây xanh/người. Tuy nhiên, diện tích cây xanh tại các đô thị mới cũng chỉ đạt 0,5m2/người”, ông Nhân nói.
Theo ông Nhân, để khắc phục được những hạn chế trên sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, để TP.HCM là một nơi phát triển, sống tốt thì không thể chấp nhận tình trạng như vừa qua. Đã đến lúc Thành phố phải quyết liệt thay đổi.
“Công viên có nhiều chức năng, là nơi để người dân thể dục thể thao, vui chơi giải trí, sinh hoạt cộng đồng. Ở Singapore, các công viên còn được kết nối với nhau bởi hành lang xanh. Các hành lang xanh này được quản lý như công viên cây xanh. Vì thế, từ trên không nhìn xuống, 40% diện tích của Singapore là những mảng xanh”, ông Nhân lấy ví dụ.
Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND Thành phố cho rằng, sắp tới TP.HCM cần huy động các nguồn lực xã hội để phát triển công viên, cây xanh. Theo đó, doanh nghiệp phát triển khu đô thị cần nhận thức được giá trị khi phát triển tốt mảng xanh. Thành phố sẽ bắt đầu xây dựng quy hoạch cụ thể, đề án cụ thể, công trình cụ thể để nhân rộng mảng xanh thành phố.
“Khu vực đất vàng vẫn là đất vàng, còn lại xem xét trồng cây xanh. Đặc biệt, Thành phố phải dành đất ở các quận, huyện ngoại thành bù đắp diện tích công viên cây xanh theo quy hoạch”, ông Hoan khẳng định.
Trong khi đó, ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, sắp tới, Thành phố cần rà soát, lập danh mục, cập nhật về nguồn gốc toàn bộ các khu đất được quy hoạch công viên trong các đồ án quy hoạch xây dựng các cấp, sau đó sẽ đề xuất việc lập dự án hoặc kêu gọi đầu tư.
“Thành phố cũng cần có một nguồn vốn dành riêng cho việc phát triển công viên công cộng và với mục tiêu mỗi năm phát triển từ 10 - 20ha đất công viên công cộng, thì cần 100 - 200 tỷ đồng hàng năm”, ông Bình thông tin.
Chia sẻ về kinh nghiệm quản lý, phát triển công viên tại Singapore, ông Chuah Hock Seong, thành viên Ban Giám đốc Công viên Quốc gia Singapore cho biết, Singapore thuộc nhóm có mật độ dân số cao nhất trên thế giới, 7.780 người/km2. Tuy nhiên, Singapore cũng được biết đến như là một “quốc gia xanh nhất", với khoảng 40% diện tích được bao phủ bởi cây xanh và 2 triệu cây xanh có tên, có số và lý lịch.
“Hiện nay, Singapore có 350 công viên, khu vườn với nhiều tính chất khác nhau và có đường kết nối từ công viên này sang công viên kia. Ở nhà dân, Singapore khuyến khích công ty thiết kế, kiến trúc sư thiết kế các mô hình vườn trên sân thượng”, ông Chuah Hock Seong thông tin.
Để quản lý, bảo trì công viên, theo ông Chuah Hock Seong, Singapore dựa vào cộng đồng, khuyến khích người dân tham gia. Theo đó, người dân không chỉ đến vui chơi, giải trí, mà có thể tham gia trồng cây, chăm sóc cây xanh.
Ngoài ra, để thắt chặt thêm mối quan hệ cộng đồng, các công viên thường xuyên có hoạt động văn hóa, chương tình biểu diễn, tổ chức sinh nhật... Công viên chỉ cho mở shop bán dụng cụ liên quan đến thể thao, hoạt động thể chất ngoài trời cho người dân. Công viên được xây dựng thân thiện, dễ tiếp cận với trẻ kém may mắn, trẻ khuyết tật.
Trên chuẩn “đô thị xanh” đã đạt được, ông Chuah Hock Seong cho biết, Singapore muốn trở thành một thành phố có hơi thở sinh thái. Nơi này không chỉ có cây xanh mà cây xanh phải có chim chóc, có động vật, sinh vật tự nhiên đến ở. Các động vật, sinh vật đó cũng được xem như "công dân" của đất nước.