Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo quốc tế "Định hướng quy hoạch và phát triển cây xanh, công viên và chiếu sáng các quận nội thành giai đoạn 2019 - 2025" do UBND TP.HCM tổ chức sáng 14/8.
Báo cáo về hiện trạng quy hoạch xây dựng công viên trên địa bàn thành phố của Sở Xây dựng TP.HCM cho biết với tốc độ đô thị hóa ngày càng lớn, dân số cơ học của thành phố mỗi năm tăng thêm 1 triệu người thì số lượng, chỉ tiêu công viên, cây xanh hiện nay chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân và yêu cầu cơ bản của một đô thị phát triển hiện đại.
Tính đến cuối năm 2018, thành phố có 491,16ha đất công viên (369 công viên bao gồm các công viên công cộng và các công viên trong khu nhà ở), diện tích đất công viên đạt bình quân 0,49m2/người, chưa bằng 1/15 theo tiêu chuẩn TCVN (12 - 15m2/người) và chưa bằng 1/7 theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 24 ban hành ngày 6/1/2010).
Không chỉ thiếu trầm trọng, theo đánh giá của Sở Xây dựng, đa số các công viên đều được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác với thời gian đã rất lâu, cơ bản hạ tầng hiện nay xuống cấp. Công tác sửa chữa, nâng cấp nhìn chung vẫn mang tính tạm thời, chắp vá và thực hiện trên mặt bằng hiện trạng, thiếu định hướng chung.
Bên cạnh đó, phân bố công viên trên địa bàn thành phố không đều và bất hợp lý. Các quận nội thành, trung tâm là nơi có số lượng, diện tích công viên lớn hơn các quận mới, các huyện ngoại thành dù khu vực này có quỹ đất công viên cây xanh rất lớn. Điển hình, các quận 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh chưa có một công viên công cộng nào.
Đáng chú ý, đối với việc xây dựng mới công viên công cộng, trong 7 năm chỉ tăng thêm được 10,78ha. Do đó, chưa tạo thêm được nhiều không gian sinh hoạt với quy mô lớn cho người dân, chưa cải thiện được chỉ tiêu đất công viên cho toàn thành phố.
Ngoài ra, việc chậm đầu tư xây dựng cũng ảnh hưởng đến đời sống của người dân nằm trong các khu vực được quy hoạch đất công viên.
Như vậy, tốc độ đầu tư công viên cây xanh của TP.HCM hiện nay mới chỉ đạt 1,54ha/năm. Tính ra, để phủ xanh khoảng gần 10.000ha đất công viên còn lại trên địa bàn thành phố, TP.HCM phải mất gần 6.500 năm nữa.
Trong khi đó, theo ông Chuah Hock Seong, thành viên Ban giám đốc National Park (đến từ Singapore) tại đảo quốc sư tử, tỷ lệ công viên công cộng đã đạt tới 0,79ha/1.000 người, tức mỗi người dân có tới 8m2 cây xanh.
Để đạt được con số này, Singapore chỉ mất 50 năm bằng cách triển khai chiến lược khuyến khích mỗi hộ dân tự làm vườn, làm mảng xanh ngay trong nhà. Mỗi dự án nhà ở luôn được chú trọng và chỉ được cấp phép khi đáp ứng đủ yêu cầu về mảng xanh.
Đồng thời, các công viên, mảng xanh được xây dựng ngay gần các khu dân cư và có mạng lưới hành lang kết nối các công viên để người dân có thể đi bộ, đạp xe từ công viên này qua công viên khác một cách thuận tiện, an toàn nhất.
Đề xuất một số phải pháp về quản lý, phát triển công viên cho TP, đại diện Sở Xây dựng cho rằng cần rà soát, lập danh mục, cập nhật về nguồn gốc toàn bộ các khu đất được quy hoạch công viên trong các đồ án quy hoạch xây dựng các cấp. Tùy theo tính chất của từng khu đất sẽ đề xuất việc lập dự án hoặc kêu gọi đầu tư.
Đồng thời, thành phố cần một nguồn vốn dành riêng cho việc phát triển công viên công cộng (cần 100 - 200 tỷ hằng năm). Theo đó, đặt mục tiêu mỗi năm phát triển tối thiểu 10 - 20ha đất công viên công cộng.
Song song, xây dựng những chính sách khuyến khích xã hội hóa việc đầu tư xây dựng đối với các công viên có quy mô lớn (trên 10ha), quy hoạch xây dựng xen cài các loại hình dịch vụ phù hợp như khu vui chơi có thu phí, khu vực triển lãm, cảnh quan chuyên đề... như cách làm của Singapore.