Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, tuyến đường sắt metro số 4 có hướng tuyến: Thạnh Xuân (quận 12) – Hà Huy Giáp – Nguyễn Oanh – Nguyễn Kiệm – Phan Đình Phùng – Hai Bà Trưng – Bến Thành – Nguyễn Thái Học – Tôn Đản – Nguyễn Hữu Thọ - Khu đô thị Hiệp Phước. Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 35,75km với 17,77km đi trên cao và 16,18km đi ngầm.
Bên cạnh đó, metro số 4 có 32 ga với 14 ga ngầm và 18 ga trên cao. Depot (nơi tập kết container, hàng hóa) số 1 rộng 24,93 ha nằm tại phường Thạnh Xuân, quận 12; depot số 2 rộng 21,28 ha nằm tại Hiệp Phước, Nhà Bè. Theo dự kiến, tuyến metro này sẽ được đầu tư theo hình thức PPP bằng nguồn vốn ODA.
Ngân hàng K-Exim chuyên cung cấp các chương trình tín dụng xuất khẩu và bảo lãnh để hỗ trợ các doanh nghiệp Hàn Quốc xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài. Đồng thời, đơn vị này còn quản lý hai quỹ của Chính phủ Hàn Quốc là Quỹ hợp tác phát triển kinh tế - EDCF (chương trình ODA của Hàn Quốc) và Quỹ hợp tác Bắc – Nam Triều Tiên – IKCF (chương trình hợp tác kinh tế với Bắc Triều Tiên).
Cùng thời gian, UBND TP.HCM chấp thuận chủ đầu tư của nhiều dự án nhà ở. Cụ thể, thành phố đồng ý cho CTCP Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Hưng Thịnh làm chủ đầu tư khu chung cư ký hiệu B2 thuộc dự án Khu nhà ở, trung tâm thương mại tại phường Phước Long B, quận 9; Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dịch vụ Gia Khang làm chủ đầu tư dự án khu phức hợp căn hộ kết hợp thương mại, dịch vụ, văn phòng tại số 218 đường Võ Văn Ngân, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức và doanh nghiệp tư nhân Thương mại và Xây dựng Anh Dũng làm chủ đầu tư dự án khu nhà ở liên kế vườn An Nhiên tại phường Phú Hữu, quận 9.
Ngoài ra, theo đề xuất của Sở Giao thông vận tải, UBND TP cũng chấp thuận chủ trương tiếp nhận và tổ chức quản lý duy tu, khai thác đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật thuộc ba dự án do Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong làm chủ đầu tư. Ba dự án đó gồm: chung cư Ngô Tất Tố, chung cư Phạm Viết Chánh và khu nhà ở cụm đô thị Thanh niên Văn Thánh - giai đoạn 1 (phân lô A, B, C).