Cứ qua mỗi mùa triều kiệt (triều xuống thấp) lại có thêm nhiều căn nhà, nhiều khu đất ở TP.HCM bị cuốn xuống sông, kênh rạch do bị sạt lở. Hiện vẫn còn hơn 40 điểm có nguy cơ sạt lở cao với hàng trăm hộ dân cần phải di dời.
Đất càng đẹp càng phập phồng
Dọc bờ tả sông Sài Gòn, chỉ một đoạn ngắn chạy qua địa bàn quận Thủ Đức nhưng có đến 65 hộ dân thuộc diện phải di dời do nguy cơ sạt lở bờ sông. Đây là số liệu mới nhất do UBND quận Thủ Đức khảo sát, tính đến giữa tháng 7-2017. Trong đó điểm sạt lở cách cầu Bình Phước khoảng 1 km (thuộc địa bàn phường Hiệp Bình Phước) được xác định là nơi đặc biệt nguy hiểm vì đất có thể sụp xuống sông thình lình.
Theo UBND quận Thủ Đức, năm 2015, khu vực trên từng xảy ra sạt lở lớn với bề rộng khoảng 100 m, sâu đến 40 m. Có bảy hộ dân bị ảnh hưởng đã phải di dời.
“Số hộ dân này được bố trí tạm cư nhưng phường vẫn luôn theo dõi, sợ họ quay trở lại sinh sống ở khu vực từng xảy ra sạt lở vì nguy cơ có thể ảnh hưởng đến tính mạng” - một cán bộ của UBND phường Hiệp Bình Phước cho biết thêm.
Chị S., người từng sở hữu một khu đất đẹp bên bờ tả sông Sài Gòn (thuộc địa bàn quận Thủ Đức), nhưng khu này bị sạt xuống sông với diện tích lên đến hàng ngàn mét, cách đây gần chín năm, bộc bạch: “Dù đợt đó nhà mình không có ai bị thương nhưng nhìn cả căn nhà trong phút chốc chìm xuống sông ai cũng ám ảnh. Bây giờ, dù rất thích sống ven sông bởi phong cảnh hữu tình nhưng nghĩ đến chuyện sạt lở lại sợ”.
Cùng tâm trạng với chị S., nhiều người có điều kiện từng mua những khu đất diện tích lớn ven sông ở địa bàn quận 9 cũng ám ảnh vì tình trạng sạt lở xảy ra liên tiếp.
Ứng tiền làm nhanh dự án
Theo báo cáo của Sở GTVT TP.HCM, hiện nay trên địa bàn TP còn hơn 40 điểm sạt lở. Trong đó có đến 23 điểm đặc biệt nguy hiểm với hàng trăm hộ dân cần phải di dời. Các khu vực sạt lở nghiêm trọng tập trung nhiều ở địa bàn huyện Nhà Bè, quận 2, Thủ Đức... Hiện có hơn 30 dự án xây dựng bờ kè đang được triển khai để chống sạt lở. Song các dự án này thực hiện khá chậm vì công tác bồi thường giải phóng mặt bằng gặp vướng mắc.
Trong khi các dự án chống sạt lở chậm triển khai thì mới đây, có năm căn nhà ở bờ tả rạch Giồng - sông Kinh Lộ (huyện Nhà Bè) bị cuốn xuống nước giữa đêm khuya. Vụ sạt lở dù không gây thiệt hại về người nhưng khiến người dân vô cùng lo lắng trước cuộc sống quá bấp bênh. Phần lớn các gia đình sống ở khu sạt lở có hoàn cảnh khó khăn nên không có điều kiện mua đất ở nơi khác để cất nhà an cư.
Sau vụ sạt lở trên, lãnh đạo UBND TP đã tổ chức cuộc họp với nhiều đơn vị liên quan. TP yêu cầu Sở GTVT phải tổ chức khảo sát 40 điểm sạt lở để rà soát lại các vướng mắc nhằm thực hiện cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Việc này phải thực hiện trước ngày 15-8.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chống sạt lở, bảo vệ tính mạng và tài sản cho người dân, lãnh đạo UBND TP yêu cầu Sở Tài chính phối hợp với các sở, ngành liên quan ngay trong năm 2017 phải bố trí thêm 20 tỉ đồng để thực hiện các dự án. Trong đó, riêng dự án chống sạt lở khu vực rạch Giồng - sông Kinh Lộ được tạm ứng trước 10 tỉ đồng để sớm thi công. Tất cả dự án còn lại phải thực hiện xong trong năm 2018.
Mất hơn 40 ha do sạt lở Một cán bộ từng có nhiều năm công tác trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường của quận 9 cho hay do những người mua đất cù lao ở quận 9 nhằm để dành, thích sống gần gũi với thiên nhiên nên chưa đầu tư xây dựng các bờ kè kiên cố để chống sạt lở. Do đó diện tích đất bị cuốn xuống sông rất lớn. Cụ thể, theo thống kê của Phòng TN&MT quận 9, tính từ năm 2003 đến nay, trên địa bàn quận đã mất hơn 40 ha do sạt lở. Trong đó, riêng cù lao Long Phước đã có hơn 30 ha đất bị sạt xuống sông. _____________________ Đất nhiễm mặn làm đất mất kết dính PGS-TS Đặng Hữu Diệp, chuyên gia về địa chất công trình, cho rằng tình trạng sạt lở ở TP.HCM xảy ra nhiều có thể có mối liên quan đến tình trạng nước nhiễm mặn tăng cao và xâm nhập sâu vào kênh rạch. Vì theo ông, nước nhiễm mặn có thể làm cho đất ven sông, kênh rạch giảm tính kết dính và tăng nguy cơ sạt lở. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khác cho rằng cần phải có những nghiên cứu chuyên sâu mới có thể đưa ra kết luận về nguyên nhân sạt lở. Trong đó, cũng cần nghiên cứu về tác động của hoạt động giao thông thủy vì khi lượng tàu thuyền lưu thông nhiều cũng có thể làm cho sạt lở gia tăng. Trước đây, Sở GTVT TP.HCM cho biết tình trạng xây cất lấn chiếm sông, kênh rạch... làm thu hẹp dòng chảy, dẫn đến gia tăng lưu tốc dòng chảy, biến đổi dòng chảy cục bộ... là một trong những nguyên nhân gây sạt lở. Bên cạnh đó, việc khai thác cát bừa bãi cũng làm thay đổi dòng chảy của sông, gây mất cân bằng về bùn cát, dẫn đến gia tăng xói lở. |