Aa

Phó Chủ tịch TP.HCM Lê Hòa Bình chỉ đạo thanh tra việc lách luật, huy động vốn trái phép

Thứ Năm, 11/03/2021 - 13:57

Sau khi hàng loạt dự án như D-Homme, D-Aqua, Đức Long Western Park... bị phản ánh có dấu hiệu huy động vốn trái phép, Phó Chủ tịch TP.HCM Lê Hòa Bình đã chỉ đạo thanh tra để đảm bảo quyền lợi khách hàng.

Thanh tra, kiểm tra đột xuất việc bán nhà chung cư

Chỉ đạo trên của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình nhằm thực hiện những giải pháp giải quyết những bất cập trong giao dịch bất động sản. Động thái này nhằm chấn chỉnh lại hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản trên địa bàn TP.HCM, sau khi báo chí phản ánh về tình trạng một số chủ đầu tư "lách luật" trong mua bán, chuyển nhượng dự án, cũng như tình trạng nhiều khách hàng phải "ngậm trái đắng" khi mua nhà trên giấy.

Trong chỉ đạo này, ông Lê Hòa Bình yêu cầu Sở Công Thương TP.HCM tiếp tục tổ chức triển khai đến các chủ đầu tư dự án nhà ở, đảm bảo thực hiện theo quy định về mẫu các loại hợp đồng đã được quy định cụ thể theo Nghị định 76/2015 hướng dẫn Luật Kinh doanh bất động sản. Tất cả chủ đầu tư có trách nhiệm phải đăng ký hợp đồng mua bán căn hộ chung cư theo mẫu quy định (đảm bảo về hình thức, nội dung và thủ tục đăng ký hợp đồng).

Công ty TNHH MTV Dịch vụ Bất động sản Minh Anh tổ chức thi công và huy động vốn trái phép Khu chung cư kết hợp Thương mại dịch vụ (tên thương mại là D-Homme) tại số 765 và 751/8 đường Hồng Bàng, phường 6, quận 6, dù chỉ mới xem xét quyết định chủ trương đầu tư

Đặc biệt, lãnh đạo UBND TP.HCM yêu cầu, Sở Công Thương phải tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất đối với các trường hợp báo chí hoặc người dân phản ánh để kịp thời xử lý theo quy định. Việc này nhằm đảm bảo quyền lợi khách hàng mua bán nhà ở (người tiêu dùng), tránh xảy ra tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM còn yêu cầu, Sở Xây dựng phối hợp với UBND quận huyện tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản.

Dự án D-Aqua nằm trên mặt tiền Bến Bình Đông, phường 14, quận 8, có nguồn gốc đất công, được chuyển nhượng lòng vòng từ Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp và Đầu tư TP.HCM (IMEXCO) đến Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đầu tư DHA (DHA Corporation). Hiện dự án đang được chào bán dù chưa có chấp thuận chủ trương đầu tư, quy hoạch chi tiết 1/500, giấy phép xây dựng…

Sở Tư pháp phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Sở Tài nguyên – Môi trường triển khai thực hiện tốt các nội dung về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất… Cơ quan này cũng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực công chứng, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm của công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng.


Dự án D-One Sài Gòn tại số 12 đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp, TP.HCM, có nguồn gốc đất quốc phòng, được Công ty Cổ phần DHA D-One mang ra huy động vốn, dù Bộ Quốc Phòng chưa cho phép sử dụng đất quốc phòng vào mục đích kinh tế. Việc giao dịch trái phép, không giao được nhà kéo theo tình trạng tranh chấp, gây mất an ninh trật tự.

Được biết, chỉ đạo này của lãnh đạo UBND TP.HCM được thực hiện theo đề nghị của Sở Tư pháp, Sở Xây dựng, nhằm chấn chỉnh lại hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản trên địa bàn thành phố.

Nhiều bất cập trong mua bán nhà chung cư

Tại TP.HCM, thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã quyết liệt xử lý nghiêm hành vi lừa bán các dự án nhà ở, thu lợi bất chính, trong đó cơ quan công an đã khởi tố, bắt giam hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp, nhưng nhiều khách hàng vẫn tiếp tục rơi vào “bẫy” của nhiều chủ đầu tư.

Theo quy định của pháp luật, đối với bất động sản hình thành trong tương lai, chủ đầu tư chỉ được huy động vốn khi đã hoàn thành xong phần hạ tầng và phải có văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc đủ điều kiện để bán. Tuy nhiên, nhiều dự án chưa đủ điều mở bán nhưng lại nhận đặt tiền cọc của khách hàng.

Việc huy động vốn này thường núp dưới dạng “hợp đồng đặt cọc giữ chỗ”, “hợp đồng góp vốn”, “đặt cọc ưu tiên”… có khi lên đến 20%-30% giá trị căn hộ. Trên thực tế, không ít trường hợp chủ đầu tư đã chiếm dụng vốn của người mua, thậm chí lừa đảo, chiếm đoạt khoản tiền đặt cọc. Điển hình như hàng trăm khách hàng của Công ty Địa ốc Alibaba đã ký kết các hợp đồng góp vốn, đặt cọc giữ chỗ, ưu tiên quyền mua rồi sau đó chờ đợi mãi cũng không thấy bất động sản.

Bên cạnh đó, trên thị trường, thời gian qua đã xuất hiện một số doanh nghiệp bất động sản đưa dự án thế chấp ngân hàng 2 lần. Cụ thể, doanh nghiệp đem sổ đỏ của dự án đi thế chấp vay tiền lần thứ nhất và tiếp tục thế chấp những căn hộ đã bán cho khách hàng để vay tiền lần thứ hai, trong khi pháp luật chỉ cho phép dự án thế chấp một lần.

“Đây là hình thức làm ăn không đàng hoàng, lừa dối khách hàng, ảnh hưởng xấu đến thị trường. Hình thức thế chấp dự án này sẽ gây rủi ro rất lớn cho khách hàng, vì nếu dự án không thực hiện được, khách hàng sẽ mất trắng”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhận định.

Đối với hợp đồng mua bán căn hộ chung cư, theo quy định, việc mua nhà chung cư hình thành trong tương lai phải thực hiện nội dung theo hợp đồng mẫu của cơ quan chức năng kiểm duyệt. Thế nhưng, trên thực tế, hiện nay, hợp đồng thường do phía chủ đầu tư soạn thảo ra nên bất cân xứng về quyền lợi giữa chủ đầu tư với khách hàng, khách hàng thường nắm “đằng lưỡi”, ở vị thế yếu hơn. 

Để hạn chế rủi ro, Luật sư Nguyễn Trung Hiếu, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, trước khi quyết định mua một dự án nào hình thành trong tương lại, người mua nhà phải tìm hiểu tất cả những yếu tố liên quan đến dự án như chủ quyền đất, xem dự án đã được phép bán chưa, ngân hàng thương mại nào đứng ra bảo lãnh... Có như vậy mới đảm bảo được quyền lợi của mình về sau.

 

Nhiều dự án ‘lách’ luật, huy động vốn trái phép

Trước đó, như Reatimes đã phản ánh trong nhiều bài viết, tại TP.HCM, nhiều dự án chưa đủ điều kiện mở bán nhưng lại nhận đặt tiền cọc của khách hàng. Điển hình như D-AQua, D-Homme, D-One Sài Gòn –  những dự án gắn với thương hiệu DHA Corporation của “Shark” Đặng Hồng Anh.

Trong đó, D-One Sài Gòn nằm tại số 12 đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp. Dự án này được môi giới quảng cáo là do Công ty TNHH MTV DHA làm chủ đầu tư. Từ cuối năm 2018, dự án đã được môi giới rao bán rầm rộ, Công ty cổ phần DHA D-One là bên nhận giữ chỗ.

Tuy nhiên, chủ đầu tư thực sự là Công ty TNHH MTV Đông Hải, thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 7. Ở thời điểm dự án được chào bán rầm rộ và thu tiền giữ chỗ, Công ty TNHH MTV Đông Hải vẫn chưa Bộ Quốc Phòng cho phép về việc sử dụng đất quốc phòng vào mục đích kinh tế. Hiện tại, khu đất được đặt tên là dự án D-One Sài Gòn vẫn chỉ là bãi đất hoang. Nhiều khách hàng đã xuống tiền tại dự án này vẫn hoang mang không biết số phận dự án sẽ đi về đâu.

Một dự án mới của DHA Corporation có tên D-Aqua, mặt tiền Bến Bình Đông, phường 14, quận 8, tung ra thị trường vào tháng 11/2020, hiện được chào bán với giá khoảng 40-45 triệu đồng/m2. Một số sàn môi giới đang thông báo nhận các suất giữ chỗ với số tiền 50 triệu đồng/căn hộ, dù pháp lý dự án vẫn còn nhiều lỗ hổng.

Tương tự, dự án D-Homme tọa lạc tại số 765 và 751/8 đường Hồng Bàng, phường 6, quận 6, do Công ty TNHH MTV Dịch vụ BĐS Minh Anh làm chủ đầu tư. Dự án D-Homme thi công chui, bất chấp dự án chưa có quy hoạch chi tiết 1/500. 

Theo các chuyên gia, việc chủ đầu tư đưa căn hộ vào kinh doanh khi chưa có quy hoạch chi tiết 1/500 là việc hiếm khi xảy ra, vì ẩn chứa quá nhiều rủi ro. Trong đó, rủi ro thấy trước mắt là thiết kế mà chủ đầu tư đã mang ra giới thiệu cho khách hàng, sau này không được cơ quan chức năng phê duyệt và buộc phải điều chỉnh vì nhiều lý do khác nhau. Khi đó, tất yếu sẽ xảy ra câu chuyện “treo đầu dê, bán thịt chó” và tranh chấp dễ nảy sinh.

Ngoài những dự án gắn với thương hiệu DHA Corporation, dự án Đức Long Western Park, phường An Lạc, quận Bình Tân chưa có giấy phép xây dựng, nhưng trên thực tế chủ đầu tư đã tiến hành thi công và rao bán căn hộ cho hàng trăm khách hàng để nhận cọc. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho khách hàng mua nhà tại dự án.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top