Aa

TP.HCM tìm cách “giải cứu” 63 dự án bất động

Chủ Nhật, 05/04/2020 - 06:30

Sở Xây dựng TP.HCM vừa có văn bản tham mưu UBND TP.HCM trình Chính phủ xem xét phương án giải cứu 63 dự án nhà ở thương mại có nguồn gốc đất do đền bù đất nông nghiệp hoặc đất chuyên dùng đã được cấp phép nhiều năm trước

Quy định phải có 100% đất ở thì mới được chỉ định chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại là một trong những vướng mắc rất lớn và cũng là một nguyên nhân chủ yếu gây ách tắc thị trường bất động sản hiện nay.

Mòn mỏi chờ được giải cứu

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, từ tháng 12/2015, thời điểm Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở có hiệu lực, UBND Thành phố đã chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư 63 dự án nhà ở thương mại có nguồn gốc đất do đền bù đất nông nghiệp hoặc đất chuyên dùng.

Các dự án này được xác định là đất ở trong đồ án quy hoạch được duyệt. Trong đó, 3 dự án đã có văn bản của cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để triển khai dự án xây dựng nhà ở, chiếm tỷ lệ 4,8%; 2 dự án đã được ghi trong quyết định thu hồi đất khi thực hiện giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng nhà ở, chiếm tỷ lệ 3,2%.

Về tiến độ, 45 dự án có văn bản công nhận chủ đầu tư đã hết hiệu lực thi hành (chiếm 71,4%); 11 dự án đã được chấp thuận đầu tư (chiếm 17,5%), trong đó 1 dự án đã được cấp giấy chứng nhận, 1 dự án đã thực hiện nghĩa vụ tài chính, 3 dự án đã ban hành quyết định thu hồi, giao đất chuyển mục đích sử dụng đất…

Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Asian Holding cho biết, doanh nghiệp ông có một quỹ đất dự án tại huyện Bình Chánh, nằm trong danh sách được cấp phép phát triển giai đoạn 2016 - 2021, nhưng do liên quan tới một phần đất nông nghiệp, nên việc cấp phép chuyển sang đất nhà ở đang gặp khó khăn và cả cơ quan chức năng cũng không biết phải làm thế nào để hoàn tất thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất này.

Còn theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), các dự án nhà ở thương mại thường mất nhiều năm mới có thể đưa sản phẩm ra thị trường. Trong đó, mất khoảng 3 năm để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng dự án; mất khoảng 2 năm để lập các thủ tục đầu tư như quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, quyết định chấp thuận đầu tư, công nhận chủ đầu tư; nộp tiền sử dụng đất để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; mất khoảng 3 năm để triển khai xây dựng các công trình trong dự án.

Trong giai đoạn này, chủ đầu tư đã phải chi phí rất lớn, nhưng chưa có doanh thu, do chưa đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Các phương án giải cứu

Ông Bùi Văn Hiếu, Chánh văn phòng Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, để tháo gỡ kịp thời vướng mắc, giúp doanh nghiệp bất động sản có cơ sở hoàn tất các thủ tục đầu tư và triển khai dự án, Sở Xây dựng có văn bản trình để UBND Thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án “có quyền sử dụng đất ở hợp pháp”.

Quy định phải có 100% đất ở thì mới được chỉ định chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại là một trong những vướng mắc rất lớn.

Theo đó, diện tích đất có nguồn gốc do đền bù đất nông nghiệp hoặc đất chuyên dùng, nếu đã được xác định là đất ở trong đồ án quy hoạch được duyệt, hoặc đã có văn bản của cơ quan thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để triển khai dự án xây dựng nhà ở, hoặc đã được ghi trong quyết định thu hồi đất khi giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở, thì được coi là đất ở.

Nếu được chấp thuận phương án như vậy, với 45 dự án có văn bản công nhận chủ đầu tư đã hết hiệu lực, UBND TP.HCM kiến nghị thực hiện lại thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ. 18 dự án còn lại, Thành phố sẽ hướng dẫn doanh nghiệp tiếp tục thực hiện các thủ tục đầu tư dự án.

Trường hợp Thủ tướng Chính phủ không chấp thuận, UBND TP.HCM kiến nghị đối với 58 dự án (45 dự án có văn bản công nhận chủ đầu tư đã hết hiệu lực, 7 dự án còn hiệu lực chấp thuận chủ trương đầu tư, nhưng chưa công nhận chủ đầu tư và 6 dự án đã chấp thuận đầu tư, nhưng chưa ban hành quyết định thu hồi, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất), nhà đầu tư sẽ thực hiện lại thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.

Với 5 dự án còn lại, trường hợp yêu cầu chủ đầu tư thực hiện lại thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư và công nhận chủ đầu tư theo Luật Nhà ở, thì phải hủy bỏ các quyết định thu hồi, giao đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất hoặc Nhà nước phải hoàn trả nghĩa vụ tài chính mà chủ đầu tư đã thực hiện.

“Việc này sẽ phát sinh yêu cầu về bồi thường nhà nước hoặc khiếu nại của chủ đầu tư. Do đó, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chủ đầu tư tiếp tục thực hiện hoàn tất các thủ tục đầu tư tiếp theo và triển khai thực hiện dự án theo quy định” ông Hiếu nói.

Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, quy định phải có 100% đất ở thì mới được chỉ định chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại là một trong những vướng mắc rất lớn và cũng là một nguyên nhân chủ yếu gây ách tắc thị trường bất động sản hiện nay.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top