Aa

Trách nhiệm của nhà thầu thi công xây dựng nhìn từ những vi phạm của Poliland

Thứ Năm, 23/07/2020 - 11:38

Khi nhà thầu vi phạm trong lúc thực hiện dự án sử dụng vốn ngân sách của Nhà nước thì chủ đầu tư phải có trách nhiệm báo cáo cấp quyết định đầu tư để điều chỉnh tiến độ tổng thể của dự án…

Trách nhiệm của nhà thầu thi công và mức phạt khi thi công chậm tiến độ

Trách nhiệm của nhà thầu thi công xây dựng hiện được quy định khá chặt chẽ trong các văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, tại Điều 25 Nghị định 15/2013/NĐ-CP quy định trách nhiệm này như sau:

1. Lập hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với quy mô công trình, trong đó quy định trách nhiệm của từng cá nhân, từng bộ phận đối với việc quản lý chất lượng công trình xây dựng.

2. Phân định trách nhiệm quản lý chất lượng công trình xây dựng giữa các bên trong trường hợp áp dụng hình thức tổng thầu thi công xây dựng công trình; tổng thầu thiết kế và thi công xây dựng công trình; tổng thầu thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình; tổng thầu lập dự án đầu tư xây dựng công trình, thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình và các hình thức tổng thầu khác (nếu có).

3. Bố trí nhân lực, cung cấp vật tư, thiết bị thi công theo yêu cầu của hợp đồng và quy định của pháp luật có liên quan.

4. Tiếp nhận và quản lý mặt bằng xây dựng, bảo quản mốc định vị và mốc giới công trình.

5. Lập và phê duyệt biện pháp thi công trong đó quy định rõ các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, máy, thiết bị và công trình tiến độ thi công, trừ trường hợp trong hợp đồng có quy định khác.

6. Thực hiện các công tác kiểm tra, thí nghiệm vật liệu, cấu kiện, vật tư, thiết bị công trình, thiết bị công nghệ trước khi xây dựng và lắp đặt vào công trình xây dựng theo quy định của tiêu chuẩn, yêu cầu của thiết kế và yêu cầu của hợp đồng xây dựng.

7. Thi công xây dựng theo đúng hợp đồng xây dựng, giấy phép xây dựng, thiết kế xây dựng công trình; đảm bảo chất lượng công trình và an toàn trong thi công xây dựng.

8. Thông báo kịp thời cho chủ đầu tư nếu phát hiện bất kỳ sai khác nào giữa thiết kế, hồ sơ hợp đồng và điều kiện hiện trường.

9. Sửa chữa sai sót, khiếm khuyết chất lượng đối với những công việc do mình thực hiện; chủ trì, phối hợp với chủ đầu tư khắc phục hậu quả sự cố trong quá trình thi công xây dựng công trình; lập báo cáo sự cố và phối hợp với các bên liên quan trong quá trình giám định nguyên nhân sự cố.

10. Lập nhật ký thi công xây dựng công trình theo quy định.

11. Lập bản vẽ hoàn công theo quy định.

12. Báo cáo chủ đầu tư về tiến độ, chất lượng, khối lượng, an toàn lao động và vệ sinh môi trường thi công xây dựng theo yêu cầu của chủ đầu tư.

13. Hoàn trả mặt bằng, di chuyển vật tư, máy móc, thiết bị và những tài sản khác của mình ra khỏi công trường sau khi công trình đã được nghiệm thu, bàn giao, trừ trường hợp trong hợp đồng có thỏa thuận khác.

Nhà phục hồi chức năng công trình xây dựng nhà phục hồi chức năng, nhà điều trị bệnh nhân và cải tạo nhà ở B1 cho bệnh nhân tâm thần đã hoàn thành nhưng nhà thầu chưa nghiệm thu để đưa vào sử dụng.

Để có thể đảm bảo được trách nhiệm trên, trước hết, nhà thầu phải đảm bảo được những tiêu chuẩn nhất định. Cụ thể:

Căn cứ vào Điều 57 Nghị định 59/2015/NĐ-CP về điều kiện hoạt động xây dựng của tổ chức:

“Điều 57. Điều kiện chung

1. Có giấy đăng ký kinh doanh hoặc quyết định thành lập của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

2. Nội dung đăng ký cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng phải phù hợp với nội dung đăng ký kinh doanh hoặc quyết định thành lập của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

3. Những cá nhân đảm nhận chức danh chủ chốt phải có hợp đồng lao động với tổ chức đề nghị cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng.

4. Đối với các dự án, công trình có tính chất đặc thù như: Nhà máy điện hạt nhân, nhà máy sản xuất hóa chất độc hại, sản xuất vật liệu nổ, những cá nhân đảm nhận chức danh chủ chốt thì ngoài yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề tương ứng với loại công việc thực hiện còn phải được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực đặc thù của dự án.

5. Chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức có hiệu lực tối đa trong thời hạn 5 (năm) năm. Trong thời hạn 20 (hai mươi) ngày kể từ ngày có thay đổi, hết hiệu lực thì phải làm thủ tục cấp lại.”

Đối với tổ chức thi công xây dựng công trình, chứng chỉ năng lực được xếp hạng theo Điều 65 Nghị định 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 06 năm 2015 như sau:

1. Hạng I:

a) Có ít nhất 3 (ba) người đủ điều kiện năng lực làm chỉ huy trưởng công trường hạng I cùng loại công trình xây dựng;

b) Những người phụ trách thi công lĩnh vực chuyên môn có trình độ đại học hoặc cao đẳng nghề phù hợp với công việc đảm nhận và thời gian công tác ít nhất 3 (ba) năm đối với trình độ đại học, 5 (năm) năm đối với trình độ cao đẳng nghề;

c) Có ít nhất 15 (mười lăm) người trong hệ thống quản lý chất lượng, quản lý an toàn lao động có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với loại công trình;

d) Có ít nhất 30 (ba mươi) công nhân kỹ thuật có chứng chỉ bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với nội dung đăng ký cấp chứng chỉ năng lực;

đ) Có khả năng huy động đủ số lượng máy móc thiết bị chủ yếu đáp ứng yêu cầu thi công xây dựng các công trình phù hợp với công việc tham gia đảm nhận;

e) Đã thực hiện thầu chính thi công ít nhất 1 (một) công trình cấp I hoặc 2 (hai) công trình cấp II cùng loại.

2. Hạng II:

a) Có ít nhất 2 (hai) người đủ điều kiện năng lực làm chỉ huy trưởng công trường hạng II cùng loại công trình xây dựng;

b) Những người phụ trách thi công lĩnh vực chuyên môn có trình độ cao đẳng, cao đẳng nghề, trung cấp nghề phù hợp với công việc đảm nhận và thời gian công tác ít nhất 3 (ba) năm;

c) Có ít nhất 10 (mười) người trong hệ thống quản lý chất lượng, quản lý an toàn lao động có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với loại công trình;

d) Có ít nhất 20 (hai mươi) công nhân kỹ thuật có chứng chỉ bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với nội dung đăng ký cấp chứng chỉ năng lực;

đ) Đã thực hiện thầu chính thi công ít nhất 1 (một) công trình cấp II hoặc 2 (hai) công trình cấp III cùng loại.

3. Hạng III:

a) Có ít nhất 1 (một) người đủ điều kiện năng lực làm chỉ huy trưởng công trường hạng III cùng loại công trình xây dựng;

b) Những người phụ trách thi công lĩnh vực chuyên môn có trình độ nghề phù hợp với công việc đảm nhận;

c) Có ít nhất 5 (năm) người trong hệ thống quản lý chất lượng, quản lý an toàn lao động có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với loại công trình;

d) Có ít nhất 5 (năm) công nhân kỹ thuật có chứng chỉ bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với nội dung đăng ký cấp chứng chỉ năng lực.

4. Phạm vi hoạt động:

a) Hạng I: Được thi công xây dựng tất cả các cấp công trình cùng loại;

b) Hạng II: Được thi công xây dựng công trình từ cấp II trở xuống cùng loại;

c) Hạng III: Được thi công xây dựng công trình từ cấp III trở xuống cùng loại”.

Căn cứ pháp lý của mức phạt thầu khi thi công chậm tiến độ

Theo luật sư Nguyễn Duy Hội, Công ty Luật TNHH Everest, phạt hợp đồng xây dựng, bồi thường thiệt hại do vi phạm và giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng được quy định như sau: Đối với công trình xây dựng sử dụng vốn Nhà nước, mức phạt hợp đồng không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm. 

Ngoài mức phạt theo thỏa thuận, bên vi phạm hợp đồng còn phải bồi thường thiệt hại cho bên kia, bên thứ ba (nếu có) theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan khác. 

Bên nhận thầu phải bồi thường thiệt hại cho bên giao thầu trong các trường hợp sau: 

a- Chất lượng công việc không bảo đảm với thỏa thuận trong hợp đồng hoặc kéo dài thời hạn hoàn thành do lỗi của bên nhận thầu gây ra;

b- Do nguyên nhân của bên nhận thầu dẫn tới gây thiệt hại cho người và tài sản trong thời hạn bảo hành.

Bên giao thầu phải bồi thường cho bên nhận thầu trong các trường hợp sau:

a- Do nguyên nhân của bên giao thầu dẫn tới công việc theo hợp đồng bị gián đoạn, thực hiện chậm tiến độ, gặp rủi ro, điều phối máy, thiết bị, vật liệu và cấu kiện tồn kho cho bên nhận thầu;

b- Bên giao thầu cung cấp tài liệu, điều kiện cần thiết cho công việc không đúng với các thỏa thuận trong hợp đồng làm cho bên nhận thầu phải thi công lại, tạm dừng hoặc sửa đổi công việc;

c- Trường hợp trong hợp đồng xây dựng quy định bên giao thầu cung cấp nguyên vật liệu, thiết bị, các yêu cầu khác mà cung cấp không đúng thời gian và yêu cầu theo quy định;

d- Bên giao thầu chậm thanh toán theo thỏa thuận trong hợp đồng.

Trường hợp một bên không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng hoặc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng không phù hợp với quy định thì sau khi thực hiện nghĩa vụ hoặc áp dụng biện pháp sửa chữa còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu bên kia còn bị những thiệt hại khác, mức bồi thường thiệt hại phải tương đương với mức tổn thất của bên kia.

Trường hợp một bên vi phạm hợp đồng do nguyên nhân của bên thứ ba, bên vi phạm phải chịu trách nhiệm vi phạm hợp đồng trước bên kia. Tranh chấp giữa bên vi phạm với bên thứ ba được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Trường hợp hành vi vi phạm hợp đồng của một bên xâm hại tới thân thể, quyền lợi, tài sản của bên kia, bên bị tổn hại có quyền yêu cầu bên kia gánh chịu trách nhiệm vi phạm hợp đồng theo thỏa thuận trong hợp đồng và quy định của pháp luật có liên quan.

Nguyên tắc và trình tự giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng được quy định như sau:

a- Tôn trọng các thỏa thuận hợp đồng và các cam kết trong quá trình thực hiện hợp đồng, bảo đảm bình đẳng và hợp tác;

b- Các bên hợp đồng có trách nhiệm tự thương lượng giải quyết tranh chấp. Trường hợp các bên hợp đồng không tự thương lượng được thì tranh chấp được giải quyết thông qua hòa giải, trọng tài thương mại hoặc tòa án theo quy định của pháp luật" (theo Điều 146 Luật Xây dựng năm 2014)

Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/04/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng, quy định:

Thưởng hợp đồng, phạt vi phạm hợp đồng:"Việc thưởng hợp đồng, phạt vi phạm hợp đồng thực hiện theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều 146 Luật xây dựng số 50/2014/QH13". (theo Điều 42)

Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng xây dựng: "1- Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng thực hiện theo quy định từ Khoản 3 đến Khoản 7 Điều 146 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, các quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan. 2- Trường hợp, bên giao thầu thanh toán không đúng thời hạn và không đầy đủ theo thỏa thuận trong hợp đồng thì phải bồi thường cho bên nhận thầu theo lãi suất quá hạn do ngân hàng thương mại nơi bên nhận thầu mở tài khoản thanh toán công bố tương ứng với các thời kỳ chậm thanh toán. Lãi chậm thanh toán được tính từ ngày đầu tiên chậm thanh toán cho đến khi bên giao thầu đã thanh toán đầy đủ cho bên nhận thầu, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác." (theo Điều 43)

Mức phạt vi phạm: "Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này" (theo Điều 301 Luật Thương mại năm 2005).

Trách nhiệm của nhà thầu thi công xây dựng nhìn từ những vi phạm của Poliland

Liên quan đến công trình xây dựng nhà phục hồi chức năng, nhà điều trị bệnh nhân và cải tạo nhà ở B1 cho bệnh nhân tâm thần thuộc Đề án Mô hình cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí tại Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội, Reatimes đã tiến hành khảo sát và lấy ý kiến các luật sư phân tích về những vi phạm tại dự án này. 

Đây cũng là đề án Mô hình cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí tại Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội có tổng mức đầu tư 12.883.037.000 đồng, do Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội làm chủ đầu tư, Công ty Cổ phần Poliland làm nhà thầu.

Trước hết, theo luật sư Nguyễn Đức Long - Trưởng văn phòng luật sư Đức Tín, thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, đối với công trình thuộc dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước thì tiến độ thi công xây dựng không được vượt quá thời gian thi công xây dựng công trình đã được người quyết định đầu tư phê duyệt. Nhà thầu thi công vi phạm về tiến độ xây dựng thì chủ đầu tư phải báo cáo người quyết định đầu tư quyết định điều chỉnh tiến độ tổng thể của dự án.

Điều 32 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP quy định về Quản lý tiến độ thi công xây dựng công trình:

“1. Công trình xây dựng trước khi triển khai phải có tiến độ thi công xây dựng. Tiến độ thi công xây dựng công trình do nhà thầu lập phải phù hợp với tiến độ tổng thể của dự án được chủ đầu tư chấp thuận.

2. Đối với công trình xây dựng có quy mô lớn và thời gian thi công kéo dài thì tiến độ xây dựng công trình được lập cho từng giai đoạn theo tháng, quý, năm.

3. Chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng, tư vấn giám sát thi công xây dựng và các bên có liên quan có trách nhiệm theo dõi, giám sát tiến độ thi công xây dựng công trình và điều chỉnh tiến độ trong trường hợp tiến độ thi công xây dựng ở một số giai đoạn bị kéo dài nhưng không được làm ảnh hưởng đến tiến độ tổng thể của dự án.

4. Trường hợp xét thấy tiến độ tổng thể của dự án bị kéo dài thì chủ đầu tư phải báo cáo người quyết định đầu tư quyết định điều chỉnh tiến độ tổng thể của dự án”.

“Trong trường hợp này, Công ty cổ phần Poliland vi phạm về tiến độ xây dựng công trình, bàn thân chủ đầu tư - Trung tâm chăm sóc và Nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội phải báo cáo đến cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư quyết định điều chỉnh tiến độ tổng thể của dự án. Trường hợp không báo cáo là vi phạm pháp luật", luật sư Nguyễn Đức Long nhận định.

Mặt khác, theo luật sư Long, trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc quản lý khối lượng thi công xây dựng công trình cần phải chặt chẽ, rõ ràng theo giai đoạn. Ngoài việc giám sát tiến độ thi công xây dựng, chủ đầu tư phải có trách nhiệm giám sát về chất lượng, khối lượng công trình xây dựng. Từ đó làm căn cứ cho việc thanh toán khối lượng hoàn thành theo tiến độ thực hiện hợp đồng xây dựng.

Nếu Công ty cổ phần Poliland không thực hiện nốt khối lượng công việc, cũng như nghiệm thu công trình xây dựng. Trong khi đó, Trung tâm chăm sóc và Nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội đã thanh toán vượt quá khối lượng công việc mà Công ty cổ phần Poliland thì chủ đầu tư đã có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý vốn đầu tư xây dựng từ ngân sách nhà nước.

Luật sư Nguyễn Đức Long cho biết: “Vì vậy, cần phải xem xét trách nhiệm của chủ đầu tư đối với việc báo cáo người quyết định đầu tư và trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc quản lý vốn đầu tư xây dựng từ ngân sách Nhà nước".

Luật sư Nguyễn Đức Long - Trưởng văn phòng Luật sư Đức Tín.

Đáng lý ra, khi phát hiện Công ty cổ phần Poliland vi phạm tiến độ xây dựng công trình, Trung tâm chăm sóc và Nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội có thể báo cáo đến cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư; Đồng thời, có thể đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng với Công ty cổ phần Poliland, khởi kiện để yêu cầu Tòa án có thẩm quyền buộc Công ty cổ phần Poliland phải hoàn trả số tiền thanh toán vượt quá khối lượng công việc, yêu cầu phạt vi phạm hợp đồng, bồi thường thiệt hại (nếu có) và mời nhà thầu thi công khác thực hiện tiếp việc xây dựng công trình.

Như chúng tôi đã phản ánh trước đó, ngày 16/06/2020, chủ đầu tư đã có công văn số 137/TTCS&NDNTT gửi Giám đốc Công ty Cổ phần Poliland, trong đó có thể hiện rõ thông tin hợp đồng được ký kết giữa hai bên và số tiền mà trung tâm đã tạm ứng cho đơn vị nhà thầu là 6.840.000.000 đồng. Trước đó, ngày 20/02/2020, công văn số 42/TTCS&NDNTT với nội dung tương tự cũng đã được chủ đầu tư gửi cho Công ty Cổ phần Poliland nhưng đơn vị này không hề có động thái phản hồi nào.

Ngày 13 và ngày 19/02/2020, chủ đầu tư đã mời Ban Quản lý dự án, thiết kế, giám sát công trình, Phòng kiểm định chất lượng công trình xây dựng tỉnh Phú Thọ tham dự buổi làm việc để tiến hành đánh giá tiến độ thi công, xác định khối lượng thực hiện, kiểm tra các vị trí và mức độ thiệt hại, an toàn của những chân cột hiên bị cắt…

Ngay chủ đầu tư dự án cũng không hiểu vì lý do gì mà quá thời hạn hơn một năm, xong Công ty Cổ phần Poliland vẫn chưa thể nghiệm thu cho ra "sản phẩm" đúng như cam kết ban đầu với chủ đầu tư; chất lượng công trình bộc lộ nhiều yếu kém, gây hoang mang dư luận?! Không những thế, hàng loạt các vi phạm nghiêm trọng này cũng đã được Trung tâm chăm sóc và Nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội phát hiện nhưng chỉ báo cáo trực tiếp (không có văn bản - PV) đến các cấp có thẩm quyền? Liệu rằng những sản phẩm công trình kiểu này có gây thất thoát, lãng phí ngân sách của Nhà nước? Cán sở, ban, ngành và đặc biệt, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cần vào cuộc để thanh, kiểm tra, tránh tình trạng những công trình dùng ngân sách của Nhà nước không đảm bảo an toàn khi sử dụng.

Theo Điều 33 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP quy định về Quản lý khối lượng thi công xây dựng công trình

“1. Việc thi công xây dựng công trình phải được thực hiện theo khối lượng của thiết kế được duyệt.

2. Khối lượng thi công xây dựng được tính toán, xác nhận giữa chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng, tư vấn giám sát theo thời gian hoặc giai đoạn thi công và được đối chiếu với khối lượng thiết kế được duyệt để làm cơ sở nghiệm thu, thanh toán theo hợp đồng.

3. Khi có khối lượng phát sinh ngoài thiết kế, dự toán xây dựng công trình được duyệt thì chủ đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng phải xem xét để xử lý.

Khối lượng phát sinh được chủ đầu tư hoặc người quyết định đầu tư chấp thuận, phê duyệt là cơ sở để thanh toán, quyết toán công trình.

4. Nghiêm cấm việc khai khống, khai tăng khối lượng hoặc thông đồng giữa các bên tham gia dẫn đến làm sai khối lượng thanh toán”.

Reatimes sẽ tiếp tục khảo sát và phân tích, đưa ra kiến nghị trong các bài sau./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top