Năng lực nhà thầu có vấn đề?
Theo nội dung đơn tố cáo gửi đến Reatimes, công trình xây dựng nhà phục hồi chức năng, nhà điều trị bệnh nhân và cải tạo nhà ở B1 cho bệnh nhân tâm thần thuộc Đề án Mô hình cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí tại Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội có tổng mức đầu tư 12.883.037.000 đồng, do Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội làm chủ đầu tư, Công ty Cổ phần Poliland làm nhà thầu. Công trình có 3 hạng mục: Nhà điều trị (nhà y tế); nhà phục hồi chức năng; cải tạo nhà ở bệnh nhân (B1).
Ngày 22/12/2018, Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội và Công ty Cổ phần Poliland đã ký hợp đồng xây dựng công trình này. Thời gian thực hiện là 120 ngày kể từ ngày ký hợp đồng.
Tuy nhiên, đã quá thời hạn hơn một năm, xong Công ty Cổ phần Poliland vẫn chưa thể cho ra "sản phẩm" đúng như cam kết ban đầu với chủ đầu tư; chất lượng công trình bộc lộ nhiều yếu kém, gây hoang mang dư luận.
Cũng theo nội dung đơn tố cáo, hàng loạt các vi phạm nghiêm trọng như: Vật liệu đầu vào có chất lượng không đúng theo mẫu đã cam kết; phần bê tông sàn mái (nhà điều trị) đã đổ có hiện tượng nứt, thấm dột tại nhiều vị trí; phần sê - nô mái (nhà điều trị) không đúng kích thước hình học theo thiết kế (cong, nghiêng, vặn vỏ đỗ); hệ thống giáo chống, cốp pha, đà giáo phần mái còn lại nhà điều trị không đảm bảo an toàn và chất lượng thi công; tiến độ thi công không đảm bảo theo cam kết.
Đặc biệt tại nhà phục hồi chức năng, trong quá trình thi công, hệ thống các cột bê tông cốt thép của nhà bị lệch tâm. Đến phần hoàn thiện, nhà thầu đã để thợ cắt sắt 3 chân cột hiên, việc này ảnh hưởng lớn tới kết cấu và chất lượng công trình, không đảm bảo an toàn khi sử dụng. Khi sự việc bị cán bộ của Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội phát hiện và báo cáo phản ánh lên Ban Giám đốc, chủ đầu tư đã buộc phải mời các bên liên quan vào để giám định và cho khắc phục sự cố.
Đại diện Trung tâm cho biết: "Nhà thầu ban đầu làm rất tốt, càng về sau càng chậm và để phát sinh ra rất nhiều lỗi liên quan đến chất lượng của công trình. Đặc biệt vào tháng 2/2020, trong quá trình thợ làm đá để làm bậc nhà thì các thanh sắt chìa ra, không có hướng xử lý khác nên phải cắt đi dẫn đến ảnh hưởng tới tiến độ công trình.
Công ty Poliland chây ì… không nghiệm thu dự án?
Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội đã rất nhiều lần gửi các văn bản yêu cầu đơn vị nhà thầu là Công ty Cổ phần Poliland thực hiện nốt khối lượng công việc và nghiệm thu công trình xây dựng nhưng đơn vị này cố tình tỏ ra chây ì và không thực hiện.
Cụ thể, ngày 16/06/2020, chủ đầu tư đã có công văn số 137/TTCS&NDNTT gửi Giám đốc Công ty Cổ phần Poliland, trong đó có thể hiện rõ thông tin hợp đồng được ký kết giữa hai bên và số tiền mà trung tâm đã tạm ứng cho đơn vị nhà thầu là 6.840.000.000 đồng.
“Đến nay, Công ty Cổ phần Poliland đã thực hiện xong phần cải tạo nhà ở của đối tượng, nhà phục hồi chức năng và một phần nhà điều trị. Tuy nhiên so với số tiền mà đơn vị đã tạm ứng cho nhà thầu để thực hiện cải tạo, sửa chữa, xây dựng, thì khối lượng công việc của nhà điều trị còn thiếu phần đổ đất san nền.
Vậy, Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội đề nghị Công ty Cổ phần Poliland thực hiện nốt khối lượng còn lại là đổ đất san nền nhà điều trị… Đồng thời đề nghị công ty cùng với chủ đầu tư tiến hành nghiệm thu, bàn giao và thanh toán phần khối lượng đã thực hiện đảm bảo đúng các quy định của pháp luật”, công văn nêu rõ.
Trước đó, ngày 20/02/2020, công văn số 42/TTCS&NDNTT với nội dung tương tự cũng đã được chủ đầu tư gửi cho Công ty Cổ phần Poliland nhưng đơn vị này không hề có động thái phản hồi nào.
“Ngày 13 và ngày 19/02/2020, chủ đầu tư đã mời Ban Quản lý dự án, thiết kế, giám sát công trình, Phòng kiểm định chất lượng công trình xây dựng tỉnh Phú Thọ tham dự buổi làm việc để tiến hành đánh giá tiến độ thi công, xác định khối lượng thực hiện, kiểm tra các vị trí và mức độ thiệt hại, an toàn của những chân cột hiên bị cắt… Yêu cầu Công ty Poliland nghiêm túc thực hiện phần khối lượng xây lắp còn lại tương ứng với giá trị mà chủ đầu tư đã tạm ứng”, công văn nêu rõ.
Những hạng mục chưa được hoàn thiện, chất lượng kết cấu công trình không được đảm bảo cũng đã được chủ đầu tư nêu ra trong công văn và yêu cầu nhà thầu khắc phục, hoàn thành phần việc còn lại nhưng đơn vị này gần như “bặt vô âm tín”.
Theo một cán bộ tại Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội, đây là công trình mang tính nhân đạo, nhưng lại bộc lộ những điểm “thiếu nhân đạo” bởi sự kéo dài thời gian xây dựng và để xảy ra nhiều sai phạm. Trước những thực trạng nêu trên, công trình có nguy cơ sập đổ, gây mất an toàn lao động.
Không chỉ vậy, chủ đầu tư đã nhiều lần liên lạc điện thoại đề nghị nhà thầu và đội trưởng thi công đến để phối hợp nghiệm thu và bàn giao công trình nhưng không nhận được sự hợp tác.
Cũng theo Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội, trong hợp đồng thi công xây dựng công trình số 68/2018/HĐ-PLL được ký kết giữa hai bên, tại Điều 7 có ghi rõ: “7.1 - Ngày khởi công công trình là 22/12/2018. Bên nhận thầu sẽ bắt đầu tiến hành thi công xây dựng công trình và sẽ thực hiện thi công xây dựng công trình đúng thời gian thực hiện hợp đồng mà không được chậm trễ. Bên nhận thầu phải hoàn thành toàn bộ công việc theo nội dung của hợp đồng trong khoảng thời gian 120 ngày kế từ ngày hợp đồng có hiệu lực”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, công trình này nằm trong kế hoạch số 208/KH-UBND năm 2014 thực hiện "Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2020", dựa trên quy định tại thông tư liên tịch số 115/2012/TTLT-BTC-BLĐTBXH của Bộ Tài chính và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Có thể việc chậm hoàn thành các công trình theo hợp đồng chính là một trong những nguyên nhân chính khiến Bộ Tài chính cắt nguồn vốn xây dựng công trình này. Hiện theo tài liệu chúng tôi có được, đơn vị chủ đầu tư đã ứng cho bên thi công số tiền tương ứng với khối lượng công việc đã cam kết trong hợp đồng.
Trước sự việc mang tính chất nghiêm trọng này, thiết nghĩ Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội đã đến lúc cần báo cáo Bộ Tài chính về tình hình thực tế của công trình này.
Không chỉ vậy, các ngành chức năng cần sớm xem xét trách nhiệm của nhà thầu, đồng thời xem xét việc cấp giấy xác nhận năng lực hoạt động của nhà thầu để tạo ra một môi trường trong sạch trong thi công xây dựng nói riêng và hoạt động xây dựng nói chung.