Aa

Trách nhiệm hợp đồng và trách nhiệm của lương tri

Thứ Năm, 13/08/2020 - 16:19

Nguồn ngân sách Nhà nước chi cho việc xây dựng công trình cho người tâm thần tương đối lớn, xong việc thực thi còn thể hiện nhiều bất cập. Điển hình là công trình do Công ty Cổ phần Poliland xây dựng.

Thiếu những ngôi nhà thứ 2

Hiện nay, số lượng người bệnh tâm thần và cán bộ mất trí nhớ trên địa bàn Hà Nội có xu hướng tăng. Nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người bệnh ngày càng lớn, nhưng công tác quản lý, điều trị cho đối tượng này còn gặp nhiều khó khăn. Một trong những khó khăn chính là việc thiếu hụt cơ sở vật chất, công trình nhà ở cho họ.

Số liệu từ Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), do ảnh hưởng của đời sống và ô nhiễm môi trường, cùng với hạn chế của hệ thống dịch vụ công tác xã hội, số người bị rối nhiễu tâm trí vẫn tăng. Dự kiến đến năm 2020, số lượng bệnh nhân sẽ ở mức khoảng hơn 10 triệu người rối nhiễu tâm trí. Trong đó, số người bệnh tâm thần thuộc diện bảo trợ xã hội ước tính khoảng 2,5% số người rối nhiễu tâm trí, tương đương 250 nghìn người. Điều này cũng tạo sức ép lớn về công tác trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần, người rối nhiễu tâm trí trong nước.

Thực tế cho thấy nhiều trung tâm chữa bệnh hiện nay chưa đạt đủ tiêu chuẩn về cơ sở vật chất. Có trung tâm chưa đạt chuẩn điều trị về cơ sở vật chất như diện tích phải 100m2/đối tượng, diện tích phòng ở tối thiểu 8m2/người bệnh, có khu vệ sinh đạt chuẩn. Với những số liệu này có thể thấy, nhu cầu về cơ sở chữa bệnh, nhà ở cho những người bệnh này ngày càng cần hơn bao giờ hết.

Thực tế cho thấy nhiều trung tâm chữa bệnh hiện nay chưa đạt đủ tiêu chuẩn về cơ sở vật chất.

Người bệnh tâm thần là những bệnh nhân đặc biệt. Vì lẽ đó, đòi hỏi rất cần phải có những công trình nhà ở, khám và chữa trị đầy tình nhân đạo, không kỳ thị, coi thường người bệnh. Những công trình điều trị an toàn về chất lượng sẽ giúp người bệnh vượt qua được những mặc cảm bệnh tật, vượt qua mọi khủng hoảng, lo âu, tuân thủ phác đồ điều trị của các y, bác sỹ.

Trong những năm qua Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm chỉ đạo và đầu tư nguồn lực cho vấn đề này. Bên cạnh các chủ trương, chính sách của Nhà nước, Thành ủy, HĐND, UBND TP. Hà Nội cũng luôn quan tâm chỉ đạo ban hành các chính sách an sinh xã hội trợ giúp các đối tượng này. Trong đó có kế hoạch số 208/KH-UBND năm 2014 thực hiện “Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng trên địa bàn TP. Hà Nội đến năm 2020”. Một phần nội dung kế hoạch, Hà Nội tập trung xây dựng và phát triển mô hình cơ sở phòng và trị liệu, đầu tư nâng cấp, mở rộng quy mô và nâng công suất tại một số cơ sở.

Hiện thực hoá kế hoạch, 22/12/2018, Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội và Công ty Cổ phần Poliland đã ký hợp đồng xây dựng công trình xây dựng nhà phục hồi chức năng, nhà điều trị bệnh nhân và cải tạo nhà ở B1 cho bệnh nhân tâm thần có tổng mức đầu tư 12.883.037.000. Thời gian thực hiện là 120 ngày kể từ ngày ký hợp đồng.

Với đề án và công trình này, lãnh đạo Hà Nội, các y bác sĩ và người nhà bệnh nhân đã đặt ra nhiều niềm tin và kỳ vọng về một nơi ở, chữa bệnh mới - ngôi nhà thứ hai cho người bệnh. Nhưng đáng tiếc là công trình này đã trễ hạn 1 năm về đích do những vi phạm từ phía nhà thầu là Công ty Cổ phần Poliland.

Với những sai phạm trong quá trình xây dựng, Công ty Cổ phần Poliland đã vi phạm những thoả thuận về cam kết thực thi công trình như: sai sót, hư hỏng.

Giới phân tích cho rằng, nhiều năm qua, Hà Nội là một trong những địa phương luôn dành nhiều sự quan tâm đến việc điều trị cho bệnh nhân tâm thần đặc biệt là việc đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng khám chữa bệnh để chăm sóc người tâm thần, nhằm giúp người bệnh mau chóng khỏi bệnh sớm ổn định cuộc sống. Song chỉ vì việc nhà thầu thiếu trách nhiệm trong quá trình xây dựng đã chậm trễ và không hoàn thành theo đúng thời hạn yêu cầu của chủ đầu tư, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới công tác điều hành, quản lý tiến độ, chất lượng dự án phục vụ khám chữa, nơi ở cho bệnh nhân.

Tại sao một công trình thuộc dạng đặc biệt, và được mong mỏi như vậy lại chậm tiến độ, chưa được nghiệm thu trong khi người bệnh mong mỏi từng ngày? Theo như ghi nhận từ nội dung đơn tố cáo gửi tới Reatimes, hàng loạt các vi phạm nghiêm trọng đã xảy ra tại công trình này như: Vật liệu đầu vào có chất lượng không đúng theo mẫu đã cam kết; phần bê tông sàn mái (nhà điều trị) đã đổ có hiện tượng nứt, thấm dột tại nhiều vị trí; phần sê - nô mái (nhà điều trị) không đúng kích thước hình học theo thiết kế (cong, nghiêng, vặn vỏ đỗ); hệ thống giáo chống, cốt-pha, đà giáo phần mái còn lại nhà điều trị không đảm bảo an toàn và chất lượng thi công; tiến độ thi công không đảm bảo theo cam kết.

Đặc biệt tại nhà phục hồi chức năng, trong quá trình thi công, hệ thống các cột bê tông cốt thép của nhà bị lệch tâm. Đến phần hoàn thiện, nhà thầu đã để thợ cắt sắt 3 chân cột hiên, việc này ảnh hưởng lớn tới kết cấu và chất lượng công trình, không đảm bảo an toàn khi sử dụng. Với những sai phạm trong quá trình xây dựng, Công ty Cổ phần Poliland đã vi phạm những thoả thuận về cam kết thực thi công trình như: sai sót, hư hỏng.

Hiện tượng “con sâu là rầu nồi canh”

Ghi nhận những trường hợp công trình bệnh viện chậm tiến độ, công trình của Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội chỉ là một trường hợp. Trước đó cũng phải kể đến các điển hình khác như dự án Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2 ở Hà Nam. Nhiều công trình dang dở, không đưa vào sử dụng được. Nói về việc chậm trễ dự án của các bệnh viện, giới chuyên gia từng nhấn mạnh rằng, trong khi nhu cầu xã hội về y tế rất lớn, thì việc chậm tiến độ của dự án phải được chỉ đạo làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm.

Nhà phục hồi chức năng đã hoàn thành nhưng nhà thầu chưa nghiệm thu để đưa vào sử dụng.

Với trường hợp công trình của Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội, giới luật sư đã chỉ rất rõ, trong hợp đồng và bản cam kết thực thi công trình đã thể hiện rất rõ thời gian bàn giao công trình. Việc bàn giao và nghiệm thu công trình có vốn lớn đã được quy định rất rõ trong văn bản quy phạm pháp luật. 

Ở đây cần phải nói thẳng, nếu đơn vị thực thi xây dựng chất lượng công trình tốt thì không ngại gì khi bàn giao công trình cho đơn vị sử dụng công trình. Thế nhưng, do công tác quản lý chất lượng không chặt chẽ nên nguy cơ không bàn giao được công trình cho Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội đã xảy ra.

Nhưng việc chậm về đích của công trình đã trễ hàng năm trời như vậy, Công ty Cổ phần Poliland vẫn không thể đưa ra hướng khắc phục, phương án sửa sai, bồi thường để công trình có thể nghiệm thu đi vào sử dụng. Câu hỏi đặt ra là có hay chăng sự lãng quên của các cán bộ quản lý công trình? 

Họ đã ở đâu khi công trình sai ngay từ khi bắt đầu xây dựng? Các đơn vị chức năng, quản lý nguồn vốn như Sở Lao động thương binh và Xã hội, Bộ Lao động, Bộ Tài chính đã nắm được việc này hay chưa? Thiết nghĩ, cần lắm sự vào cuộc của các đơn vị chức năng để người tâm thần Hà Nội sớm được về với ngôi nhà của mình.

Trả lời phóng viên, ông Hoàng Thành Thái, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hà Nội cho biết sẽ chuyển hồ sơ các thủ tục của công trình cho phòng Tài chính là nơi tham mưu về các đơn thị thực thi công trình dự án để nắm bắt và trả lời các cơ quan truyền thông trong thời gian sớm nhất. Ông cũng đang yêu cầu các đơn vị phải báo cáo lại các thông tin.

Ông Thái cũng cho hay, thực chất những đơn vị được giao làm chủ đầu tư luôn chủ động và trực tiếp nắm bắt các thông tin. Tuy nhiên, Sở đang tập trung vào việc phòng chống dịch Covid-19 nên có những thông tin Sở có được sẽ trả lời bằng văn bản trong thời gian tới. 

Công trình nhà y tế thi công dang dở.

Chia sẻ với Reatimes, một chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực xây dựng thuộc Tổng hội Xây dựng Hà Nội phân tích với các công trình lớn như nhà ở xã hội, đường cao tốc, sự chậm trễ có thể đến từ các nguyên nhân lớn như là thiếu quỹ đất và thiếu vốn, đền bù giải phòng mặt bằng. Còn với công trình như Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội số vốn cũng không hề nhỏ và dựa trên các thông tin từ hồ sơ có thể khẳng định nguyên nhân là sự gian dối, “làm ăn liều” của nhà thầu xây dựng, tắc trách trong quá trình giám sát quản lý xây dựng công trình. Trách nhiệm của nhà thầu thi công xây dựng đã được quy định rất rõ tại Điều 25 Nghị định 15/2013/NĐ-CP. Do đó, các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý có thể căn cứ vào những sai phạm của nhà thầu trong thực hiện công trình để xử phạt.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh: “Các công trình xã hội như trường học, bệnh viện cần phải thực hiện đúng tiến, đảm bảo chất lượng. Công trình cho bệnh nhân tâm thần thuộc càng thuộc vào dạng công trình cần hoàn thiện đúng thời gian để phục vụ bệnh nhân, đảm bảo chữa trị nhanh chóng cho họ. Bởi đây là những người bệnh có khả năng gây nguy hiểm cho xã hội. Bệnh viện làm tốt bao nhiêu, nhưng chỉ vì nơi khám bệnh, chỗ ở cho bệnh nhân có tiếng xấu sẽ làm ảnh hưởng đến cả bệnh viện. Đây rõ ràng hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”.

Ngoài ra, vị chuyên gia này cho hay, từng cá nhân, tập thể của Công ty Cổ phần Poliland phải chịu trách nhiệm khi công trình chậm tiến độ. Bởi muốn cho công trình đúng tiến độ cần phải siết chặt kỷ luật với hai hình thức xử lý cụ thể đó là phạt về kinh tế và phạt về trách nhiệm quản lý của người đứng đầu.

Đánh giá chung về câu chuyện chậm tiến độ của các công trình tại Hà Nội, PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho hay: “Việc các dự án chậm tiến độ có tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài việc lãng phí tài nguyên đất đai, tăng chi phí, ảnh hưởng đến các hoạt động của chủ đầu tư thì còn tác động tiêu cực tới sự phát triển xã hội. Nhưng thiệt hại lớn nhất về mặt tinh thần là làm giảm niềm tin của người dân vào tính hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước”.

PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, với dự án chậm trễ, gây lãng phí, có thể mời cơ quan điều tra để tìm nguyên nhân và quy trách nhiệm rõ ràng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top