Aa

Trách nhiệm lãnh đạo phường Bồ Đề đến đâu khi dự án bệnh viện thành bãi xe?

Thứ Hai, 14/09/2020 - 08:36

Dự án bệnh viện tại lô C2-2/CCK02 phường Bồ Đề (quận Long Biên) đã 10 năm vẫn nằm trên giấy giờ đã ung dung khoác một “tấm áo tôn” ngầm kinh doanh bãi trông giữ xe.

Lời dẫn: Nhiều năm qua, những sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng đã trở thành vấn đề nhức nhối tại Hà Nội. Trước tình trạng này, mới đây chính quyền thành phố đã có những động thái mạnh mẽ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai.

Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền Thủ đô trong công cuộc chống sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng, chúng tôi sẽ phản ánh đến độc giả những thông tin trung thực, chính xác nhất về công tác xử lý, khắc phục các vi phạm trên tại địa bàn Hà Nội. Tin rằng, với những hành động quyết liệt từ bộ máy chính quyền thành phố, các sai phạm này sẽ được xử lý triệt để trong thời gian tới.

Xử lý dự án “bỏ hoang” ở  TP Hà Nội gây lãng phí tài nguyên đất

Thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm và siết chặt các chính sách quản lý sử dụng đất đai bởi thực tế những năm qua cho thấy số vụ việc sử dụng đất sai mục đích ngày càng tăng, thậm chí có nhiều trường hợp ngang nhiên xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp mà không bị phát hiện, xử lý.

Pháp luật đất đai quy định chế tài xử phạt hành vi sử dụng đất sai mục đích chủ yếu là xử phạt hành chính và buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu của đất. Tuy nhiên nếu không thực hiện có thể áp dụng biện pháp mạnh hơn là cưỡng chế, thu hồi đất.

Trên tuyến đường Hồng Tiến một điểm trông giữ xe được xây dựng trên đất Dự án bệnh viện tại lô C2-2/CCK02, phường Bồ Đề, thuộc quận Long Biên.

Hiện nay việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại các địa phương được thực hiện theo quy định pháp luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam, cụ thể như Luật xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Đất đai và các điều khoản luật khác có liên quan.

Theo Khoản 1 Điều 64 Luật đất đai số 45/2013/QH13 quy định các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai bao gồm: Đất được Nhà nước giao; cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư; kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng.

Trường hợp không đưa đất vào sử dụng, chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất… hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng; thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất; trừ trường hợp do bất khả kháng…

Sơ đồ dự án 1.000 năm Thăng Long của Công ty Ngàn Năm gần 10 năm qua vẫn nằm bất động trên giấy và giờ đây ung dung khoác một “tấm áo tôn” ngầm kinh doanh bãi trông giữ xe.

Khoản 4 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP.

4. Xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp (trừ trường hợp quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 7 Điều này) đối với trường hợp cấp phép xây dựng mới như sau:

a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị;

b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc xây dựng công trình khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm a, điểm c khoản này;

c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng.

Theo quy định tại khoản 6 Điều 36 Nghị định 167/2013/NĐ-CP: “Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi đưa nhà, công trình vào hoạt động, sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy”.

Cũng tại Nghị định này quy định về Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, trường hợp vi phạm hành vi hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy đến 50.000.000 đồng thuộc Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo điểm b khoản 3 Điều 67.

Nghị định số 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở đã quy định rất rõ phần xây dựng sai phạm trước tháng 10/2013 nếu phù hợp quy hoạch thì cho tồn tại nhưng chủ đầu tư phải đóng 40% lợi nhuận từ việc xây dựng sai phép mang lại, còn nếu không buộc phải tháo dỡ. Đối với công trình xây dựng sau tháng 10/2013, nếu vi phạm về xây dựng bắt buộc phải cưỡng chế, tháo dỡ phần xây dựng sai phạm.

Bằng cách nào đó, hàng ngàn m2 đất dự án được quây tôn, dựng các khung sắt, lợp tôn, chia ô, kẻ vạch, căng dây làm bãi trông xe. Đáng chú ý là phía trong điểm trông giữ xe này đều không có hệ thống phòng cháy chữa cháy, không có hệ thống thu gom rác, xử lý nước thải.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND TP Hà Nội kiểm tra, xử lý nội dung phản ánh hơn 300 dự án “treo”, “bỏ hoang” ở các địa bàn quận, huyện trên địa bàn Hà Nội gây lãng phí tài nguyên đất. Tuy nhiên, Dự án bệnh viện tại lô C2-2/CCK02 tại phường Bồ Đề (thuộc quận Long Biên) gần 10 năm vẫn nằm bất động trên giấy ung dung khoác một “tấm áo tôn” ngầm kinh doanh bãi trông giữ xe. 

Dự án bệnh viện được "hô biến" thành bãi xe - Lãnh đạo phường Bồ Đề không biết?

Ngày 16/5/2013, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hà Nội có Văn bản số 1402/QHKT-P3 về việc chấp thuận Quy hoạch tổng mặt bằng (QHTMB) Bệnh viện chuyên khoa ung bướu và tim mạch kĩ thuật cao Hà Nội ngàn năm (Bệnh viện KTC Hà Nội) tại phường Bồ Đề. Theo đó, thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội tại Công văn số 1763/UBND-QHXDGT ngày 7/3/2013, sau khi nghiên cứu quy hoạch tổng mặt bằng và phương án thiết kế sơ bộ do Công ty Ngàn năm lập tháng 4/2013.

Sở Quy hoạch Kiến trúc chấp thuận bản vẽ QHTMB Bệnh viện KTC Hà Nội như đề xuất: Diện tích đất nghiên cứu QHTMB là 11.364,18m2. Dự án có tổng quan phía Đông Bắc giáp khu Bệnh viện Tâm Anh, phía Đông Nam giáp đường quy hoạch mặt cắt 25m, phía Tây Nam giáp đường quy hoạch mặt cắt 40m, phía Tây Bắc giáp đường quy hoạch mặt cắt 22m, thuộc phường Bồ Đề.

Ngày 29/9/2014, Sở Tài nguyên và Môi trường có Văn bản số 5425/STNMT-KHTH gửi UBND quận Long Biên và Công ty Ngàn năm về thực hiện dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện KTC Hà Nội. 

Dự án Bệnh viện chuyên khoa ung bướu và phẫu thuật thẩm mĩ 1.000 năm Thăng Long tại lô C2-2/CCk02, phường Bồ Đề không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất và phải thực hiện nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án theo quy định của pháp luật.

Và gần 10 năm, khu đất “vàng” này tại phường Bồ Đề quận Long Biên vẫn bị bỏ hoang và được quây tôn kín mít. Đáng nói, dự án còn nằm trên giấy thì ai đã lấy đất để làm bãi trông giữ xe? Mỗi ngày hàng trăm lượt xe ra vào như vậy thì nguồn tiền thu trông giữ xe này sẽ về túi ai?

Một bãi gửi xe không phép tồn tại trên đất dự án nhiều năm, nằm trong khu dân cư và bệnh viện, phải chăng vì lợi ích phường Bồ Đề bất chấp giữ “quả bom nổ chậm” cạnh sự an nguy của nhiều người?

Trao đổi nhanh qua điện thoại với ông Nguyễn Văn Luyện - Chủ tịch UBND phường Bồ Đề thì phóng viên nhận được câu trả lời: “sẽ kiểm tra”. Như vậy, việc một điểm trông giữ xe nằm trên hàng nghìn m2 đất dự án bệnh viện và ngang nhiên hoạt động kinh doanh, thu phí mà lãnh đạo địa phương không hề hay biết? Trong khi đó, cư dân sinh sống trên địa bàn liên tiếp phản ánh, nhưng UBND phường Bồ Đề, UBND quận Long Biên không thể giải quyết. Phải chăng lãnh đạo địa phương chưa thực hiện được đầy đủ trách nhiệm mà Đảng và Nhà nước giao cho?

Về nguyên nhân dẫn đến những vi phạm xây dựng, sử dụng đất trên địa bàn Thủ đô còn kéo dài thời gian qua, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội - bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng nêu quan điểm, một phần là do lực lượng Thanh tra Xây dựng chưa làm hết trách nhiệm. Việc phối hợp với các quận, huyện, thị xã trong việc kiểm tra, đôn đốc còn lỏng lẻo, chưa rõ ràng, ý thức chấp hành của một bộ phận người dân chưa cao… Từ những nguyên nhân này, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị chủ tịch, bí thư ở các địa phương phải tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 08-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, các cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường trách nhiệm của đội quản lý trật tự xây dựng, kiên quyết xử lý triệt để sai phạm cũ, không để phát sinh vi phạm mới. 

“Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh do thiếu trách nhiệm trong việc tổ chức, quản lý, xử phạt, kiểm tra thực hiện hoạt động phòng cháy chữa cháy mà để xảy ra cháy thì tùy theo tính chất, mức độ thiệt hại sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 360 BLHS”.

Hệ luỵ từ việc chậm triển khai dự án sẽ kéo theo tình trạng vỡ quy hoạch đô thị của TP Hà Nội, gây thất thu ngân sách Nhà Nước, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, đời sống người dân. Ngoài ra, với tình trạng hoạt động của bãi xe trên đất dự án không đảm bảo hệ thống phòng cháy chữa cháy là mối hiểm hoạ cháy nổ, đe doạ trực tiếp đến tính mạng người dân.

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam nhấn mạnh thêm: “Việc các dự án sai phạm, chậm tiến độ, “câu giờ” chờ được hợp thức hóa, chờ “phạt cho tồn tại” gây áp lực chung lên kết cấu hạ tầng, tương lai sẽ phá vỡ tổng thể quy hoạch đô thị. Các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền cần rà soát và thanh kiểm tra các dự án “có vấn đề”, xử phạt nghiêm các sai phạm, ra quyết định thu hồi dự án nếu cần để không ảnh hưởng đến tiến độ chung trong định hướng phát triển quy hoạch của thành phố".

Qua thực trạng nhiều dự án tại Hà Nội cho thấy, công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng chưa được chú trọng đúng mức; việc kiểm tra thực hiện quy hoạch chi tiết được duyệt, quá trình triển khai thiếu kiểm tra đôn đốc các chủ đầu tư có dấu hiệu tự điều chỉnh quy hoạch; cơ quan có thẩm quyền không tiến hành hậu kiểm hoặc hợp thức cho sai phạm, để làm lợi cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến cộng đồng. Từ đó đã dẫn đến quy hoạch bị thêm thắt, bóp méo, dự án bị “biến tướng”, không theo trật tự gây nhiều hậu quả nặng nề cho hạ tầng khiến người dân vô cùng bức xúc.

Để xử lý triệt để tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, lãng phí đất vàng, dự án bỏ hoang thì các cơ quan chức năng phải thực sự nghiêm minh, không để xảy ra tình trạng "mặc" báo chí phản ánh, "kệ" người dân gửi đơn thư tố cáo". Chính vì vậy, UBND quận Long Biên cần nhanh chóng kiểm tra, chỉ đạo làm rõ những vi phạm tránh để tình trạng “nhờn luật”, gây thất thu ngân sách Nhà nước tại phường Bồ Đề. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top