Trong bối cảnh mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 ngày càng trở nên cấp bách, các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam đang tích cực chuyển mình xanh hóa để bắt kịp xu hướng toàn cầu về phát triển bền vững. Theo IFC, đến năm 2030, các tòa nhà xanh có thể mang lại cơ hội đầu tư lên tới 24,7 nghìn tỷ USD.
Năm 2025 được kỳ vọng sẽ chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của dòng vốn xanh, tạo đòn bẩy cho thị trường bất động sản khi nguồn cung nhà ở mới được cải thiện và tâm lý người mua nhà tích cực hơn. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Reatimes đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Lý Thanh Lương, Trưởng nhóm phân tích, Khối Xếp hạng và nghiên cứu Công ty cổ phần Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating).
PV: Thưa ông, thị trường trái phiếu xanh chứng kiến sự tăng trưởng đầy ấn tượng trong thời gian vừa qua. Theo ông, đâu là chìa khóa then chốt giúp các đơn vị phát hành trái phiếu xanh thành công?
Ông Nguyễn Lý Thanh Lương: Thị trường trái phiếu xanh Việt Nam đã có mức tăng trưởng cao trong năm 2024 và chính thức đạt mốc 1,1 tỷ USD lưu hành, trong đó khối ngân hàng, bất động sản và một số doanh nghiệp lớn dẫn dắt các đợt phát hành trong các năm gần đây.
Sự thành công của các đợt phát hành trái phiếu xanh đến từ hai yếu tố:
Thứ nhất, sự hồi phục chung của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Cụ thể, phát hành mới trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2024 đã có mức hồi phục ấn tượng, tăng 42% sau đợt khủng hoảng trái phiếu năm 2022 – 2023. Khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp phục hồi, các doanh nghiệp cũng thuận lợi hơn nhiều trong hoạt động phát hành trái phiếu xanh.
Thứ hai là các doanh nghiệp phát hành cam kết và tham gia chặt chẽ các tiêu chuẩn xanh của thị trường quốc tế. Ví dụ các doanh nghiệp bất động sản như: BIM Land, Vinhomes hay Vinpearl áp dụng các chứng chỉ xanh như LEED, EDGE, ASEAN, đồng thời tuân thủ các nguyên tắc xanh cùa Hiệp hội nguồn vốn ICMA, Hiệp hội thị trường nợ LMA, Tổ chức Sáng kiến trái phiếu khí hậu CBI. Sự tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn kể trên trong các đợt phát hành trái phiếu xanh Việt Nam đã giúp củng cố niềm tin của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế để đầu tư vào thị trường này.
PV: Trong bối cảnh thị trường bất động sản ngày càng chú trọng đến phát triển bền vững, chúng tôi nhận thấy trái phiếu xanh đang trở thành một công cụ tài chính quan trọng. Theo thống kê từ VIS Rating, xin ông cho biết số lượng và tổng giá trị trái phiếu xanh đã được phát hành trong lĩnh vực bất động sản Việt Nam thời gian qua là bao nhiêu?
Ông Nguyễn Lý Thanh Lương: Năm 2021 là năm gần nhất có hai đợt phát hành trái phiếu bất động sản xanh là BIM Land và Vinpearl với tổng giá trị phát hành của hai doanh nghiệp khoảng 500 triệu USD. Trong giai đoạn năm 2022 – 2024, mặc dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có sự hồi phục, tuy nhiên chúng tôi chưa thấy các đợt phát hành trái phiếu bất động sản xanh mới do các doanh nghiệp vẫn cần thời gian để giải quyết các khó khăn trong giai đoạn khủng hoảng trước đó.
Chúng tôi cho rằng tiềm năng của thị trường trái phiếu bất động sản xanh ở Việt Nam là tương đối lớn. Điển hình là số lượng công trình đạt chứng nhận xanh tại Việt Nam đã tăng nhanh trong các năm gần đây. Theo báo cáo của Tổ chức chứng nhận EDGE và Tổ chức tài chính IFC, tính đến cuối năm 2024, Việt Nam đã có tổng cộng 559 công trình được chứng nhận xanh và vượt xa các mục tiêu đặt ra trước đó của chính phủ đã đề ra trong Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 (80 công trình xanh năm 2025 và 160 vào năm 2030). Đặc biệt số lượng chứng chỉ công trình xanh được cấp mới trong năm 2024 gấp đôi năm trước đó, là dấu hiệu tốt cho thấy các doanh nghiệp đã sẵn sàng để tiếp cận nguồn vốn xanh trong nước và quốc tế.
Chúng tôi kỳ vọng trong năm 2025, khi nguồn cung nhà ở mới cải thiện, tâm lý của người mua nhà tích cực hơn, hoạt động phát triển dự án mới sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp bất động sản đa dạng hóa nguồn vốn của mình và tìm tới kênh phát hành trái phiếu xanh.

Tiềm năng của thị trường trái phiếu bất động sản xanh ở Việt Nam là tương đối lớn. Ảnh minh họa.
PV: Theo ông, việc đẩy mạnh phát triển trái phiếu xanh có vai trò như thế nào trong việc thúc đẩy các dự án bất động sản hướng tới chuyển đổi xanh và phát triển bền vững?
Ông Nguyễn Lý Thanh Lương: Việc đẩy mạnh phát triển xu hướng trái phiếu xanh đang tạo ra một chuẩn mực tiêu chuẩn xanh mới cho ngành bất động sản vốn nhiều năm nay chưa có sự thay đổi. Bên canh đó, xu hướng này còn thúc đẩy các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam chuyển đổi xanh để tiếp cận thêm nguồn vốn ưu đãi để thực hiện dự án.
Sự phát triển của trái phiếu xanh cũng mang đến cho các nhà đầu tư và ngân hàng nhiều lựa chọn cấp vốn hơn cho các dự án bất động sản. Các dự án này không chỉ ít rủi ro hơn về mặt môi trường mà còn thúc đẩy các tổ chức tài chính bổ sung các tiêu chí môi trường vào quá trình thẩm định và lựa chọn doanh nghiệp. Bên cạnh đó theo chủ trương phát triển thị trường tín dụng xanh của Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng đã và đang triển khai đồng thời các gói tín dụng xanh, gói cấp vốn xanh, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của bất động sản xanh chẳng hạn như gói tín dụng từ 5.000 – 10.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp đầu tư "Công trình xanh" của BIDV, Vietinbank, TPBank. Các tiêu chí công trình xanh đang dần trở nên phổ biến hơn, kéo theo đó là tốc độ chuyển đổi xanh ngành bất động sản cũng được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây. Minh chứng là số lượng công trình đạt chứng nhận xanh ở nhiều phân khúc đã lên tới 559 công trình.
Ngoài ra, các sản phẩm trái phiếu bền vững khác như trái phiếu xã hội cũng là một kênh huy động vốn phù hợp cho các doanh nghiệp bất động sản. Các trái phiếu xã hội hướng tới tài trợ cho các dự án nhà ở xã hội và nhà ở bình dân, qua đó giúp thúc đẩy nguồn cung bất động sản với giá cả hợp lý cho thị trường. Do đó, dù quy mô lớn hay nhỏ, các doanh nghiệp bất động sản nếu thực hiện theo các tiêu chuẩn xanh và bền vững đều có thể tiếp cận nguồn vốn xanh. Điều này không chỉ mở ra cơ hội tài chính mới mà còn thúc đẩy sự đa dạng của các đơn vị phát triển bất động sản trên khắp cả nước.
PV: Theo ông đâu là những yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu xanh bất động sản tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, khi mà mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đang ngày càng trở nên cấp bách?
Ông Nguyễn Lý Thanh Lương: Khi mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (net-zero) vào năm 2050 đang đến gần, sự thúc đẩy về mặt pháp lý của Chính phủ là yếu tố then chốt để phát triển thị trường bất động sản xanh tại Việt Nam. Các văn bản gần đây như Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Luật Bảo vệ Môi trường 2020 đã nhắc nhiều hơn tới trái phiếu xanh và tiêu chuẩn xanh, mục tiêu phát triển và xem xét ưu đãi cụ thể cho các cho ngành bất động sản/công trình xanh.
Đặc biệt, trong năm 2025, khi danh mục Phân loại ngành nghề xanh (taxonomy) được ban hành, sẽ có cơ sở để phân hóa rõ rệt hơn giữa các công trình xanh với các công trình còn lại, từ đó làm cơ sở để phát hành các trái phiếu xanh ở thị trường trong nước. Đồng thời từ phân loại xanh, có thể tiến tới xây dựng các tiêu chí môi trường chặt chẽ hơn trong ngành bất động sản, từ đó xây dựng được kịch bản cần thiết để tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
PV: Thưa ông, so với các hình thức huy động vốn khác, trái phiếu xanh có những ưu điểm gì vượt trội, đặc biệt trong việc thu hút các nhà đầu tư?
Ông Nguyễn Lý Thanh Lương: Đầu tiên, trái phiếu xanh và bền vững thường có kỳ hạn dài hơn trái phiếu thường (trên 5 năm hoặc 10-15 năm) vì chúng nhằm mục tiêu tài trợ cho các dự án phát triển bền vững dài hạn. Do đó phù hợp cho các mục đích đầu tư dài hạn của các quỹ và công ty bảo hiểm.
Thứ hai, về lãi suất phát hành, vào đầu thập kỷ trước, khi thị trường tài chính xanh và bền vững bắt đầu phát triển, nhiều trái phiếu xanh có mức lãi suất thấp hơn so với trái phiếu thường, tạo ra chênh lệch về mặt bằng lãi suất phát hành được gọi là "greenium" (chênh lệch xanh).
Mức chênh lệch xanh này chủ yếu đến từ sự mất cân bằng giữa cung và cầu đối với loại hình trái phiếu xanh. Cả trái phiếu xanh và trái phiếu thường đều có các rủi ro tương tự nhau đối với nhà đầu tư. Trong quá khứ, nhà đầu tư sẵn sàng trả giá cao cho trái phiếu xanh và bền vững hơn do nguồn cung này còn khá hạn chế mặc dù gần đây mức chênh lệch xanh ở các thị trường trái phiếu xanh thế giới đã không còn rõ rệt như trước.
Thứ ba, ở Việt Nam, do thị trường còn tương đối mới, nhu cầu về trái phiếu xanh vẫn sẽ cao hơn so với lượng phát hành, do đó các doanh nghiệp có thể tiếp cận với nguồn vốn dồi dào này và đa dạng hóa nguồn huy động của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Lý Thanh Lương, Trưởng nhóm phân tích, Khối Xếp hạng và nghiên cứu Công ty cổ phần Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating).
PV: Bên cạnh những cơ hội, thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam cũng đối mặt với không ít thách thức. Theo ông, đâu là những thách thức lớn nhất, và chúng ta cần có những giải pháp gì để vượt qua?
Ông Nguyễn Lý Thanh Lương: So với trái phiếu thường, một số đặc điểm riêng biệt của trái phiếu xanh và bền vững là vốn thu được từ phát hành trái phiếu phải được sử dụng cho các dự án, tài sản xanh và bền vững.
Do đó, trong nhiều năm qua, thách thức lớn nhất của các tổ chức phát hành trái phiếu xanh là việc phải thích ứng với nhiều tiêu chuẩn của các khu vực khác nhau và tiêu chuẩn riêng trong nước về trái phiếu xanh để có thể thực hiện huy động vốn từ các thị trường. Các tiêu chuẩn này bao gồm các nguyên tắc trái phiếu xanh của Hiệp hội Thị trường Vốn Quốc tế (ICMA) và các nguyên tắc trái phiếu xanh của ASEAN. Ngoài ra, nhiều nước, khu vực cũng đã ban hành quy chuẩn phân loại của riêng mình (ví dụ: EU, Trung Quốc, Singapore) để xác định các hoạt động kinh doanh và dự án cụ thể được coi là xanh và bền vững nhằm định hướng cho các tổ chức phát hành và nhà đầu tư trong nước.
Ở một số thị trường đang chứng kiến nhiều đợt phát hành trái phiếu xanh và bền vững hơn, các thị trường này thường không có quy chuẩn phân loại của riêng mình và những thành viên tham gia thị trường thường áp dụng các nguyên tắc trái phiếu xanh của ICMA làm tiêu chuẩn áp dụng chung cho các đợt phát hành trái phiếu xanh.
Do đó, giải pháp được đưa ra là xác định và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế chung cho trái phiếu xanh tại thị trường trong nước làm tăng tính minh bạch về công bố thông tin đối với tiêu chuẩn xanh của trái phiếu, từ đó cho phép các nhà đầu tư trên toàn cầu dễ dàng đánh giá và so sánh các trái phiếu ở các thị trường khác nhau bằng cách sử dụng một tiêu chuẩn chung. Tiêu chuẩn này đem lại cho các tổ chức phát hành sự chuẩn hóa về nguyên tắc và quy trình áp dụng để đánh giá tiêu chí xanh, giúp dễ dàng so sánh các khoản đầu tư xanh giữa các thị trường khác nhau, thúc đẩy dòng vốn quốc tế chảy vào thị trường trong nước, đồng thời xây dựng niềm tin cho các thành viên tham gia và phát triển thị trường tài chính bền vững.
Từ năm 2022 trở đi, tất cả các trái phiếu xanh và bền vững được phát hành tại Việt Nam đều kết hợp các các nguyên tắc và thông lệ quốc tế, ví dụ như các nguyên tắc trái phiếu xanh của ICMA. Việc tuân thủ các nguyên tắc này sẽ cho phép thị trường chuẩn hóa các tiêu chí được sử dụng để đánh giá xem các hoạt động kinh doanh có đáp ứng các tiêu chuẩn xanh và bền vững được áp dụng rộng rãi trên toàn cầu hay không. Việt Nam hiện đang công bố dự thảo về hệ thống phân loại (taxonomy) của mình. Sau khi ban hành chính thức, chúng tôi hy vọng thị trường sẽ sử dụng hệ thống phân loại mới này cho các đợt phát hành trong nước.
Khung trái phiếu xanh và bền vững được chính phủ và các ngân hàng thương mại trên toàn cầu sử dụng rộng rãi nhằm đưa ra các nguyên tắc chính sẽ được áp dụng cho các đợt phát hành trái phiếu trong tương lai, cam kết thực hiện các quy trình và cơ chế để tuân thủ các nguyên tắc, cũng như công bố thường xuyên các thông số đo lường liên quan đến tiêu chí xanh. Các tổ chức phát hành có thể tham khảo các yêu cầu cụ thể trong khung trái phiếu xanh để áp dụng cho tất cả các đợt phát hành trái phiếu xanh và bền vững trong tương lai.
Đối với các công ty không có ý định phát hành trái phiếu thường xuyên, họ có thể chọn phát hành đơn lẻ các trái phiếu xanh và bền vững và đưa thông tin chi tiết từng lần về các nguyên tắc xanh và bền vững của mình trong hồ sơ chào bán trái phiếu
PV: Để thị trường trái phiếu xanh bất động sản phát triển bền vững và hiệu quả, vai trò của các bên liên quan (nhà phát hành, nhà đầu tư, chính phủ, tổ chức tài chính...) cần được định hình và phối hợp như thế nào?
Ông Nguyễn Lý Thanh Lương: Để tiếp tục phát triển thị trường tài chính bền vững tại Việt Nam, có ba bài học chính từ kinh nghiệm khu vực mà Việt Nam có thể áp dụng, bao gồm: Tiêu chuẩn hóa; Hỗ trợ từ chính sách; Xây dựng năng lực của các bên tham gia.
Thứ nhất, việc áp dụng rộng rãi các tiêu chuẩn chung về phát hành và công bố thông tin sẽ thúc đẩy thị trường làm quen với các tiêu chuẩn mới chặt chẽ hơn và gia tăng niềm tin vào chất lượng phát hành trái phiếu bền vững. Hệ thống phân loại xanh (Taxonomy) sắp ban hành của Việt Nam sẽ hướng dẫn và tạo sự đồng bộ giữa các bên tham gia về định nghĩa và thông lệ tốt nhất trên thị trường tài chính bền vững. Bên cạnh đó, việc duy trì chuẩn hóa đồng bộ theo các nguyên tắc quốc tế sẽ giúp thu hút nhà đầu tư quốc tế vào thị trường tài chính bền vững của Việt Nam.
Thứ hai, chính sách của Chính phủ và các biện pháp hỗ trợ sẽ là động lực giúp các ngành và doanh nghiệp thực hiện các thay đổi chiến lược để chuyển đổi mô hình kinh doanh ít phát thải carbon hơn. Các ưu đãi nhằm hỗ trợ tổ chức phát hành giảm một phần chi phí phát hành trái phiếu xanh và các đánh giá độc lập sẽ giúp thúc đẩy quy mô của thị trường trái phiếu xanh.
Thứ ba, việc phát triển một hệ sinh thái gắn kết và phối hợp chặt chẽ – bao gồm cơ quan quản lý, các tổ chức quốc tế, cơ quan tư vấn và đơn vị cung cấp dịch vụ – sẽ là yếu tố then chốt để chia sẻ thông tin, thiết lập thông lệ thị trường tốt nhất, giải quyết các điểm nghẽn của thị trường trong nước, và xây dựng nền tảng vững chắc để tài chính bền vững phát triển mạnh mẽ hơn.
Xin cảm ơn chuyên gia!