Khu vực kinh tế Bắc Vân Phong nằm trên địa bàn huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, được đánh giá có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp.
Đây là khu vực dự kiến có đóng góp quan trọng cho ngân sách địa phương nếu thu hút được các nhà đầu tư lớn. Phương hướng tới của tỉnh là đẩy mạnh phát triển công nghiệp và kinh tế biển; trong đó, khu vực kinh tế Bắc Vân Phong được xác định là trọng tâm.
Ông Nguyễn Khắc Định, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết như vậy trong buổi khảo sát tại Khu vực kinh tế Bắc Vân Phong thuộc Khu kinh tế Vân Phong, diễn ra ngày 20/1.
Ông Nguyễn Khắc Định cho biết sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương tạm dừng lập quy hoạch Đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đã xin Chính phủ cho phép xây dựng khu kinh tế ven biển có chính sách đặc thù để thu hút đầu tư tại đây.
“Hiện chúng tôi đang làm cùng một lúc hai việc, là quy hoạch lại Khu kinh tế Bắc Vân Phong và xây dựng cơ chế chính sách đặc thù. Vì vậy, khu vực Bắc Vân Phong chưa có nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào. Hiện tại, cũng đã có một số nhà đầu tư đăng ký đầu tư vào khu công nghiệp Dốc đá trắng, khu công nghiệp Vạn Thắng. Tỉnh Khánh Hòa sẽ đôn đốc các đơn vị xây dựng lại quy hoạch chung và trình chính phủ vào cuối quý 3 năm nay,” Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa nhấn mạnh.
Hiện, khu vực Bắc Vân Phong đã thu hút được 61 dự án; trong đó, có 38 dự án đã đi vào hoạt động và 23 dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 11.659 tỷ đồng, vốn thực hiện khoảng trên 1.900 tỷ đồng.
Các dự án quy mô lớn đang triển khai xây dựng như: Cảng tổng hợp Bắc Vân Phong (417 tỷ đồng), Khu du lịch sinh thái biển Hòn Ngang - Bãi Cát Thấm (3.742 tỷ đồng), Nhà máy điện Mặt Trời KN Vạn Ninh (2.489 tỷ đồng). Các dự án đã đi vào hoạt động tại khu vực này chủ yếu là các dự án về du lịch, sản xuất vật liệu xây dựng và nuôi trồng thủy sản với quy mô đầu tư không lớn, chủ yếu thu hút từ trước năm 2012.
Ông Hoàng Đình Phi, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong cho biết khu vực Bắc Vân Phong đến nay gần như vẫn giữ nguyên trạng, chưa xem xét thu hút các dự án mới, mặc dù khu vực này còn nhiều tiềm năng lớn để phát triển.
Đối với 12 dự án chậm tiến độ so với quy định, hiện Ban Quản lý đang tiến hành thủ tục xử lý theo quy định pháp luật về đầu tư, qua đó đã xử lý thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư của 2 dự án; tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh hướng giải quyết với 3 dự án; gia hạn tiến độ cho 2 dự án và đang tiếp tục làm việc với các nhà đầu tư về 5 dự án còn lại.
Ông Nguyễn Khắc Định, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa đề nghị đối với những dự án chậm tiến độ do lỗi của doanh nghiệp phải nghiêm túc thu hồi, xử lý theo quy định. Đối với những dự án bị chậm do lỗi của các cơ quan quản lý Nhà nước phải khắc phục, tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Tỉnh ủng hộ và tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư và đối với những nội dung thuộc thẩm quyền của tỉnh, Khánh Hòa sẽ đôn đốc các sở ngành thực hiện nhanh chóng. Những nội dung liên quan đến các bộ, ngành tỉnh sẽ đồng hành với các nhà đầu tư để tháo gỡ. Đồng thời, tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư để thu hút, mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, đầu tư phát triển vào tỉnh nói chung và tại khu kinh tế nói riêng./.