Cứ sau tiết thanh minh, mỗi người mẹ, người vợ ở miền Bắc nước Việt lại có một ngày ngồi gói ghém mùa đông. Buổi sáng phơi phóng áo len, buổi trưa phơi phóng chăn bông, vài ngày nắng ráo rồi mới gói chăn bông áo ấm sắp xếp lại trong tủ hoặc để ở trong kho nếu nhà rộng. Chỉ là việc gói ghém bình thường ở cái xứ sở nhiệt đới gió mùa, sống bình thường trong bốn mùa yên ả.
Nhưng có người vì bị bệnh hen phế quản, thấp khớp nên họ di dời vào Sài Gòn, Nha Trang sinh sống, tôi lại nghe bạn bảo: “Vào đó rồi nhớ rét, cậu không hiểu được đâu?”. Nỗi nhớ mùa đông thấm thía kinh khủng. Miền Bắc rét cắt da và cái nóng cũng cháy da. Khí hậu làm nên đất đai mà vị quả chanh miền Bắc cũng chua hơn chanh Sài Gòn, quả ớt cũng cay ngọt hơn nơi khác. Và hình như người miền Bắc cũng cả nghĩ, day dứt hơn vì khí hậu gió mùa thì phải.
Mùa xuân vẫn có đợt rét ngắn về Hà Nội, rét nàng Bân cũng chỉ xiết qua vài ngày trong lòng tháng Tư. Nếu là vợ lính có chồng giữ những chốt biên giới Cao Bằng, Lạng Sơn, Nghệ An hay những chốt chống dịch Covid-19 ở các vùng Tây Nam Nghệ An thì vẫn rét từ bên trong lòng người. Cái rét ấy mới hoang vu, cái rét ấy không có nhiệt độ 5 hay 10 độ C, vì chồng họ, người lính áo xanh vẫn gối đất nằm gai, trong rừng vẫn lạnh thấu xương nơi biên giới không thể nào gói ghém hết nỗi nhớ thương cho được.
Vợ lính thương chồng mất ngủ, mất ngủ vì lo Covid tàng hình kia có thể trà trộn đâu đó lấy đi sự sống của bao người? Những người lính áo cỏ vốn ít nói, vốn chẳng phải ai cũng có điện thoại để nhắn tin, gọi điện, có bao người vẫn lặng lẽ gối đất nằm sương trong thời bình như thế. Những anh nuôi áo lính nấu ăn từng bữa cho người cách ly, họ nằm đất màn trời, lặng lẽ. “Nước sông công lính” biết nói gì đây? 30 tháng 4, Tổ quốc ghi gì đây, công sức của các anh. Lính cụ Hồ...
Tôi còn gói ghém mùa đông, nhớ lần về Quảng Trị, đi qua vùng Gio Linh rẽ sang chợ Do vào Nghĩa trang Đường 9 thắp hương, bỗng một bà mạ dặn tôi: "Vào chợ nhớ mua túi gạo rồi rắc trên lối đi nghe con". Tôi hỏi: "Mua gạo để làm gì hở mạ?".
"Thì trỏng, những mộ vô danh đó, có đứa nằm ở phía xa, con chưa đi hết thì cứ rắc gạo xuống đó khắc có những con kiến sẽ chở đi các mộ khác, mấy đứa nằm dưới đó có hạt gạo ấm bụng”. Tôi đã nghẹn ngào hiểu lời mạ nói. Vào chợ Do mua cân gạo rồi nhờ quán ăn, một chị rang gạo cho, xong gửi lại chị ít đồng. Chị bán hàng ăn từ chối nhận tiền công rang gạo, bảo: “Cô rang gạo cho mạ Khuyên hỉ, vô nghĩa trang rắc gạo chỉ có mạ Khuyên”.
Thì ra nghĩa cử của mạ Khuyên ở vùng nắng lửa như khêu, chẳng cứ thanh minh, chẳng cứ ngày lễ tết, đến ngày 30/4, mạ Khuyên vẫn làm như vậy bao năm trường, chẳng cần ai biết làm chi. Mạ Khuyên còn nghĩ ra những con kiến tha gạo đi các mộ vô danh khác thì những đứa nằm dưới đất có hạt gạo rang sẽ no bụng. Đơn giản chỉ là ít gạo rang mà mạ đã thuyết phục tôi một cách thương cảm. Đến cả những người chạy chợ ở chợ Do cũng lặng lẽ làm những việc ý nghĩa ấy. Ít ai biết. Chỉ người dân lam lũ biết.
Từ thanh minh đến 30/4, không chỉ các mạ mà còn cả vợ liệt sỹ, những người có chồng là lính hy sinh ở đây cũng đi thắp nhang cho các anh. Năm nay không vào được chợ Do, ngồi nhớ mạ Khuyên đang rang gạo đi rắc ở nghĩa trang cho những người lính, thay cho lưng cơm, điếu thuốc ở nhiều mộ vô danh khác. Nghĩa trang Đường 9 có một ngôi mộ tập thể và hàng ngàn ngôi mộ chiến sỹ vô danh. Phía sau vô danh kia là hàng ngàn người vợ liệt sỹ nuôi con một mình. Họ ở hậu phương, nông thôn hay thành phố vẫn nhẫn lòng nuôi con. Thời buổi dịch giã thế này thì nỗi lo lắng của người mẹ đơn thân thường phải nhân đôi hơn chúng ta.
Nghĩa trang Đường 9 là nơi an nghỉ của bao người lính hy sinh trong chiến trận. Phía sau đó là hàng ngàn người vợ liệt sỹ nuôi con một mình... (Ảnh: HVH)
Khi ở Quảng Trị, tôi từng chứng kiến một người vợ lính ngồi gói ghém chăn bông. Nhà nghèo không có tủ, dù chỉ có mỗi cái áo khoác cũ, một cái áo bông tàu tàu và một cái chăn len, gói vào rồi để trên ghế nhựa góc nhà. Người vợ lính ấy nói: “Sợ nhất khi đụng vào những kỷ niệm của anh ấy nhà tui”. Cách nói của chị như câu thơ xát muối của Lê Thành Nghị: “Một mình đau/ Núi dầm chân đứng chịu”.
Người vợ liệt sỹ mất chồng cứ giữ khư khư mấy lá thư, những tấm bưu thiếp in nhỏ trong lòng bàn tay, mỗi bài hát: "Đường ta đi dài theo đất nước của Vũ Trọng Hối; Gửi anh đi đầu quân của Nguyễn Đình Phúc; Xa khơi của Nguyễn Tài Tuệ… Tất cả chị đều gói trong cái túi nilon nhàu, cũ rồi gối dưới đầu giường...". Vừa nom thấy, tôi đã cố ngoảnh đi nơi khác. Có những thứ tài sản chẳng có giá trị về vật chất mà nó cứ làm tôi nuốt khan nước mắt. Nông nỗi hiu quạnh của vợ lính phía sau cuộc chiến, phận con ong cái kiến ở phía vùng đất Gio Linh vẫn còn bao nhiêu nỗi đau khắc khoải khác?
Lần đó, tôi cũng đi rừng Rú Lịnh, xuyên Địa đạo Vịnh Mốc, gặp gỡ một em gái tên Len. Em sống đơn độc một mình trong ngôi nhà có một gian và một trái bếp tồi tàn, gần Thánh địa La Vang. Trước căn nhà một gian có một khóm hoa khiết bông trắng, tinh khiết như một dãy chuông nhỏ để tưởng niệm người chồng sắp cưới của em. Len vẫn đi bộ lên khu du lịch Vĩnh Mốc bán hạt tiêu sọ và dứa trái mùa làm thuốc chữa bệnh.
Tôi mua hạt tiêu sọ và nghe em kể, sau chiến tranh, bom đạn đã lấy đi cả bố mẹ và em gái. Len cũng có người yêu, anh ấy hy sinh trong trận 81 ngày đêm ở Quảng Trị. Len ở vậy, sống với những lá thư của người yêu. Hỏi sao không đi lấy chồng thì Len nhìn tôi như ở hành tinh khác đến, em nói chỉ sống với những lá thư và làm vườn, trồng dứa, trồng tiêu sống qua ngày. Đất trời vùng Gio Linh vốn vắng lặng, biển Cửa Tùng cũng ít sóng, nhưng tôi biết có một cuộc đời người phụ nữ, người vợ sắp cưới của một anh lính, chưa một lần được làm đàn bà, Len tự nguyện đi qua yên ả, thủy chung với người tình bằng những lá thư với những dòng chữ nghĩa xiêu vẹo kia. Đó cũng là cách gói ghém mùa đông của cô gái Vĩnh Linh tên Len.
Tôi cũng đến Thánh địa La Vang, uống nước Thánh và gặp cô gái tên Rạ: “Tên em là Rạ, rơm rạ ý mà cô”. Công việc của Rạ chỉ quét lá, hàng ngày xưng tội với Chúa. Một tháng, lương có 1 triệu bạc quét dọn mà gương mặt buồn thánh thiện mãn nguyện lắm. Rạ sung sướng chỉ cần có việc làm, đi quét lá dọn dẹp suốt ngày mà coi đó là hạnh phúc vì được làm việc gần tượng Đức Mẹ. Tôi còn gói ghém tình yêu của Rạ, phận em mới học hết lớp 12, được đi quét lá, hàng ngày nghe thánh ca du dương và cho rằng, “đơn giản mình hạnh phúc là hạnh phúc”. Hạnh phúc làm gì có thước đo.
Rồi mùa hạ, những du khách đến Thánh địa La Vang đông hơn, cuộc sống của em cứ bình lặng làm một người quét lá ở nơi đây. Ai sẽ gói giá rét hạnh phúc cho em? Không rõ bây giờ em Rạ đã có gia đình chưa hay ở vậy quét lá nơi Thánh địa và nghe thánh ca của Chúa? Khi gói ghém mùa đông, tôi hay hỏi như vậy và chỉ mong Chúa lòng lành ban phước hiền cho em Rạ nơi vùng gió rất gần gió Lào và miền Gio Linh đầy cát trắng.
Gói ghém mùa đông không chỉ có chăn bông và áo ấm, sắp xếp lại quần áo trong tủ ngăn nắp và gọn ghẽ. Những người mẹ có con gái lại dùng cách gói ghém này để dạy con trong nếp nhà rất cần sự ngăn nắp, sạch sẽ để học hành và làm nhiều việc khác. Gói ghém mùa đông không chỉ là cơn cớ, xếp lại gió mùa hay gói lại hoặc mở ra ký ức bỏ quên, mà đó có khi còn là khép lại mấy mảnh vụn thật buồn để rồi ta sống khác đi, mạnh mẽ hơn, can đảm hơn. Người mẹ nhờ con gái gói ghém chăn bông còn hàm ý dạy con ngăn nắp, sạch sẽ, cho không gian nhà thoáng đãng để sống, âu cũng chuyện nhỏ chưa bao giờ là nhỏ.