Một chuyên gia từng nhận định rằng, không gian công cộng được biết đến như là “trái tim” của một thành phố, hoặc là những “phòng khách” của một đô thị. Chính vì thế, các không gian công cộng đóng vai trò tối quan trọng cho sự tương tác giữa con người với con người, con người với thiên nhiên, cho sự lưu giữ các ký ức chung và tạo dựng nên biểu tượng gắn với một đô thị, một thành phố.
Một ngôi nhà giờ đây không chỉ đơn thuần là nơi che nắng, che mưa. Nhu cầu giao tiếp, sẻ chia kết nối giữa người với người trong đô thị ngày càng cao, yêu cầu về một không gian sống cũng cao hơn. Trong đó, không gian công cộng đóng vai trò quan trọng và có thể là tiêu chí ghi điểm cộng đối với cư dân.
Để hiểu thêm về vai trò, tính kết nối của không gian công cộng trong đô thị mới, Reatimes xin lược ghi những chia sẻ của TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội trong bài viết dưới đây.
Hãy kéo cư dân ra khỏi những cánh cửa im ỉm đóng
Công tác phát triển đô thị, chủ yếu là các khu đô thị mới được triển khai từ những năm 1990. Đến nay, đã có hàng loạt khu đô thị mới hiện đại, văn minh ra đời. Tuy nhiên, chỉ có một số khu đô thị bảo đảm đồng bộ hạ tầng, còn lại khá nhiều khu chủ đầu tư chỉ tập trung vào xây nhà ở để bán.
Cụ thể, chủ đầu tư chỉ tập trung vào làm các công trình, trong đó có nhà ở để kinh doanh lấy lãi, còn việc xây dựng các hạ tầng xã hội thì ít được chú trọng. Vấn đề kết nối các hạ tầng kỹ thuật như: giao thông, điện, nước với các khu vực xung quanh chưa tạo nên sự đồng bộ. Bên cạnh đó, nhiều dự án khu đô thị mới với thiết kế hiện đại được triển khai, nhưng lại thiếu những khoảng không gian xanh, gần gũi với thiên nhiên.
Không gian xanh là không gian của từng ngôi nhà, từng căn hộ. Ngay cả trong các khu vực có mật độ dân cư cao, khoảng không gian cây xanh, vườn hoa, vườn dạo, cảnh quan nằm trong lõi nhà hay đan xen liên tục giữa từng tiểu khu ở vẫn phải được thiết lập, gọi chung là không gian công cộng.
Không gian công cộng là những không gian mở, nơi cộng đồng dân cư có thể đến mà không phải trả tiền. Không gian công cộng có một vai trò hết sức quan trọng khi có khả năng kéo người dân ra khỏi nơi ở, tăng cường giao tiếp lẫn nhau và gần gũi hơn với thiên nhiên. Việc người dân giao tiếp nhiều hơn với nhau là nền tảng quan trọng để xây dựng một đô thị bền vững và sống tốt.
Không gian công cộng là những không gian mở, nơi cộng đồng dân cư có thể đến mà không phải trả tiền
Chúng ta cần hiểu rằng, cư dân của các đô thị mới hiện nay đến từ nhiều địa phương, khác nhau về văn hóa, nghề nghiệp, quan hệ xã hội… Ban đầu, họ chưa tạo dựng được mối quan hệ mới trong khu đô thị nên họ sống cách biệt trong mỗi căn hộ, đóng cửa kín mỗi ngày.
"Chúng ta xây đô thị không phải để chứa những đồ đạc hiện đại, những xe hơi đắt tiền mà chứa đựng những giá trị sống..."
TS. Đào Ngọc Nghiêm
Sự dồn nén về không gian sống chật chội trong môi trường đô thị tác động lớn đến từng cá nhân và cộng đồng. Đã thiếu về không gian và thời gian, con người lại đối diện với những quan hệ lạnh nhạt nên dễ rơi vào trạng thái cô đơn và mệt mỏi. Những dồn nén đó dường như cũng vắt kiệt sức lực khiến họ không còn nhiều lựa chọn cho việc hòa mình vào cộng đồng nơi họ sinh sống. Điều đó cũng giải thích cho một thực trạng trong các khu đô thị mới hiện nay, rằng ít nơi có thể huy động được nhiều thành phần tham gia vào các hoạt động của cộng đồng.
WHO cũng từng ghi nhận, quá trình đô thị hoá đã khiến các không gian công cộng bị thu hẹp lại, người dân không còn không gian để thực hiện các hoạt động vận động cho sức khoẻ thể chất như việc các cụ già tập thể dục, đi bộ hay trẻ nhỏ được chạy nhảy, vui chơi. Do đó, ít nhiều sức khoẻ của những đối tượng này cũng bị ảnh hưởng. Ở trẻ em, tình trạng béo phì ngày càng nghiêm trọng, trong khi người già có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch cao hơn và tâm lý cũng bị ảnh hưởng bởi hạn chế trong vấn đề giao tiếp xã hội.
Kiến tạo cảnh quan văn hóa sẽ được thể hiện qua việc xây dựng, giữ gìn, tôn tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Từ góc sân, vườn hoa sẽ góp phần đáp ứng tốt hơn, toàn diện hơn những nhu cầu tối thiểu của mỗi thế hệ sống ở chung cư như trẻ nhỏ có chỗ vui chơi, người già có chỗ đi dạo. Một không gian công cộng trong đô thị xanh được thiết kế đồng bộ cũng khiến con người sống trong đó hình thành ý thức chung trong mọi hoạt động liên quan đến cộng đồng, giữ được những nét văn hoá cộng đồng.
Chúng ta xây đô thị không phải để chứa những đồ đạc hiện đại, những xe hơi đắt tiền mà chứa đựng những giá trị sống, những văn hoá sống, những tình cảm gia đình, nghĩa tình hàng xóm, những giao thoa văn hoá của các vùng miền và tính hiện đại của thời công nghệ số.
Ngày nay, các khu đô thị mới được nghiên cứu quy hoạch xây dựng trên cơ sở những đơn vị ở hoàn thiện. Trong đơn vị ở hoàn thiện có cộng đồng dân cư có thể khác nhau về thu nhập nhưng có chung lợi ích về hạ tầng xã hội và không gian xanh công cộng. Do đó, việc kết nối cộng đồng thông qua các không gian công cộng là một trong những yếu tố thể hiện rõ tính thống nhất, tính cấu trúc của một khu đô thị.
Những tiêu chuẩn của đô thị mới
Trong các đô thị mới, theo tiêu chuẩn xây dựng bắt buộc phải có không gian công cộng bao gồm sân chơi phục vụ cho 1 - 2 nhà chung cư nhất định, vườn dạo có diện tích từ 3.000m2 - 1ha. Ngoài ra, một số khu đô thị lớn cần có các công viên 3ha trở lên. Ở đây, với tầng bậc không gian xanh như vậy sẽ tạo ra tính kết nối với người dân, đáp ứng nhu cầu thường xuyên hàng ngày của cư dân, nâng cao chất lượng sống của họ để tạo ra một cộng đồng hài hoà.
Những điều này không phải là ý tưởng của một nhà thiết kế, một chủ đầu tư mà được thể chế hoá trong quy chuẩn xây dựng, trong quy hoạch của Việt Nam hiện nay.
Trong tương lai, dự báo dân số tại các thành phố lớn sẽ còn tăng lên, do đó rất cần quan tâm đến không gian công cộng, không gian kết nối xã hội, kết nối hạ tầng kỹ thuật ở cả nội thành lẫn ngoại thành và các khu đô thị mới. Không gian này phải là nơi mọi đối tượng, lứa tuổi được tiếp cận, dễ dàng tiếp cận. Một số không gian cần thiết như vỉa hè cần ưu tiên dành cho cộng đồng hơn là để kinh doanh. Đặc biệt, các vườn hoa, không gian cây xanh cũng được xem là không gian công cộng phải được khai thác hợp lý gắn với bảo tồn văn hóa, thay vì lấn chiếm, cắt xén để phát triển trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng. Phát triển đô thị mới sinh thái, xanh, hạnh phúc hay thông minh cũng nên ưu tiên cho không gian công cộng để nâng tiêu chí cây xanh bình quân cho người dân (hiện đang rất thấp, 2,5m2/người).
Với những bất cập tồn tại về không gian xanh công cộng hiện nay, giải pháp tối ưu nhất là giám sát chủ đầu tư thực hiện dự án khu đô thị mới. Cơ quan có thẩm quyền phải yêu cầu chủ đầu tư cam kết thực hiện đúng quy hoạch dự án, không được làm các công trình thu lời trước rồi mới để ý tới việc phát triển hạ tầng kỹ thuật - xã hội.
Riêng về quy hoạch cây xanh đường phố trong đô thị mới, cần xác định nguyên tắc “có đường là có cây xanh”. Tức là trồng cây xanh trên các tuyến đường mới mở, phủ xanh các tuyến đường quanh đô thị, các tuyến đường trong đô thị, có kế hoạch thay thế các loại cây không phù hợp.
Đặc biệt, cần có giải pháp bổ sung mảng diện tích xanh để lấp đầy sự thiếu vắng không gian công cộng làm chỗ chơi cho trẻ em, chỗ đi dạo cho người già. Nhà phát triển dự án cần lắng nghe ý kiến, nhu cầu của người dân ở từng khu vực để xây dựng những không gian công cộng tối thiểu và phù hợp cho cư dân của mình.
Để phát triển một đô thị xanh thông minh và hạnh phúc đúng nghĩa, không chỉ là sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại mà còn phải kết hợp với quy hoạch hoàn chỉnh để tạo nên không gian đô thị xanh bền vững. Đô thị đó phải hội tụ đủ: Kinh tế thông minh (phát triển bền vững, có năng lực cạnh tranh); kết cấu hạ tầng thông minh hoàn thiện (giao thông, dịch vụ đồng bộ, phúc lợi công cộng, môi trường an toàn, giáo dục, văn hoá, lao động việc làm, phân phối...); cư dân có trí thức, chất lượng sống trong lành, hạnh phúc…
Hy vọng trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ có nhiều đô thị, thành phố xanh, thông minh và hạnh phúc xứng tầm với thế giới.