Nét đẹp cần lưu giữ?
Ngày 4/10, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có văn bản gửi UBND TP. Hà Nội, đề nghị chỉ đạo các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng tăng cường tuyên truyền pháp luật về đường sắt đến người dân. Theo Bộ GTVT, TP. Hà Nội cần tính đến phương án đảm bảo ATGT đường sắt khi làm thủ tục cấp đất cho doanh nghiệp và người dân; quy hoạch các khu dân cư.
Đặc biệt, Bộ GTVT đề nghị TP. Hà Nội chủ trì, phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục giải tỏa dứt điểm vi phạm của các hộ dân hiện đang kinh doanh trong khu vực tiếp giáp dọc đường sắt, có hành vi họp chợ, buôn bán hàng trong lòng đường sắt; ngăn chặn, giải tán các tụ điểm đông người quay phim, chụp ảnh, ngồi uống cà phê trong lòng đường sắt.
Theo tôi, sự thích thú với cà phê đường tàu của một số người hiện nay là thể hiện ý thức rất thấp về an toàn giao thông đường sắt. Một khi đường tàu không chạy nữa thì muốn mở cà phê trên đó thế nào cũng được, còn vẫn giữ tư duy khai thác hỗn hợp quán cà phê trên đường tàu chạy để khai thác du lịch là tư duy hoàn toàn thiếu văn minh và không phù hợp.
TS Phan Lê Bình - chuyên gia Tư vấn cao cấp của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA)
Gần như ngay lập tức, đề nghị xóa bỏ các quán cà phê đường tàu ở Hà Nội đã tạo ra một cuộc tranh cãi gay gắt. Đặc biệt, khi một số chuyên gia du lịch đưa ra quan điểm bất ngờ là giữ lại các quán cà phê “tử thần” này rồi có thêm các biện pháp đảm bảo an toàn nhằm bảo lưu những nét đẹp độc đáo thu hút khách du lịch thay vì ngăn cấm và xóa bỏ.
Đơn cử, như bà Nguyễn Thị Huyền - Giám đốc Công ty Du lịch Vietrantour cho rằng, việc nhiều khách du lịch nước ngoài tự tìm đến các quán cà phê đường tàu chứng tỏ sức hấp dẫn của các tụ điểm này. Một trong những lý do thu hút khách du lịch tới đây là vì họ muốn hiểu về cuộc sống của người Hà Nội, nét độc đáo của tuyến đường sắt đi xuyên qua thành phố.
Thậm chí, bà Huyền còn cho rằng, Hà Nội đang thiếu những các điểm du lịch mới lạ, độc đáo để hấp dẫn du khách nên việc xóa tụ điểm cà phê đường tàu sẽ gây tiếc nuối. Đồng thời, bà Huyền còn đề nghị Hà Nội cần có đề án nghiên cứu điểm du lịch đường sắt để có cách quản lý thay vì xóa đi.
Chuyên gia du lịch Nguyễn Tiến Đạt cũng cho rằng, các quán cà phê đường tàu là những điểm du lịch “cần được phát triển hơn là ngăn cấm” bởi “cảnh người trên tàu và dưới đường vẫy chào nhau rất thú vị". Theo đề nghị của vị chuyên gia này, ngành đường sắt nên lắp thêm chuông cảnh báo hoặc đèn cảnh báo tại các quán cà phê đường tàu để tạo hiệu ứng hấp dẫn cho khách du lịch khi ngồi uống cà phê chờ đoàn tàu đi qua.
Giữ lại sẽ tạo tiền lệ xấu
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Đinh Đoàn - chuyên gia Tâm lý học đặt câu hỏi: Phải chăng ngành du lịch đã hết chỗ tìm cái đẹp, cái thu hút du khách rồi hay sao mà đi tìm tại những quán cà phê đặt giữa đường tàu vốn luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn?
“Thiếu gì cái đẹp hơn, xứng đáng hơn mà lại khen hàng quán bày bên đường tàu là đẹp. Nói như vậy bây giờ tôi bày một quán cà phê giữa đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai rồi tôi nói là nét đẹp thì sao?” ông Đinh Đoàn nói và khẳng định việc để những quán cà phê đường tàu tồn tại sẽ tạo ra những tiền lệ xấu sau này.
Chuyên gia Tâm lý học nêu quan điểm, lĩnh vực du lịch hay bất cứ cái gì khác, việc đầu tiên là phải an toàn. Ngành đường sắt quy định có hành lang an toàn rất rõ ràng. Ngay cả chuyện nhà dân làm sát đường tàu, phạm vào hành lang an toàn đường sắt đã là khó chấp nhận chứ đừng nói đến việc giăng ghế bán cà phê giữa đường tàu.
Nhiều nước trên thế giới họ phát triển du lịch mà không cần dùng đến những tụ điểm như quán cà phê đường tàu ở nước ta mà khách du lịch vẫn ùn ùn kéo đến nước họ đấy thôi.
TS Đinh Đoàn - chuyên gia Tâm lý học
Theo TS Đinh Đoàn, cái gì đẹp và đẹp như thế nào do con mắt chủ quan của mỗi người. Còn trên phương diện quản lý Nhà nước, trên phương diện thượng tôn pháp luật, cái gì muốn nói là đẹp thì đầu tiên phải an toàn, phải đúng quy định pháp luật.
“Giờ có ông khách du lịch nói trèo lên cành cây ngồi ngắm cảnh rất hay, rất thú vị thì chúng ta cũng để ông ta ngồi à? Nếu không may cành cây bị gãy, ông khách đó ngã xuống đất chấn thương thì ai chịu trách nhiệm?” - ông Đinh Đoàn lấy ví dụ.
Phân tích sâu hơn về nguyên nhân tồn tại của các quán cà phê đường tàu, chuyên gia Tâm lý học cho rằng, hiện tượng khách du lịch tìm đến với các tụ điểm này trong thời gian qua chưa hẳn vì những thứ họ ghi nhận được ở đây là đẹp trong mắt họ mà đơn giản vì đó là những thứ họ bị cấm, họ không thấy được ở quê nhà. Đối với du lịch, việc thu hút du khách đương nhiên cũng là điều quan trọng nhưng vấn đề quan trọng nhất là giữ gìn nét đẹp văn hóa và sự tôn nghiêm của pháp luật.
Đồng quan điểm trên, TS Phan Lê Bình - chuyên gia Tư vấn cao cấp của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) nêu quan điểm nên dẹp bỏ các quán cà phê đường tàu để để phục vụ cho mục đích cao cả nhất là đảm bảo an toàn cho người dân và du khách. “Những vụ tai nạn tại các quán cà phê đường tàu này chưa xảy ra có lẽ phần lớn vì người lái tàu quá sợ tai nạn và cơ quan quản lý chạy tàu cũng không cho phép tàu chạy nhanh khi đi qua những khu vực có các quán cà phê này. Nhưng vô hình chung, chính điều đó đã làm giảm tốc độ chạy tàu nói chung, từ đó làm giảm hiệu quả khai thác của ngành đường sắt” - ông Phan Lê Bình nói.
Chuyên gia tư vấn của JICA phân tích thêm, tàu hỏa là loại phương tiện được thiết kế chạy trên đường ray riêng và việc phanh dừng của nói không phụ thuộc vào mắt nhìn của người lái tàu. Nhìn thấy phanh ngay là đã không kịp. Từ lúc cài phanh cho đến lúc tàu dừng là 800m. Do đó, vấn đề an toàn đường sắt luôn được đặc biệt coi trọng vì một khi tai nạn đường sắt xảy ra tỉ lệ thương tích nặng, tử vong cao thường rất lớn.