Aa

Tranh chấp dự án khu dân cư cao cấp và trường đua ngựa ở Long An: Cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Phó Thủ tướng

Thứ Ba, 15/01/2019 - 22:51

Mặc dù đã có chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Bình và Bộ Tư pháp nhưng ngày 18/12/2018, Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Long An vẫn ban hành Quyết định (QĐ) số 07/QĐ-CTHADS với nội dung: "Tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản đối với 13 sổ đỏ đứng tên Công ty Hồng Phát …".

CPL đã “lật kèo” như thế nào?

Ngày 11/7/2005, UBND tỉnh Long An ban hành Quyết định thu hồi 273ha đất để giao cho Công ty Hồng Phát triển khai dự án (giai đoạn I) Khu đô thị mới và Trường đua ngựa tiêu chuẩn quốc tế.

Ngày 01/6/2007, CPL là công ty con của Công ty Chuang’s Consortium International Limited (Công ty Chuang’s) có trụ sở tại Hồng Kông và Hồng Phát ký “Thỏa thuận khung” xác định tổng số vốn đầu tư ban đầu cho dự án là 140 triệu USD. Hồng Phát và CPL dự định ký kết một Hợp đồng thành lập công ty liên doanh với vốn điều lệ 21,4 triệu USD, trong đó Hồng Phát góp 30% bằng giá trị quyền sử dụng đất (QSDĐ), CPL góp 70% bằng tiền mặt. CPL tạm ứng 15,6 triệu USD để trả cho các khoản chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng, hoàn thành thủ tục cấp QSDĐ… Số tiền này được tính vào tiền góp vốn của CPL khi thành lập công ty liên doanh.

Phải mất gần 8 tháng (từ tháng 6/2007 đến tháng 02/2008), CPL mới chuyển đủ số tiền 15,6 triệu USD, trong đó có 13 triệu USD chuyển trực tiếp qua Trung tâm Dịch vụ tư vấn nhà đất tỉnh Long An để chi trả cho các hộ dân bị thu hồi đất.

Dự án

Dự án của Công ty Hồng Phát

Tuy nhiên, theo bà Thái Thị Hồng Hậu, Phó TGĐ Công ty Hồng Phát, ngay khi ký Thỏa thuận khung thì phía CPL đã cố tình vi phạm.

Cụ thể, tại điều 11 của Thỏa thuận khung, ghi rõ việc hai bên phải bảo mật những nội dung của thỏa thuận và các thông tin mà hai bên cung cấp liên quan đến dự án. Thế nhưng ngày 21/6/2007, tức chưa tới 3 tuần sau khi Thỏa thuận khung được ký kết, CPL thông qua công ty mẹ Chuang’s, đưa toàn bộ dự án lên sàn chứng khoán Hồng Kông. CPL còn đổi tên dự án thành “Saigon Beverly Hills”, trong đó CPL góp 70% vốn.

Việc lấy “râu ông cắm cằm bà”, gắn địa danh Sài Gòn, thành phố lớn nhất của Việt Nam với “Beverly Hills” của Mỹ đã lộ rõ ý đồ gian dối, có chủ đích của CPL và công ty mẹ Chuang’s. Thủ đoạn “đánh lận con đen” nhằm lừa dối, để các cổ đông và nhà đầu tư tại thị trường chứng khoán Hồng Kông lầm tưởng CPL đang nắm giữ đến 70% dự án bất động sản “tầm cỡ” tại Việt Nam. Ngay lập tức cổ phiếu của CPL tăng giá mạnh, giúp  CPL thu lợi đến 80 triệu USD.

Ngày 10/7/2008, Giám đốc CPL là ông Andrew Lui, viết thư gửi Hồng Phát, thẳng thừng từ chối: “CPL không thể xem xét bất kỳ khoản thanh toán đầu tư nào thêm cho dự án cho đến khi có một hợp đồng liên doanh ràng buộc”.

Tiếp đến, ngày 26/9/2008, CPL có văn bản, đưa ra điều kiện: “CPL chỉ có thể xem xét các khoản thanh toán tiếp theo khi Giấy chứng nhận QSDĐ của toàn dự án đã được cấp dưới tên của công ty liên doanh”.

Theo bà Hậu, điều kiện mà CPL đưa ra quá phi thực tế. Bởi dự án chỉ mới thực hiện được một phần của giai đoạn I; chưa triển khai giai đoạn II (220 ha) thì lấy đâu ra Giấy chứng nhận QSDĐ của toàn dự án?

Bên trong dự án

Bên trong dự án

Do đó, ngày 27/10/2008 Công ty Hồng Phát có văn bản gửi CPL thông báo không tiếp tục hợp tác để triển khai dự án. Hồng Phát sẽ thu xếp, hoàn lại số  tiền 15,6  triệu USD cho CPL.

Với tư cách là chủ đầu tư, Hồng Phát phải tìm nguồn tài chính để triển khai dự án đúng tiến độ. Sau khi hoàn thành các thủ tục pháp lý, Hồng Phát được UBND tỉnh Long An cấp 13 Giấy chứng nhận QSDĐ với 232,66ha vào ngày 26/6/2009. Đến lúc này, đại diện CPL gửi đơn tố cáo Chủ tịch HĐQT Công ty Hồng Phát là bà Trần Thị Việt Thanh chiếm đoạt 15,6 triệu USD.

Vào cuộc điều tra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an kết luận: CPL đã chuyển 15,6 triệu USD cho Hồng Phát để thực hiện dự án. Hồng Phát đã nhận tiền, đang triển khai dự án là có thật. Dự án đã được UBND tỉnh Long An cấp Giấy chứng nhận QSDĐ. Đây là tranh chấp kinh tế dân sự.

Cần thực hiện đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình

Phối cảnh dự án

Phối cảnh dự án

Tiếp đó CPL tiếp tục kiện Công ty Hồng Phát ra Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC). Ngày 25/4/2013, VIAC ra Phán quyết trọng tài số 29/12, buộc Công ty Hồng Phát tiếp tục thực hiện thỏa thuận khung. Cả hai bên cùng đóng phí trọng tài là 114.207,16 USD. Trong đó, CPL chịu 20%, Công ty Hồng Phát 80%. Do CPL đã đóng tạm ứng toàn bộ khoản phí cho VIAC, nên Công ty Hồng Phát phải trả lại cho CPL 91.365,73 USD.

Ngày 29/10/2013, Cục THADS TP.HCM ban hành quyết định thi hành Phán quyết trọng tài. Tiếp đó ban hành văn bản ngăn chặn mọi giao dịch liên quan đến 232,66ha của Công ty Hồng Phát. Đến ngày 18/8/2014, Cục THADS TP.HCM ủy thác cho Cục THADS tỉnh Long An thi hành phán quyết trọng tài này.

Ngày 1/10/2014, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An Nguyễn Văn Gấu ký quyết định thi hành phán quyết trọng tài, phân công Chấp hành viên (CHV) Đỗ Văn Minh thực hiện.

Ngày 10/12/2014, CHV ký công văn ngăn chặn giao dịch liên quan đến thửa đất số 04 có diện tích 219.226m2 (nằm trong 232,66ha).

Sau khi Công ty Hồng Phát nộp đủ phí trọng tài, lệnh ngăn chặn được gỡ bỏ vào năm 2016. Việc thi hành phán quyết trọng tài được chuyển cho CHV Võ Văn Xuân thực hiện.

Ngày 18/9/2017, CHV Võ Văn Xuân ký Công văn số 525/CTHA ngăn chặn toàn bộ 13 "sổ đỏ” của Công ty Hồng Phát, dẫn đến khiếu nại của công ty này.

Ngày 28/11/2017, Văn phòng Chính phủ (VPCP) có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Long An xem xét, xử lý các nội dung khiếu nại.

Ngày 4/6/2018, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có Văn bản số 123/BC-BTP nêu rõ: Đối với trường hợp các bên không thỏa thuận được việc thành lập công ty liên doanh hoặc đến thời hạn trước ngày 5/6/2018 theo yêu cầu của UBND tỉnh Long An mà việc thỏa thuận không có kết quả, Bộ Tư pháp sẽ chỉ đạo Tổng cục THADS yêu cầu Cục THADS tỉnh Long An giải quyết việc thi hành án theo đúng pháp luật, vì không có cơ sở để áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản theo Điều 71 Luật THADS.

Ngày 31/8/2018, VPCP có Văn bản số 8248/VPCP-V.I truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình: "Đồng ý về nguyên tắc hướng giải quyết của Bộ Tư pháp tại Văn bản 123/BC-BTP... Nếu có tranh chấp về góp vốn và bồi thường thiệt hại trong việc thực hiện thỏa thuận khung giữa 2 công ty, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Viện KSND tối cao, UBND tỉnh Long An hướng dẫn công ty khởi kiện ra toà án nhân dân để giải quyết".

Bà Thái Thị Hồng Hậu, Phó TGĐ Công ty Hồng Phát cho biết, bà rất bất ngờ khi nhận Quyết định (QĐ) số 07/QĐ-CTHADS của Cục THADS tỉnh Long An do CHV Đặng Hoàng Yên ký ngày 18/12/2018. Theo bà Hậu, việc CHV yêu cầu  "Tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản đối với 13 sổ đỏ đứng tên Công ty Hồng Phát cho đến khi các bên thi hành xong Phán quyết trọng tài số 29/12" mà không đưa ra lý do cụ thể là không thuyết phục.

Cục THADS tỉnh Long An không có căn cứ để cưỡng chế kê biên tài sản đối với 13 "sổ đỏ”, chỉ có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế khi các bên đã thành lập được công ty liên doanh. Trong khi đó, Công ty Hồng Phát không đưa 13 "sổ đỏ” góp vốn vào công ty liên doanh này.

Được biết, ngày 26/11/2018, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Văn Sơn có công văn yêu cầu Cục THADS tỉnh Long An ban hành văn bản chấm dứt thi hành Công văn 525.

"Sau 14 tháng ròng rã khiếu nại, kiến nghị, tưởng vụ việc kết thúc có hậu, không ngờ lại phát sinh việc ngăn chặn mới. Rõ ràng quyết định số 07/QĐ-CTHADS thể hiện quan điểm "tiền hậu bất nhất" của cơ quan thi hành án tỉnh Long An", bà Thái Thị Hồng Hậu bày tỏ.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top