Bộ Giao Thông Vận tải đề xuất phương án làm đường sắt cao tốc để chuyên chở hành khách tốc độ 350km/h với mức chi trên 58 tỷ USD. Bộ Kế hoạch đầu tư đưa phương án làm đường sắt cao tốc cho cả chở hành khách và chở hàng hóa với tốc độ 200 km/h, chi phí 26 tỷ USD.
Một sự việc hy hữu. Hy hữu không phải là vì hai Bộ có ý kiến khác nhau. Cái này đâu phải hiếm. Nhưng thường thì các quan điểm khác nhau của Bộ, Ngành diễn ra trong các cuộc họp, qua các văn bản ít người biết, chứ không công khai trên công luận. Cho nên đó là chuyện hy hữu. Cái hy hữu thứ hai là ở quy mô của tiền bạc. Quá to. Và sự chênh lệch về số tiền hai phương án dự trù. Quá lớn.
Làm đường sắt cao tốc là một gánh nặng sụn lưng. Nhưng như ta vẫn thường phải cố mà gánh dù có nguy cơ sụn lưng, nếu đường sắt cao tốc không làm không được thì vẫn phải nghiến răng mà làm. Đường sắt ta đang có là từ thời...Pháp thuộc để lại. Vấn đề là làm theo mô hình nào thì đúng nhất. Đúng về mọi khía cạnh kinh tế-kỹ thuật. Đây là vấn đề phức tạp, nên cho dù trong lòng ta "thích" phương án nào, thì vẫn cần nghe cho hết các lập luận đã rồi hãy rút ra kết luận cho mình.
Thực sự cá nhân tôi thấy mừng rơn khi hai Bộ đang hoặc sắp cãi nhau. Vâng, nếu người ta cãi nhau, nhất là mất mặn mất nhạt, thì không phải chuyện dễ chịu cho cả người trong cuộc, cả người chứng kiến. Nhưng trường hợp này thì mừng lắm. Rất mừng!
Bởi lẽ chắc chắn sự "dĩ hòa vi quý" hay đúng hơn là sự không bằng lòng nhưng "thôi kệ" lâu nay rất có hại cho dân cho nước. Hại ở đây là hại tiền ấy, những cái khác nó xa xôi chưa nói. Hại bằng tiền. Mà tiền thì, khổ lắm, chúng ta lại chưa bao giờ dư dả cả!
Sự sai đúng khi quyết theo phương án nào sẽ liên quan đến nền tài chính quốc gia, đến nợ nần, đến cả thời con ta, cháu ta. Vì vậy nó không được sai. Nếu sai thì sau này khi đã rõ là sai cũng đã muộn. Phải chọn đúng ngay từ bây giờ.
Muốn chọn đúng, cần tranh luận. Cần nghe ý kiến người khác, cần có lập luận của mình. và cuộc tranh luận này không phải chỉ là việc của hai Bộ Giao thông và Kế hoạch-Đầu tư. Cũng không chỉ của các bộ ngành. Nó nên có sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu kinh tế. Nghe nhau và có lẽ nghe cả người ngoài nữa. Kinh nghiệm quốc tế và kiến thức quốc tế cũng cần thiết vô cùng. Dĩ nhiên, không phải ai cũng rành rẽ vấn đề này, nên chúng ta nếu không có đủ kiến thức để tham gia bằng lập luận, thì cũng hãy tham gia bằng sự khách quan chứng kiến, khuyến khích cổ động cho sự tranh luận nghiêm túc, xây dựng, bổ ích.
Hỡi các vị Bộ trưởng, chúng tôi muốn các vị tranh luận! Hỡi các nhà nghiên cứu, hãy nói lên phân tích của mình, chúng tôi muốn nghe!
Trong những vấn đề lớn thế này của quốc kế dân sinh, sự đồng thuận phải và nên là kết quả của tranh luận. Tranh luận hết nhẽ để cho ra nhẽ!