Aa

Trẻ em như búp trên cành

Thứ Ba, 01/06/2021 - 06:00

Ngày 1/6 hằng năm đã trở thành Tết Thiếu nhi ở Việt Nam, với mong muốn các em được sống trong sự yêu thương đùm bọc của gia đình, xã hội, để các em sẽ xây dựng một tương lai tràn ngập hạnh phúc và tình thương.

Trong ký ức của thế hệ 5x như chúng tôi, Tết Thiếu nhi mồng 1 tháng 6 cũng sâu đậm như Rằm Trung thu, đủ để nhớ về một tuổi thơ hồn nhiên, trong trẻo.

Mồng 1 tháng 6 học sinh đã nghỉ hè, vì vậy đến ngày này là các anh chị phụ trách Đội và chi đoàn thanh niên xóm thường tổ chức liên hoan cho thiếu nhi. Lũ trẻ con chúng tôi được quàng khăn đỏ, đêm đến tập trung ở sân kho chờ được phát quà… Tháng 6 chưa vào mùa hoa quả nên quà thường là cái kẹo bột, thế mà cũng đến chín mười giờ đêm mới tan cuộc. Có năm trời đẹp thì tổ chức đội trống đồng đi đánh tùng dinh khắp xóm rất rôm rả…

Nhưng có lẽ nhớ nhất là bài tập đọc mà tôi cũng chẳng nhớ của lớp mấy và tác giả là ai nữa, nhưng lời thơ thì cả thế hệ tôi có lẽ ai cũng thuộc:

Mồng một tháng sáu

Tết của thiếu nhi

Mẹ đưa em đi

Sắm quà mậu dịch.

Có nhiều cái thích

Có cái ô tô

Có con voi to

Có gà mổ thóc

Có cả con cóc

Và con thỏ bông…

Cái gì em trông

Cũng đều thích cả

Em chọn khó quá

Vậy các bạn xem

Bảo thầm cho em

Chọn gì hơn nhỉ?

Ấy là đọc cho oai thế thôi, chứ lũ trẻ con nông thôn chúng tôi được quàng khăn đỏ và đêm đến tập trung ở sân kho hợp tác xã phát cho cái kẹo bột đã mừng húm rồi, lấy đâu đồ chơi mua ở cửa hàng mậu dịch quốc doanh… Tất cả những đồ chơi trên đều là thứ đơn giản. Tỷ như “gà mổ thóc” là thứ cử động được kia cũng chỉ làm bằng sắt tây, nhiều khi là từ vỏ hộp sữa bò, cắt thành hình hai chú gà, chốt vào một thanh ngang, dưới có tay cầm; khi bóp tay cầm thì một chú gật đầu xuống và một chú ngẩng lên, bỏ tay ra thì hai chú gà lại thay đổi động tác, trông như đang mổ thóc. Ấy vậy mà là niềm mơ ước không bao giờ với tới của biết bao trẻ con ở một thời gian khó. Ngay cả các đồ chơi liệt kê có tích ước lệ kể trên, tôi cũng chỉ mới được nhìn thấy chiếc ô tô và con gà bằng sắt tây, còn những thứ khác cũng chỉ là “nghe qua sách”. Nói thế để thấy, trẻ em bây giờ đã được chăm sóc hơn rất nhiều…

Năm 1941, ngay từ khi chưa có Ngày quốc tế thiếu nhi 1/6, Bác Hồ đã đăng bài thơ trên báo Độc Lập với bốn câu mở đầu:

Trẻ em như búp trên cành

Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan

Chẳng may vận nước gian nan

Trẻ em cũng bị bận thân cực lòng.

Tiếp theo là những câu nói về những cảnh “cực lòng” của trẻ em, rồi kết bài thơ, Bác ao ước và tin tưởng:

Bao giờ đánh đuổi Nhật, Tây

Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng.

Đến năm 1949, sau hai sự kiện phát xít Đức thảm sát hàng loạt trẻ em làng Li – đi – xơ (Tiệp Khắc – 1/6/1942) và thị trấn Ô – ra – đua (Pháp – 10/6/1944), Liên đoàn Phụ nữ dân chủ Quốc tế đã quyết định lấy ngày 1/6 hằng năm làm Ngày quốc tế bảo vệ thiếu nhi, nhằm đòi chính phủ các nước phải nhận trách nhiệm về đời sống thiếu nhi, đòi giảm ngân sách quân sự để tăng ngân sách giáo dục, bảo vệ và chăm sóc thiếu niên, nhi đồng. Thế là, bắt đầu từ năm 1950, ngày 1/6 trở thành Ngày của thiếu nhi.

Ở Việt Nam, sau khi nước nhà giành được độc lập và hòa bình ở một nửa đất nước, ngày 1/6 và Tết Trung thu vào Rằm tháng Tám âm lịch hằng năm đã thực sự trở thành ngày hội của trẻ em, và ngày 1/6 được gọi là Tết thiếu nhi. Ước ao của Bác đã trở thành sự thật.

Ngày nay, tuy một số trẻ em vùng cao, vùng sâu vùng xa vẫn còn những thiếu thốn, nhưng nhìn chung thiếu nhi cả nước ta đã được sống trong sự thương yêu của gia đình, sự đùm bọc của cộng đồng và sự chăm sóc của nhà nước, xã hội. Việt Nam cũng là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới, vào ngày 20/2/1990, đã phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em – Văn kiện pháp lý Quốc tế đầu tiên đề cập toàn diện đến các quyền trẻ em dựa trên nguyên tắc trẻ em có quyền được chăm sóc, bảo vệ và giúp đỡ đặc biệt. 

Nhân ngày 1/6, Ngày Tết Thiếu nhi năm nay, Reatimes xin đăng chùm ảnh về thiếu nhi với mong muốn các em luôn được sống trong một gia đình, một cộng đồng, một xã hội, một đất nước chan chứa tình yêu thương và có một cuộc đời dâng hiến, hạnh phúc. Các em được sống trong yêu thương và hạnh phúc thì sẽ biết cách xây dựng một xã hội, một tương lai hạnh phúc và tràn ngập yêu thương…

Trẻ em như búp trên cành

Các em được sống trong sự yêu thương của gia đình...

...sự đùm bọc của cộng đồng và chăm sóc của Nhà nước, xã hội

Các em được chăm sóc, bảo vệ, học tập, vui chơi, phát triển toàn diện để xây dựng một tương lại tốt đẹp...

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top