Dầu khí là một trong 3 nhóm ngành trên sàn chứng khoán tăng trưởng khả quan nhất về doanh thu và lợi nhuận
Kinh tế vĩ mô 6 tháng ổn định
Tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm chưa đạt được mức kỳ vọng do khu vực công nghiệp – xây dựng tăng trưởng chậm lại. Mặc dù Chính phủ đang tìm đến các giải pháp mang tính ngắn hạn như tăng sản lượng khai thác dầu thô, đẩy nhanh vốn đầu tư công nhưng mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay vẫn là rất thách thức.
Chỉ số CPI đã hạ nhiệt nhanh chóng trong quý II/2017, qua đó khiến rủi ro lạm phát trong năm nay giảm đi đáng kể. Dựa trên diễn biến lạm phát thuận lợi, NHNN sẽ có thêm điều kiện thuận lợi để mạnh tay thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ hơn nữa trong 6 tháng cuối năm.
Diễn biến tỷ giá trong 6 tháng đầu năm tương đối bình ổn. Dù cán cân thương mại chuyển sang vị thế nhập siêu nhưng bù lại cán cân vốn của Việt Nam vẫn đạt mức thặng dư nhờ nguồn vốn giải ngân FDI, FII và kiều hối.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán (TTCK) diễn biến khởi sắc trong nửa đầu năm 2017 với tăng trưởng ở cả điểm số, khối lượng và giá trị giao dịch. Trong 6 tháng đầu năm, khối ngoại đã mua vào hơn 8,7 nghìn tỷ đồng trên sàn HOSE, kỷ lục mới được thiết lập trên TTCK Việt Nam, sau khi bán ròng trong nửa cuối năm 2016.
Trong bối cảnh mặt bằng giá cổ phiếu được đánh giá chưa phải là đắt, các yếu tố như chính sách tiền tệ của NHNN, triển khải TTCK phái sinh, Nghị định mới về xử lý nợ xấu... sẽ hỗ trợ thị trường tiếp tục đi lên trong trung hạn.
Ngành dịch vụ tiêu dùng, công nghiệp và dầu khí lên ngôi
Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), hoạt động sản xuất, kinh doanh các doanh nghiệp trên cả 2 sàn trong quý I/2017 đạt kết quả ấn tượng về tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước.
Số các doanh nghiệp tăng trưởng dương về lợi nhuận chiếm gần 56% trong tổng số 626 doanh nghiệp được quan sát. Tổng doanh thu toàn bộ 626 doanh nghiệp này tăng 13% trong khi lợi nhuận tăng mạnh 39,7%.
Theo đó, biên lợi nhuận ròng tăng mạnh từ mức 7,1% lên 8,8%, với sự khởi sắc hoạt động sản xuất kinh doanh trên diện rộng và đồng đều ở tất cả các nhóm ngành.
Trong đó, các doanh nghiệp tăng trưởng top đầu đều có mức tăng trưởng đột biến về lợi nhuận như CII (1,2 nghìn tỷ đồng), HPG (912 tỷ đồng), GAS (861 tỷ đồng) và VNM (777 tỷ đồng) hay JVC (tăng trưởng mạnh do cùng kỳ ghi nhận lỗ 1,37 nghìn tỷ đồng sau kiểm toán)…
Trong khi các doanh nghiệp sụt giảm mạnh nhất về lợi nhuận có mức giảm tương đối thấp như DPM (-183 tỷ đồng), PGS (-159 tỷ đồng), BMP (-98 tỷ đồng), HNG (-86 tỷ đồng) và PAN (-78 tỷ đồng)…
BVSC cũng cho hay, các ngành tăng trưởng mạnh nhất gồm có dịch vụ tiêu dùng, công nghiệp và dầu khí. Ngành dẫn đầu về tăng trưởng lợi nhuận là ngành dịch vụ tiêu dùng (+144%) cùng với tăng trưởng khá tốt về doanh thu (+16%). Gần 63% số doanh nghiệp trong ngành này tăng trưởng dương về lợi nhuận, trong đó đáng chú ý có thể kể đến PNJ, HAX, TCT...
Ngành công nghiệp đứng thứ 2 về tăng trưởng lợi nhuận (+66%) cùng với mức tăng trưởng khá ở doanh thu (+14,6%). Số doanh nghiệp tăng trưởng dương về lợi nhuận trong ngành chỉ ở mức hơn 51%. Trên thực tế, mức tăng đột biến trên ở ngành công nghiệp có đóng góp chủ yếu bởi tăng trưởng ở nhóm các doanh nghiệp vốn hóa lớn như HPG, STG và REE… Trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh ở nhóm doanh nghiệp vốn hóa vừa và nhỏ trong ngành không thực sự nổi bật so với cùng kỳ.
Ngành dầu khí là ngành có tăng trưởng đứng thứ 3 về lợi nhuận (+37%), sau nhiều quý sụt giảm liên tiếp trước đó. Diễn biến hồi phục ở nhóm các doanh nghiệp trong ngành nhờ giá dầu hồi phục từ vùng đáy được xác lập trong quý 1 năm trước và giao dịch ổn định trong quý 1 năm nay.