Aa

Triển vọng nào cho thị trường khách sạn khu vực Châu Á – Thái Bình Dương?

Chủ Nhật, 06/08/2017 - 14:40

Sau sự khởi đầu tương đối khả quan đầu năm 2017, thị trường khách sạn có phần chững lại trong thời điểm quý II/2017 với tổng cộng 29 giao dịch khách sạn trên 8 nước trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, đạt giá trị 1,58 tỷ đô la Mỹ. Như vậy trong 6 tháng đầu năm 2017 tổng giá trị giao dịch đã giảm 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đó là nhận định của ông Raymond Clement, Giám đốc điều hành bộ phận Khách sạn, Savills châu Á Thái Bình Dương trong báo cáo mới nhất về thị trường khách sạn tại Châu Á, Thái Bình Dương. Theo đó, ông Raymond Clement cho rằng, các nhà đầu tư có xu hướng tập trung nhiều hơn vào các cơ hội đầu tư trong nước. Tuy vậy, với tình hình hoạt động hiện nay của các thị trường trong khu vực, việc các nhà đầu tư cân nhắc đến thị trường thứ cấp, nơi xuất hiện nhiều tài sản có giá trị gia tăng cao, có thể là một hướng đi đúng đắn.

Một trong những giao dịch lớn nhất trong quý này là khách sạn Four Seasons Bora Bora được chủ đầu tư Pháp, Thierry Barbion và tập đoàn Lancaster Group bán cho Gaw Capital. Giao dịch này được công bố vào tháng 2 và được hoàn thiện trong quý 2. Một giao dịch đáng chú ý khác là dự án khách sạn InterContinental Sydney Double Bay được bán với giá 140 triệu đô la Úc (tương đương 105,3 triệu đô la Mỹ). Khách sạn này cũng được công ty Trung Quốc, Shanghai United RE mua từ tập đoàn Royal Group.

Theo ghi nhận của Savills, tuy giá trị của giao dịch Four Seasons Bora Bora tại quần đảo French Polynesia khá lớn, phần lớn các thương vụ mua bán khách sạn vẫn diễn ra ở các thị trường phát triển như Úc, Hồng Kông và Nhật, thu hút các nhà đầu tư trong nước bởi kết quả hoạt động ổn định của phân khúc khách sạn.

Mặc dù 6 tháng đầu năm ghi nhận giá trị giao dịch đầu tư thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái do kỳ vọng của giới đầu tư vào phân khúc khách sạn trong khu vực có phần giảm, nhà đầu tư vẫn đang tích cực tìm kiếm các khoản đầu tư ổn định nhằm cân đối tiềm năng phát triển thị trường, đặc biệt là tại các thị trường đã phát triển. Tuy vậy, các giao dịch trong khu vực này thường có mức giá cao và có lợi suất tương đối thấp.

Julien Naouri, Giám đốc bộ phận Khách sạn, Savills châu Á Thái Bình Dương cho biết: “Các thị trường khác tại châu Á Thái Bình Dương đều rất khả quan, nhưng với lợi suất có thể lớn hơn so với mức trung bình trên toàn cầu, các nhà đầu tư đang có cách tiếp cận chiến lược hơn, lựa chọn các BĐS có tiềm năng gia tăng giá trị lớn”.

Nhận định về triển vọng của phân khúc khách sạn, Savills cho rằng, giá trị đầu tư của các nhà đầu tư Trung Quốc vào khu vực đã giảm do quy định nghiêm ngặt hơn về việc đầu tư ra nước ngoài. Các quy định này nhiều khả năng sẽ tiếp tục được áp dụng trong thời gian tới.

Tại Nhật Bản, chính phủ đã phê duyệt quy định hạn chế thời gian chia sẻ nhà ở tư nhân xuống còn 180 ngày/năm, đồng nghĩa với việc hợp pháp hóa hoạt động của các hình thức cho thuê ngắn hạn như Airbnb. Trước đây, các hình thức này hoạt động chưa hoàn toàn hơp pháp; nay nếu được hợp pháp hóa sẽ thu hút một lượng nhu cầu thuê khách sạn, từ đó tạo ra áp lực về giá thuê phòng.

Tại các thị trường lớn của khu vực châu Á Thái Bình Dương như Hồng Kông, Úc, Nhật và Singapore, một số giao dịch lớn đang được thương lượng. Các giao dịch này sẽ có tác động đáng kể đến tổng giá trị giao dịch trong năm nay.

các nhà đầu tư có xu hướng tập trung nhiều hơn vào các cơ hội đầu tư trong nước.

Các nhà đầu tư có xu hướng tập trung nhiều hơn vào các cơ hội đầu tư trong nước.

Ở thị trường khách sạn Đông Nam Á và Nam Á, theo Savills, Singapore luôn luôn là thị trường đón nhận nguồn vốn đầu tư chính trong khu vực Đông Nam Á, tuy vậy, số lượng giao dịch trong khu vực này khá ít và có sự chênh lệch đáng kể giữa các nước.

Trong quý II/2017, hai khách sạn boutique, The Naumi Liora và The Club Hotel, đã được tập đoàn the Hind Group bán cho 8M Real Estate với tổng giá trị giao dịch đạt 127,5 triệu đô la Singapore (tương đương với 92,1 triệu đô la Mỹ). Mặc dù khách sạn tại Singapore thường có mức giá cao hơn, sự ổn định của thị trường và công suất cho thuê cao đem đến cho các nhà đầu tư luồng tiền ổn định, phù hợp với các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội BĐS đầu tư dài hạn.

Malaysia cũng ghi nhận 2 giao dịch nằm ngoài 2 thành phố đầu tư lớn là Kuala Lumpur và Johor Bahru. Khách sạn The Lone Pine và khách sạn The Summit Hotel Bukit Mertajam tại Penang, được bán cho các nhà đầu tư trong nước với tổng giá trị giao dịch là 120 triệu ringgit (tương đương với 23,1 triệu đô la Mỹ). Do đồng Ringgit suy yếu, giá BĐS tại Malaysia có phần giảm đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy vậy, các nhà đầu tư vẫn đang rất thận trọng khi đưa ra quyết định đầu tư.

Thị trường Malaysia có thể sẽ gặp phải một số trở ngại do thuế du lịch sẽ được áp dụng từ tháng 7 năm 2017. Tất các loại hình BĐS lưu trú cho khách du lịch, như khách sạn đăng ký sẽ bị đánh thuế từ 2,5 ringgit/ phòng/ đêm cho loại hình lưu trú không được xếp hạng đến 20 ringgit/ phòng/ đêm cho loại hình lưu trú 5 sao.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top