Theo Vietnam Report, trong những năm gần đây, ngành bán lẻ Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng. Tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) trong giai đoạn 2013 - 2018 là 10,97%. Tổng doanh thu bán lẻ cũng dự kiến sẽ đạt 180 tỷ USD vào năm 2020, tương đương mức tăng 26,6% từ năm 2018.
Với dân số hơn 97 triệu người, cơ cấu dân số trẻ (60% dân số ở độ tuổi 18 - 50), trong khi, Việt Nam được World Bank đưa ra dự báo là chi tiêu hộ gia đình sẽ tăng trung bình 10,5%/năm, đi kèm tốc độ gia tăng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu.
Trong bối cảnh đó, chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) của Tập đoàn Tư vấn Thị trường A.T Kearney (Mỹ) đánh giá, Việt Nam nhiều năm liền nằm trong số 30 nền kinh tế có thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Đây chính là triển vọng sáng cho ngành bán lẻ Việt Nam trong thời gian tới.
Cửa hàng tiện lợi và siêu thị nhỏ chiếm ưu thế…
Theo thống kê từ Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cả nước hiện có khoảng 8.660 chợ, 800 siêu thị, 168 trung tâm thương mại các loại và hơn 1 triệu cửa hàng quy mô hộ gia đình.
Số lượng siêu thị ở TP. HCM và Hà Nội tăng 10% (150 cửa hàng năm 2019, 136 cửa hàng năm 2018), trong khi số lượng ở các tỉnh khác tăng 23% (161 cửa hàng năm 2019, 131 cửa hàng năm 2018). Tương tự với trung tâm thương mại (TTTM), có 55 TTTM ở các tỉnh thành, nhiều hơn tổng số TTTM ở TP. HCM và Hà Nội.
Về cơ cấu bán hàng, cả hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ, những cá nhân bán hàng online và website thương mại điện tử của doanh nghiệp đều tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng thông thường, điện máy, công nghệ, đồ xa xỉ… Tuy nhiên, các loại hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu lại là thế mạnh và được bán chủ yếu trong các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini vốn luôn được xây dựng và vận hành ngay trong các khu dân cư tập trung.
Đặc biệt, theo Vụ Thị trường trong nước, thời gian qua, cửa hàng tiện lợi đang là kênh ưa thích của người tiêu dùng trẻ, nhất là ở thành phố. Dự báo, đến năm 2020, thị phần kênh bán lẻ hiện đại sẽ tăng lên và đáp ứng được 40% nhu cầu tiêu dùng. Cùng với đó là các doanh nghiệp bán lẻ đang phát triển theo hướng chiếm lấy thị trường cửa hàng tiện lợi và siêu thị nhỏ.
Đặc biệt, hiện nay, khu vực nông thôn chiếm diện tích gần 80% cả nước với hơn 70% số dân Việt Nam. Đây chính là “mảnh đất” đầy tiềm năng để các doanh nghiệp bán lẻ hiện đại phát triển. Cùng với tốc độ đô thị hóa, sức mua của khu vực thị trường nông thôn đang tăng lên.
Mặc dù là phân khúc phát triển nhanh hiện nay, kênh mua sắm này vẫn phải đối mặt với sức ép cạnh tranh từ nhiều bên. Vụ Thị trường trong nước cho rằng, kênh bán lẻ hiện đại mới đáp ứng được 25% nhu cầu của người dân, 75% còn lại phụ thuộc vào kênh phân phối truyền thống, cộng với cuộc cạnh tranh không cân sức với các doanh nghiệp ngoại đang đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam. Do đó, mô hình tiện lợi phải không ngừng thay đổi mình để có thể chiếm được niềm yêu thích từ khách hàng
Đầu tư công nghệ – Hướng đi của các nhà bán lẻ
Ngày nay, Cách mạng Công nghệ 4.0 lan tỏa đến tất cả ngành nghề và ngõ ngách của cuộc sống đã đặt ra vấn đề cho các doanh nghiệp tiếp cận khách hàng hoặc sẽ trở nên lạc hậu. Trên thực tế, theo báo cáo của Vietnam Report - một công ty tiên phong trong lĩnh vực báo cáo đánh giá xếp hạng doanh nghiệp, sản phẩm và dịch vụ tại Việt Nam, công nghệ 4.0 trong lĩnh vực bán lẻ đang âm thầm diễn ra và tạo nhiều cơ hội phát triển cho Việt Nam với những thay đổi đột phá từ những tiêu chuẩn dịch vụ đa dạng, hiệu quả và nhanh chóng dựa trên nền tảng công nghệ số.
Thế giới Di động - một trong 10 nhà bán lẻ uy tín của Việt Nam đã dành ra 13 năm để xây dựng hệ thống quản trị công nghệ vào trong tất cả các hoạt động quản lý bán hàng, quản lý kho, báo cáo tài chính, tính lương/thưởng, quản lý khách hàng hay cả tuyển dụng... Đây cũng chính là mục tiêu, hướng đi của đơn vị này để có thể đạt doanh thu 120.000 tỷ vào năm 2020.
Không chỉ có Thế giới Di động, với các doanh nghiệp bán lẻ, công nghệ sẽ thúc đẩy ngành hàng phát triển theo hướng nhanh hơn, tiện hơn, nâng cấp công cụ thanh toán hay phát triển những mô hình kinh doanh mới như kinh doanh trực tuyến, tiếp thị đa kênh... Hiện nay, thói quen mua sản phẩm qua điện thoại, thương mại điện tử… của người dân không ngừng tăng lên, cho thấy người tiêu dùng đang quen dần với việc ứng dụng công nghệ vào mua sắm.
Nguyên nhân là do, theo các thống kê gần đây của Appota công bố, Việt Nam đang nằm trong top 20 nước có số người sử dụng Internet cao nhất thế giới với 49 triệu người kết nối Internet. Không những thế, Việt Nam là nước được biết có kết nối di động cao: 55% người Việt sở hữu điện thoại thông minh và theo dự báo, đến năm 2020 cứ 10 người Việt sẽ có 8 người dùng điện thoại di động (Google APAC) và 46% người sở hữu máy tính cá nhân. Đây chính là động lực để xu hướng mua bán online tại Việt Nam nói chung sẽ ngày một gia tăng.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho rằng, thương mại điện tử trở thành một phương thức kinh doanh vô cùng hiệu quả và đang có xu thế thay thế dần phương thức truyền thống. Theo quan sát và thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường, các tháng trước Tết, tình trạng người mua tại cửa hàng, siêu thị, chợ giảm so với những năm trước đây, thay vào đó, người tiêu dùng đặt hàng trên mạng.
Các ứng dụng công nghệ được áp dụng rộng rãi sẽ đem lại hiệu quả cho các nhà bán lẻ. Không chỉ áp dụng trong quản lý kinh doanh, công nghệ còn tạo ra sự kết nối, liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau, tạo ra sự minh bạch và phát triển bền vững…
Trên thực tế, vài năm trở lại đây, trên thế giới đã có một số nhà bán lẻ trực tiếp do không kịp thích ứng với thời đại mới đã phải đóng cửa. Trong khi đó, các kênh bán hàng online lại phát triển, điển hình như các tập đoàn Amazon, Alibaba. Vì vậy, đầu tư công nghệ chính là hướng đi tất yếu của các nhà bán lẻ.