“Nhà đầu tư cần trang bị cho mình kiến thức để hiểu và đánh giá đúng tình trạng doanh nghiệp, nắm rõ được rủi ro và tiềm năng với khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp” là ý kiến của bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT với nhà đầu tư tại tọa đàm “Thị trường trái phiếu doanh nghiệp-Triển vọng và thách thức” do VNDIRECT tổ chức chiều 14/10.
Theo bà Phạm Minh Hương, buổi tọa đàm nhằm cung cấp lăng kính quan sát cơ hội đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Điều quan trọng là niềm tin vì niềm tin sẽ làm nên sức mạnh của thị trường.
Thực tế cho thấy, chứng khoán là thị trường của niềm tin. Nếu chúng ta giữ niềm tin thì sẽ giữ được định giá của thị trường Việt Nam so với thế giới và dòng tiền thế giới vẫn đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Việt Nam.
“Thị trường chứng khoán là cuộc chơi của trí tuệ, niềm tin", bà Hương nói.
Theo bà Hương, tiền trong dân còn rất nhiều, nếu huy động được qua kênh trái phiếu doanh nghiệp thì các công ty không phải phụ thuộc vào vốn ngắn hạn của ngân hàng. Qua đó, doanh nghiệp có thể sử dụng được sức mạnh của đòn bẩy tài chính hiệu quả nhất.
Thị trường cổ phiếu Việt Nam đã có hơn 20 năm phát triển và càng ngày càng trở thành kênh dẫn vốn có vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới phát triển “bùng nổ” trong giai đoạn 5 năm nay, hiện tại vẫn đang ở mức trung bình so với khu vực. Hiện nay, các doanh nghiệp có dòng tiền và bảng cân đối mạnh thường trực tiếp huy động vốn trung và dài hạn trên thị trường vốn.
Đánh giá thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều dư địa phát triển nhưng bà Phạm Minh Hương cũng cho rằng nhà đầu tư mua trái phiếu, cổ phiếu phải nhìn vào "sức khỏe" của dòng tiền kinh doanh, mô hình kinh doanh và quản trị bền vững của doanh nghiệp.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho biết tiêu chí để đánh giá tín nhiệm một doanh nghiệp cần nhìn vào việc quản trị doanh nghiệp, năng lực trả nợ, năng lực vốn, tài sản đảm bảo bằng dòng tiền và điều kiện phát hành.
Bà Phạm Minh Hương cho rằng nhà đầu tư cần trang bị cho mình kiến thức để hiểu và đánh giá đúng tình trạng doanh nghiệp, nắm rõ được rủi ro và tiềm năng với khoản đầu tư. Mỗi người có trách nhiệm nhận diện thông tin, bình tĩnh, soi xét để lựa chọn đầu tư, không nghe tin đồn thổi để tránh thiệt hại không đáng có.
Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Tú Anh nhìn nhận những xáo động trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua về mặt nào đó là tích cực khi rủi ro bắt đầu được nhà đầu tư định giá.
Trước đây người dân hồ hởi tham gia thị trường trái phiếu vì lãi suất cao mà không nghĩ đến rủi ro. “Những cú sốc cho chúng ta biết cuộc chơi nào cũng có rủi ro", ông Nguyễn Tú Anh nói.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT Phạm Minh Hương cho biết đầu tư tài chính là hành trình, những trải nghiệm từ những cuộc khủng hoảng vừa qua sẽ giúp chúng ta trưởng thành hơn. Chúng ta có thể thấy rằng chỉ số vĩ mô, vi mô của Việt Nam đang rất ổn so với các nước trong khu vực. Nội tại nền kinh tế tốt, bản chất của người dân cần kiệm nên dự trữ trong dân rất lớn. Bên cạnh đó, với tinh thần tự chủ cao, trong khó khăn, các doanh nghiệp đã tìm phương pháp, sáng tạo, linh hoạt để vượt qua.
PGS.TS Vũ Sỹ Cường, nhà kinh tế trưởng Viện công nghệ và phát triển tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng nền kinh tế của Việt Nam hồi phục mạnh mẽ nhưng thị trường chứng khoán phụ thuộc rất lớn vào dòng tiền. Rõ ràng năm 2020 và 2021, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nền kinh tế bị đình trệ nhưng chứng khoán lại tăng rất mạnh.
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất sẽ gây ra những áp lực nhất định đối với Việt Nam. Thị trường chứng khoán trong ngắn hạn liên quan đến dòng tiền, việc tăng lãi suất sẽ gây ra những khó khăn với thị trường trái phiếu.
Theo các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể tiếp tục trầm lắng trong một vài quý tới. Sự kiện lãnh đạo Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị khởi tố gần đây do những sai phạm trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp thể hiện những nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc làm trong sạch thị trường vốn.
Bên cạnh đó, qua nhiều lần dự thảo, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về chào bán trái phiếu riêng lẻ. Điều này là một điểm tích cực đối thị trường vốn trong dài hạn vì Nghị định 65 tuy mang định hướng thắt chặt hơn so với Nghị định 153, nhưng cũng đã nới lỏng hơn ở một số quy định so với những dự thảo được lấy ý kiến trước đó.
Tuy nhiên, các chuyên gia của VNDIRECT cho rằng các thành viên thị trường gồm: doanh nghiệp phát hành, doanh nghiệp tư vấn và nhà đầu tư cần thời gian để điều chỉnh cho phù hợp với những quy định mới. Vì vậy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể tiếp tục trầm lắng trong một vài quý tới./.