Aa

Trò chơi thời để chỏm

Thứ Ba, 09/06/2020 - 07:00

Tất cả chỉ hơn kém nhau một chữ “biết” mà thôi: Biết mình, biết người; Biết thời thế, thời cơ... Nhưng không phải ai cũng biết! Mới hay, cái đơn giản nhiều khi phải học cả đời.

Thời của mấy chục năm về trước, có đứa trẻ nào (cả ở nông thôn và thành thị) lại không từng một vài lần chơi trò oẳn tù tì? Ngày đó cả xã hội đều còn nghèo, đồ chơi cực hiếm, nếu có thì cũng rất đắt so với thu nhập. Nhưng nhu cầu chơi, nhu cầu khám phá, nhu cầu giao lưu giữa bọn trẻ thì không thể vì nghèo đói, thiếu thốn mà “quên” đi được. Vì vậy những trò chơi của trẻ con phần lớn là tự chế.

Oẳn - tù - tì là một trò chơi như vậy.

Có thể xem nó là trò chơi đơn giản và dễ thực hiện nhất của mọi thời đại. Nhưng thú vị và trí tuệ thì cũng chả vì thế mà kém cạnh. Không cần bất cứ vật gì, không cần phải có sân bãi, địa điểm tập trung, không ai tốn một xu nhỏ và cũng không cần đông người tham gia. Chỉ cần hai người trở lên là có thể bắt đầu cuộc chơi. Mỗi bên cũng chỉ cần một bàn tay là chơi đến khi nào mệt thì thôi. Vậy mà cũng có ăn có thua, có thắng có bại, có may rủi, có tính toán, có hơn có kém, thậm chí có cả chuyện gian lận... Nghĩa là có tất cả những gì tốt xấu, hay dở thường thấy ở mọi trận đấu.

Nào, cùng oẳn tù tì!

- Oẳn tù tì, ra cái gì, ra cái này! Dứt lời, mỗi bên xòe tay ra, biểu thị một thứ đồ vật (cũng là tượng trưng cho vũ khí). Sau đó là kẻ thắng, người thua.

Thế là coi như xong một ván. Còn thích thú thì làm ván khác và cũng kết thúc cực kỳ chóng vánh. Bởi vì không giống với các trò khác, bên thua, bên thắng của trò oẳn tù tì được quyết định ngay bằng kết quả mà cả hai đều nhìn rõ.

Trò chơi Oẳn - tù - tì.
Oẳn - tù - tì là thú vui của mỗi đứa trẻ.

Lớn lên chẳng ai chơi cái trò chơi con nít ấy nữa. Nó không chỉ quá đơn giản, lại thiếu hấp dẫn, mà bản thân người chơi cũng đã kịp mất đi vẻ đẹp của ngây thơ chỉ có khi còn bé. Ngay ba tiếng oẳn - tù - tì, vốn đầy bí ẩn, vốn như có phép lạ đến mức chẳng khác gì lời thần chú, hóa ra cũng chỉ là số đếm một - hai - ba (one, two, three) từ một ngôn ngữ lạ hoắc bên ngoài.

Nhưng cái trò chơi giản dị ấy, ngẫm kỹ mới thấy nó không chỉ là bài học khai trí cổ sơ nhất, mà còn xứng đáng dùng để dạy con người ta ngay cả khi đã già, thậm chí dạy cả đời, về nhiều điều sâu xa đáo để.

Mỏng nhẹ như giấy nhưng có thể thắng được búa.

Kéo là chỗ chết của vải và giấy (bị kéo cắt thì còn gì sợ bằng!) nhưng lại bị búa lấn lướt.

Búa gặp phải vật mềm, xốp (như bông chẳng hạn) thì búa thành vô dụng v.v...

Thế là mạnh ở chỗ này, thành yếu ở chỗ khác và ngược lại. Lợi thế chỗ này, thành thất thế chỗ khác. Sở trường chỗ này nhưng là sở đoản khi ở chỗ khác. Thắng không tuyệt đối mạnh mà thua cũng chẳng tuyệt đối yếu. Cũng không có gì chỉ mạnh, không có gì chỉ yếu. Biết mình, biết người, là mạnh; Biết mình có gì, là mạnh; Biết đem sở trường của mình sử dụng đúng chỗ, là mạnh; Biết chỗ yếu của mình, là mạnh. Không biết những điều trên (hoặc người khác biết chỉ giúp nhưng không nghe), là yếu. Trong mạnh đã sẵn yếu. Trong yếu đã có cái mạnh hơn người.

Và "oẳn tù tì" cũng có thể là cuộc chơi "sinh tử" của người trưởng thành.

Tất cả chỉ hơn kém nhau một chữ “biết” mà thôi: Biết mình, biết người; Biết thời thế, thời cơ...

Từ việc to lớn ở tầm vĩ mô là chuyện quốc gia đại sự, kinh bang tế thế, đàm phán thỏa thuận những thứ gắn với lợi ích dân tộc,… đến chuyện kinh doanh, làm ăn và nhỏ hơn là quan hệ ứng xử, chuyện hòa hợp của mỗi gia đình, của bạn bè,... hóa ra đều có sẵn, đều có thể tìm thấy trong trò chơi oẳn tù tì.

Nhưng không phải ai cũng biết! Mới hay, cái đơn giản nhiều khi phải học cả đời.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top