Aa

"Trong quá trình thanh lọc cần giữ lại bản lề văn hóa truyền thống"

Thứ Ba, 10/04/2018 - 14:14

Nhà văn Nguyễn Thế Hùng cho rằng: “Dù thay đổi ra sao, dù quá trình thanh lọc thế nào thì văn hóa truyền thống của dân tộc Việt cần giữ làm bản lề của văn hóa chung cư như sự quan tâm, yêu thương nhau cũng như văn hóa chào hỏi. Nếu chỉ có phần cứng như cơ sở hạ tầng mà thiếu đi văn hóa thì con người không thể phát triển toàn diện mà trở nên xấu xí khi nhân cách “lệch lạc”.”

Xem loạt bài "Xây dựng "phần mềm" cho các khu chung cư"

Thấy gì sau "lớp vỏ" tiện nghi của những toà cao ốc?

Cư dân đô thị là ai?

Đơn độc, bức bối trong những tòa cao ốc sừng sững giữa Thủ đô

Đi tìm cảm xúc cho những toà nhà vô tri

Văn hóa chung cư, văn hóa ở khu đô thị mới chẳng biết tự bao giờ đã trở thành nỗi day dứt và trăn trở của nhà văn mặc áo lính Nguyễn Thế Hùng. Đi qua nhiều thành phố trên dải đất vùng chữ S nhưng với nhà văn, Hà Nội luôn là “người thương”, là “nàng thơ” trong tâm khảm.

Ấy thế nhưng, cũng chính Hà Nội với sự phát triển như vũ bão của những tòa nhà chung cư, những khu đô thị mới, đã khiến nhà văn quân đội luôn suy tư về nếp sống đô thị đang dần hình thành. Có vẻ như văn hóa chung cư đang chật chội trong chiếc áo "đô thị" khi sự đan xen, trộn lẫn của văn hóa làng xã, văn hóa "thập cẩm" của cộng cư người tứ xứ trong sự hình thành tất yếu của nếp sống mới hiện đại. 

Từ văn hóa làng xã ở khu đô thị ngoại thành

Khi chuyển công tác về Hà Nội, thay vì lựa chọn những khu chung cư cao tầng trong phố, nhà văn Nguyễn Thế Hùng lại yêu thích cuộc sống ở phía Đông Thủ đô. Nhà văn chia sẻ: “Tôi sống ở một làng thuộc Long Biên, nơi được bao bọc bởi 2 con sông là sông Hồng và sông Đuống. Tôi thích nơi ấy vì phong cảnh nên thơ trữ tình, vừa có sông nước, vừa có núi non.”

Với nhà văn Nguyễn Thế Hùng, cuộc sống ở nơi Thủ đô khiến anh chưa bao giờ thấy xa lạ mà luôn cảm nhận được gần gũi quen thuộc như chính ngôi nhà của mình. “Khu đô thị mới mà tôi đang ở vẫn còn đặc trưng của văn hóa làng xã. Một người ốm thì cả xóm, cả làng tới thăm. Ở đó, người ta vẫn có rất nhiều hội như hội nông dân, vẫn có những hoạt động sinh hoạt làng xã, truyền thống. Người ta vẫn còn văn hóa chào hỏi nhau thân tình như những người thân. Dù là người mới đến nhưng dân nơi ấy vẫn coi tôi như một người thân đi xa.” 

Theo nhà văn, nếp sống của nơi anh ở là sự giao thoa của nhiều vùng quê ở phía hạ lưu của sông Hồng, bởi thế nên nó không mang đậm nét văn hóa của người dân phố cổ. Tính hào phóng, cởi mở của người dân tứ xứ tụ hội về đây khiến vùng đất cạnh sông Đuống trở thành một chốn ở “dễ chịu” cho những ai yêu thích cuộc sống bình yên, ít xô bồ.

Nhưng chính anh nhận ra trong cuộc sống mang mác “đô thị” ấy vẫn còn mang hơi hưởng của nếp sống làng quê. “Người ta vẫn nuôi lợn và xả rác thải trực tiếp ra sông. Người ta cũng vẫn thả chó chạy rông ngoài đường. Đó là mặt trái của văn hóa làng xã ở Thủ Đô. Chẳng phải ngẫu nhiên mà họ có ứng xử như vậy mà bởi hàng trăm năm qua, họ đã sống ở đó với nếp sống từ xưa. Dù huyện đã lên quên, dù đô thị hóa đã bao trùm như nếp sống cũ vẫn không thay đổi khiến văn hóa đô thị mới lại trở nên xôi đỗ, nửa phố nửa quê”.

...đến văn hóa chung cư giữa phố “nửa quê, nửa thành thị”

Từ câu chuyện văn hóa của khu đô thị mới đến câu chuyện văn hóa của khu chung cư, nhà văn Nguyễn Thế Hùng tâm sự rằng: “Có một điều tôi thấy lạ là ở những khu chung cư các phòng ốc rất gần nhưng không biết tự khi nào, từ bao giờ họ chẳng chơi với nhau và dường như họ chẳng biết gì về nhau.”

Phân tích về đặc tính của người Việt, nhà văn cho rằng, dân ta vốn hay quan tâm đến nhau, lá lành đùm lá rách đồng thời luôn coi văn hóa chào hỏi là sự tối thiểu của mỗi con người. “Dù có bản tính quan tâm, hỏi thăm nhau nhưng người Việt lại có đặc tính tò mò cực xấu. Đôi lúc họ hỏi thăm người khác bằng những câu hỏi tra tấn mà không phải quan tâm như chuyện hàng xóm cãi nhau gì, lương ra sao. Đến ở chung cư, đôi lúc người ta đánh mất văn hóa chào hỏi và thay bằng sự tò mò đến nhỏ nhặt.

Nếp sống ở nông thôn là ăn to nói lớn, sử dụng than tổ ong, sống theo ý thích của riêng mình nhưng lại được bê nguyên vào văn hóa chung cư. Dù có người nhắc nhở nhưng nhiều người bảo thủ lại cho rằng: “Tôi có cái quyền tự do đấy”. Như chuyện cháy, họ nghĩ là cháy nhà hàng xóm, không liên quan đến nhà mình mà không hiểu ở chung cư tính ảnh hưởng liên kết rất lớn” - nhà văn Nguyễn Thế Hùng chia sẻ.

Khu chung cư ở Nam Trung Yên vẫn còn làm chuồng để nuôi chim bồ câu.

Giữa nhưng tòa chung cư hiện đại ở khu Nam Trung Yên (Hà Nội), người dân vẫn còn làm chuồng để nuôi chim bồ câu.

Cũng theo nhà văn Nguyễn Thế Hùng, trước đây với những khu nhà tập thể với số lượng người ít nên mức độ phức tạp không cao. Hiện nay ở chưng cư, mật độ dân cư lớn, một người ứng xử không văn hóa sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người. Cách cư xử vô tội vạ như vất đồ từ tầng cao xuống, hay đơn thuần quan điểm “chỉ cần không ảnh hưởng đến nhà mình” đã trở thành nét điển hình ở một số chung cư.

Nếu chỉ có phần cứng như cơ sở hạ tầng mà thiếu đi văn hóa thì con người không thể phát triển toàn diện mà trở nên xấu xí khi nhân cách “lệch lạc”.

Tuy nhiên, nhà văn cũng nhận định rằng: “Ở những khu chung cư tái định cư, bình dân thì nét văn hóa làng xã càng rõ rệt. Ở chung cư cao cấp thì các cư dân đã có sự thanh lọc và đa phần là người có tri thức. Mà người có tri thức thông thường sẽ một phông nề văn hóa. Bởi thế nên mức độ phức tạp ở chung cư cao cấp ít hơn so với những khu chung cư khác".

Nhà văn Nguyễn Thế Hùng cho rằng: “Khi đến bất cứ một nơi đâu chính mỗi người phải ý thức được tâm thế “nhập gia tùy tục”. Đến chung cư ở, văn hóa sẽ khác hẳn so với ở khu vực nhà đất. Tính tôn trọng cuộc sống cá nhân ở chung cư cao hơn so với ở các làng xã. Có nên chăng là cần sự kết hợp những điểm tốt của văn hóa hiện đại và văn hóa làng xã để tạo được một quy chuẩn văn hóa điển hình cho nếp sống mới. Chúng ta phải lọc, lựa chọn để lấy cái tốt nhất, hợp nhất, văn minh nhất là văn hóa chung. Văn hóa ở khu chung cư mỗi nơi lại có một sự khác biệt nhưng đặc trưng cơ bản nhất cần phải có sự thống nhất”.

Sự giao thoa và kết hợp giữa văn hóa thành thị và nông thôn là quy luật tất yếu của quá trình đô thị hóa của sự hình thành những tòa nhà chung cư hiện đại, đầy công năng. Thế nhưng, quá trình hình thành những quy chuẩn văn hóa chung cư lại là một cuộc thanh lọc gay gắt, giữ lại những cái phù hợp, loại bỏ những tiêu chí chưa chuẩn mực.

“Dù thay đổi ra sao, dù quá trình thanh lọc thế nào thì văn hóa truyền thống của dân tộc Việt cần giữ làm bản lề của văn hóa chung cư như sự quan tâm, yêu thương nhau cũng như văn hóa chào hỏi là điều tối thiểu. Nếu chỉ có phần cứng như cơ sở hạ tầng mà thiếu đi văn hóa thì con người không thể phát triển toàn diện mà trở nên xấu xí khi nhân cách “lệch lạc”.”

Quy chuẩn chung cư bắt đầu từ... văn hóa đổ rác

Để giải quyết gốc rễ của việc sự thiếu hụt văn hóa chung cư, nhà văn Nguyễn Thế Hùng cho rằng, không phải ngẫu nhiên ai cũng biết và hiểu được rằng dọn đến ở một chung cư là cần phải có nếp sống mới ra sao và cũng không phải ai ngay từ đầu tiếp thu được hết tất cả những chuẩn mực văn hóa chung cư. Mỗi một chung cư lại có một tiêu chuẩn văn hóa riêng, phù hợp với đặc tính của cư dân mình, với thiết kế không gian đã được tạo dựng.

“Trước tiên, những người quản lý chung cư cần xây dựng một bộ quy chuẩn về văn hóa chung cư. Hay chính những chủ đầu tư khi bắt đầu kiến tạo không gian sống cho cư dân thì họ nên xây dựng một quy chuẩn chung về văn hóa. Những khách hàng trước khi đặt bút kí hợp đồng mua nhà cần được tìm hiểu về văn hóa nơi mình sắp đến ở là gì, có phù hợp với bản thân của mình không. Vẫn biết lợi nhuận của một doanh nghiệp là quan trọng nhất nhưng sự thanh lọc và tiếp cận giáo dục ngay từ đầu sẽ là cách tốt nhất để hình thành nên những cư dân đô thị có văn hóa” –  nhà văn Nguyễn Thế Hùng nhấn mạnh. 

Văn hóa chung cư sẽ đi qua cánh cửa của mỗi căn hộ. Một gia đình có văn hóa, hai gia đình có văn hóa… tất yếu sẽ hình thành nên một cộng đồng cư dân có văn hóa.

Theo nhà văn Nguyễn Thế Hùng, văn hóa còn là sự áp đặt. Muốn giáo dục một người có văn hóa thì phải đi từ những điều nhỏ nhất như văn hóa đi thang máy, văn hóa chào hỏi, văn hóa đổ rác… "Giáo dục văn hóa cho một người cần phải trải qua nhiều bước như tuyên truyền, giám sát rồi đến áp đặt bằng các chế tài. Mỗi con người sẽ trở nên có ý thức hơn khi có sự giám sát từ hàng xóm, từ các đoàn thể trong tòa nhà. Nếu biết cách giáo dục thì quá trình tiếp thu văn hóa của cư dân sẽ diễn ra nhanh, bởi văn hóa là cái tốt mà bản chất con người đều muốn hướng đến cái tốt” – nhà văn Nguyễn Thế Hùng khẳng định.

Trước câu hỏi chuẩn mực văn hóa ở chung cư cần được hệ thống hóa với quy định như thế nào, nhà văn Nguyễn Thế Hùng cho hay: “Chuẩn mực văn hóa chung cư được quy định càng chi tiết, càng tốt. Trong quân đội đã từng một thời xuất hiện chủ trương “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” và tôi nghĩ có lẽ nó phù hợp với văn hóa chung cư hiện tại.

Câu nói ấy có ý nghĩa rằng, ở chung cư là phải tôn trọng sự tự do cá nhân và tự do cá nhân đó không được phép làm ảnh hưởng tới người khác bằng việc giữ gìn vệ sinh chung sạch sẽ. Văn hóa nấu ăn bằng bếp điện, bếp từ cần được phổ biến rộng, không nên thiếu cẩn trọng vì trong quá trình nấu ăn dễ tạo ra nguy cơ cháy nổ. Mỗi người dân ở chung cư cần có văn hóa chào hỏi, nói nhẹ nhàng bởi khoảng không gian giữa các căn hộ là sát nhau.

Văn hóa chung cư sẽ đi qua cánh cửa của mỗi căn hộ. Một gia đình có văn hóa, hai gia đình có văn hóa… tất yếu sẽ hình thành nên một cộng đồng cư dân có văn hóa”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top