Aa

Trung Quốc dỡ bỏ chính sách Zero Covid, Việt Nam có hưởng lợi?

Thứ Hai, 16/01/2023 - 10:45

Việc Trung Quốc dỡ bỏ hoàn toàn chính sách Zero Covid là một tín hiệu tích cực đối với kinh tế Việt Nam. Bên cạnh sự thuận lợi cho du lịch, xuất nhập khẩu, thị trường bất động sản cũng có thêm động lực hồi phục.

GDP Việt Nam có thể tăng thêm 0,75%

Từ ngày 8/1/2023, Trung Quốc chính thức mở cửa biên giới và dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp cách ly phòng Covid-19 suốt 3 năm qua. 

Theo VNDirect, động thái mở cửa của Trung Quốc sẽ tạo thêm động lực lớn hỗ trợ tăng trưởng sản lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp trong ngành thủy sản, dệt may và cao su. Đặc biệt, doanh nghiệp có tỷ trọng doanh thu và thị phần lớn ở thị trường này sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.

Ngoài ra, khi Trung Quốc mở cửa, nhu cầu tiêu thụ nhiều mặt hàng sẽ bùng nổ trong khi nguồn nguyên liệu nội địa của nước này khó đáp ứng kịp vì chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Vì vậy, Trung Quốc sẽ là điểm đến tiềm năng nhất của các doanh nghiệp xuất khẩu trong năm 2023 và Việt Nam là một trong số đó. 

Từ ngày 8/1/2023, hải quan Trung Quốc bỏ tất cả xét nghiệm liên quan đến Covid-19 tại cửa khẩu. (Ảnh TN)

Đưa ra quan điểm về các tác động khi Trung Quốc mở cửa, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, Trung Quốc đang cung cấp 40 - 80% các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh của nhiều ngành nghề khác nhau tại Việt Nam. Do đó, khi mở cửa, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ nhập khẩu lượng lớn nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất với giá thành rẻ hơn so với quốc tế. 

Mở cửa cũng sẽ giúp hàng hóa, kể cả nông sản lẫn sản phẩm công nghiệp của Việt Nam được xuất khẩu tương đối mạnh mẽ sang phía Trung Quốc. Việc xuất nhập khẩu thuận lợi hơn sẽ giúp giảm chi phí sản xuất, vận chuyển, logistics, từ đó tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và giảm áp lực về lạm phát. 

Ngoài ra, Trung Quốc mở cửa cũng sẽ kéo theo một lượng du khách đổ vào Việt Nam. Điều này sẽ thúc đẩy du lịch Việt Nam có cơ hội hồi phục và phát triển mạnh mẽ hơn trong năm 2023. 

"Từ khoảng 2 - 3 tháng sau khi Trung Quốc mở cửa hoàn toàn, mức độ tác động đến các ngành nghề, lĩnh vực của Việt Nam sẽ được thể hiện rõ. Nếu chúng ta tận dụng được lợi thế tăng trưởng và phát triển sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ thì ngay trong năm 2023, GDP có thể tăng thêm đâu đó khoảng 0,5 - 0,75%", ông Thịnh dự đoán. 

Bất động sản du lịch, công nghiệp có thêm động lực hồi phục

Đánh giá những tác động của việc Trung Quốc dỡ bỏ chính sách Zero Covid tới lĩnh vực bất động sản Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam chắc chắn sẽ hưởng lợi trước việc nới lỏng chính sách phòng chống dịch của Trung Quốc. Trong đó, bất động sản công nghiệp và du lịch, nghỉ dưỡng sẽ là hai phân khúc hưởng lợi nhiều nhất. 

Đối với bất động sản du lịch, ông Đính cho biết, từ trước đến nay lượng khách du lịch của Việt Nam có một phần không nhỏ đến từ Trung Quốc nhưng do đại dịch Covid-19 cùng chính sách Zero Covid, lượng khách này đã giảm đi rất nhiều trong vòng 3 năm qua. 

Do đó, khi tình hình dịch bệnh thuyên giảm cùng việc dỡ bỏ chính sách phòng chống dịch, mở cửa trở lại nền kinh tế, lượng khách Trung Quốc đến với Việt Nam chắc chắn sẽ hồi phục.

Đối với bất động sản công nghiệp, do Trung Quốc là đối tác thương mại dịch vụ lớn nhất của Việt Nam nên khi nước này dần mở cửa trở lại sẽ tác động tốt đến thương mại, xuất nhập khẩu trong thời gian tới. 

Đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt đẩy mạnh hoạt động sản xuất. Điều này cũng đồng nghĩa, tỷ lệ lấp đầy nhà xưởng, khu công nghiệp Việt Nam sẽ cao hơn giai đoạn dịch bệnh.  

"Bất động sản Việt Nam 2023 sẽ xuất hiện động lực hồi phục nhờ việc Trung Quốc mở cửa trở lại. Điều cần làm hiện nay là chúng ta phải chuẩn bị tinh thần và kế hoạch để tận dụng những lợi thế từ yếu tố này", ông Đính nhấn mạnh.

Bên cạnh những tác động tích cực, một số nhà đầu tư cũng lo ngại, việc nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại có thể làm giảm sức hấp dẫn của Việt Nam cho thu hút đầu tư nước ngoài. Điều này sẽ ảnh hưởng nhất định đến thị trường địa ốc. 

Tuy nhiên, nhận định về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, mặc dù Trung Quốc là thị trường lớn nhưng sau cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và yếu tố lao động, tiền lương thì cục diện đã có phần thay đổi. Một số nhà đầu tư nước ngoài đã tìm cách rời khỏi thị trường tỉ dân để mở rộng ra xung quanh. 

Thêm nữa, do Trung Quốc hiện nay có những chính sách chặt chẽ hơn trước đây với nhà đầu tư nước ngoài nên tính ưu đãi của môi trường đầu tư cũng thấp đi. 

Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP cao hàng đầu thế giới, môi trường đầu tư được cải thiện, đồng tiền Việt Nam tương đối ổn định so với USD nên hiện nay Việt Nam đang là nơi thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài tương đối lớn. 

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

"Nhìn lại năm 2022, tổng vốn đầu tư quốc tế trên toàn thế giới giảm xuống khoảng 40% so với cái năm 2021. Tuy nhiên, tỷ lệ hút vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam chỉ giảm nhẹ 11%. Trong khi đó, vốn đầu tư thực hiện lại tăng trưởng đến 14% đang cho thấy Việt Nam là nơi các nhà đầu tư nước ngoài thực sự muốn đổ vốn vào. 

Tôi cho rằng với đà tăng trưởng kinh tế tích cực, kèm theo cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam cũng như các chính sách cởi mở của Chính phủ thì nguồn vốn đầu tư nước ngoài vẫn sẽ tiếp tục đổ vào nước ta mạnh mẽ hơn trong 2022", ông Thịnh chia sẻ. 

Cũng theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, dù Việt Nam có nhiều lợi thế hơn Trung Quốc trong vấn đề thu hút đầu tư, đón làn sóng dịch chuyển sản xuất kinh doanh của các nước trên thế giới ở thời điểm hiện tại thì không có nghĩa, hoàn toàn lợi thế đều thuộc về Việt Nam. Trung Quốc mở cửa đem đến nhiều cơ hội nhưng cũng đi kèm với những thách thức. 

Thứ nhất, một lượng lớn khách du lịch Trung Quốc sẽ đổ vào Việt Nam trong thời gian tới. Thu nhập từ du lịch chắc chắn sẽ tăng lên nhưng chúng ta sẽ phải đối mặt với nguy cơ tiềm ẩn từ lây lan dịch bệnh Covid-19. 

Thứ hai, khi mở cửa kinh tế, Trung Quốc sẽ trở thành đối tác cạnh tranh rất mãnh liệt với Việt Nam. Áp lực này sẽ làm giảm xuất khẩu của Việt Nam và thế giới, cũng như giảm khả năng thu ngoại tệ từ các quốc gia khác. 

"Xét rộng ra thế giới thì Trung Quốc mở cửa cũng sẽ có hai tác động. Một là giá cả nguyên vật liệu đầu vào, linh phụ kiện và xăng dầu sẽ tăng lên để phục vụ nền sản xuất Trung Quốc. Hai là Trung Quốc có thể sản xuất thêm nhiều đơn hàng hơn để cung cấp ra thế giới, thúc đẩy kinh tế toàn cầu phát triển. Hai mặt vấn đề này sẽ đan xen nhau. Vấn đề quan trọng là chúng ta cần phát huy lợi thế và khắc phục dần nhược điểm", ông Thịnh nói./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top