Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, hạn chế này sẽ chỉ khiến các nhà xuất khẩu thép Trung Quốc gặp khó chứ không có tác động nhiều đến thị trường quốc tế do lượng xuất khẩu thép hàng năm của nước này vốn đã bị hạn chế.
Giá thép tại Trung Quốc đã tăng vọt từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, lên mức hơn 1.600 nhân dân tệ/tấn (tương đương 250 USD/tấn), mức cao chưa từng thấy, thu hút sự chú ý của giới lãnh đạo cấp cao nhất trong chính phủ Trung Quốc.
Trong một nỗ lực nhằm giảm lạm phát, chính phủ Trung Quốc đã khôi phục mức thuế xuất khẩu thép và cắt giảm thuế nhập khẩu quặng sắt từ ngày 1/5. Tuy nhiên, biện pháp này có thể khiến các nhà xuất khẩu thép Trung Quốc càng khó khăn hơn khi họ đang phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề do sự biến động như tàu lượn của giá thép trong những tuần qua.
Ông Wang Ji - Giám đốc của Công ty Thương mại Thép Tangshan Xunzhuo chuyên xuất khẩu các sản phẩm thép sang Đông Nam Á và châu Phi - nói với Global Times rằng, công ty của ông có thể xuất khẩu tới 40.000 tấn thép thành phẩm sang thị trường nước ngoài, nhưng năm nay hoạt động xuất khẩu của công ty ông không còn suôn sẻ như vậy vì giá cả tăng cao khiến thép Trung Quốc không còn được ưa chuộng.
"Khách hàng không thể theo kịp đà tăng đột biến của giá thép, đặc biệt là ở các nước châu Phi", ông Wang nói và cho biết, doanh thu của công ty ông đã giảm trong năm nay khi giá thép tăng mạnh.
Với các mức thuế mới vừa ban hành, ông Wang lo ngại hoạt động xuất khẩu của công ty ông sẽ khó khăn hơn trong nửa cuối năm nay.
Tuy nhiên, theo ông Wang Guoqing - Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Thông tin thép Lange Bắc Kinh - thị trường thép quốc tế sẽ không bị ảnh hưởng nhiều khi Trung Quốc hạn chế xuất khẩu. Bởi lượng thép xuất khẩu chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong sản lượng thép hàng năm của Trung Quốc.
Năm 2020, tổng các sản phẩm thép của Trung Quốc đạt khoảng 1,32 tỷ tấn, chiếm 4,1% tổng sản lượng thép của nước này.
"Xuất khẩu thép của Trung Quốc chủ yếu là thép cuộn cán nóng, mang lại giá trị gia tăng nhiều hơn, trong khi thép thanh vằn, một sản phẩm được sử dụng rộng rãi trong xây dựng, chỉ chiếm 0,6% tổng lượng thép xuất khẩu", ông Wang cho biết.
Theo Global Times, sự phục hồi kinh tế sau đại dịch tại một số nước như Hàn Quốc, Việt Nam đang đối mặt với tình trạng giá thép tăng cao và thiếu hụt nguồn cung. Theo báo cáo từ các phương tiện truyền thông, tại Hàn Quốc có tổng cộng 59 dự án xây dựng đang bị đình hoãn trong hai tháng qua do thiếu thép cây và giá thép tăng 50% so với cuối năm ngoái./.