Aa

Trưởng ban Công tác đại biểu cảnh báo tình trạng “chuyền bóng” giữa địa phương và trung ương

Thứ Ba, 09/05/2023 - 18:46

Thực trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, làm việc cầm chừng, đùn đẩy “đá qua đá lại” được bà Nguyễn Thị Thanh - Trưởng ban Công tác đại biểu, nêu ra trong báo cáo trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 9/5.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh, tình trạng phổ biến hiện nay là địa phương gặp vấn đề khó thì gửi văn bản hỏi Trung ương, bộ, ngành mà không năng động, sáng tạo tìm cách giải quyết. Ngược lại, các bộ, ngành thay vì trực tiếp trả lời thì lại trích dẫn luật và đề nghị địa phương làm theo.

“Người ta không làm được thì hỏi; mình lại trả lời là làm theo luật, cứ qua lại”, bà Thanh bình luận về cách ứng xử của các bộ ngành, đồng thời cũng phê bình rằng “địa phương bí, không làm được, cũng không suy nghĩ để tìm cách làm mà cứ hỏi trung ương”.

Bà Nguyễn Thị Thanh cho rằng việc cán bộ sợ sai là lẽ đương nhiên, cũng là mặt tốt, nhưng “sợ đến mức thiếu trách nhiệm và không chạy việc mới là đáng sợ”. Do đó, bà đề nghị cần khẩn trương ban hành Nghị định quy định về khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Thực trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, làm việc cầm chừng, đùn đẩy “đá qua đá lại” được bà Nguyễn Thị Thanh nêu ra trong báo cáo trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Ngoài nội dung trên, Trưởng ban Công tác đại biểu cũng chỉ ra một số thách thức khác của nền kinh tế, ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng năm nay. Đó là phục hồi của doanh nghiệp sau dịch bệnh còn khó khăn, đặc biệt là liên quan đến các yếu tố về tiếp cận vốn, đất đai, vấn đề về thủ tục hành chính; việc giải ngân chương trình phục hồi - phát triển kinh tế xã hội đạt hiệu quả thấp, khả năng khó hoàn thành mục tiêu đề ra.

Thị trường bất động sản vẫn trầm lắng; kênh trái phiếu doanh nghiệp còn khó khăn do bước vào cao điểm đáo hạn; niềm tin của nhà đầu tư bị xói mòn do liên tiếp xảy ra nhiều vụ án lớn. Việc giải ngân đầu tư công mà triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn nhiều khó khăn và đạt kết quả chưa như mong muốn.

Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay trong hệ thống ngân hàng tăng, làm tăng chi phí vốn sản xuất và làm giảm sức cạnh tranh. Doanh nghiệp khó khăn về dòng tiền bao gồm vốn lưu động, vốn đầu tư trung dài hạn.

“Với khó khăn như vậy thì dự báo quý II năm 2023 kinh tế nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn”, bà Thanh nhìn nhận.

Để đạt mức tăng trưởng 6,5% năm nay, bà Thanh đề nghị báo cáo Chính phủ cần bổ sung thêm một số nội dung.

Thứ nhất, bám sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực trước những biến động bếp bênh để có những kịch bản ứng phó và phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp với các vấn đề phát sinh.

Thứ hai, Nhà nước nên gia tăng vai trò dẫn dắt, hỗ trợ, làm bệ đỡ giúp cho doanh nghiệp giải quyết những vấn đề khó khăn. Các chính sách đưa ra có trọng tâm, trọng điển, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp và người dân để giảm áp lực chi phí đầu vào thúc đẩy sản xuất, thu hút đầu tư. Cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, giảm thuế, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí và phấn đấu hạ mặt bằng lãi suất cho vay về dưới mức 10%/năm.

Bên cạnh đó, cần giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp; điều hành tỷ giá phù hợp và bảo đảm an toàn hệ thống của ngân hàng; tiếp tục xử lý các vướng mắc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản để phục hồi niềm tin của nhà đầu tư./. 

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đề cập đến thực trạng cán bộ né tránh, sợ sai không chịu làm, đùn đẩy trách nhiệm. Ông dẫn chứng TP.HCM, năm 2022, địa phương này gửi 584 văn bản hỏi Bộ, Bộ đã trả lời hơn 600 văn bản. Tuy nhiên, theo ông, những vấn đề TP.HCM hỏi "đều thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương".

Giai đoạn trước đây, bình quân mỗi năm TP.HCM duyệt 70 dự án bất động sản, nhưng hai năm qua chỉ 8 dự án được phê duyệt, chấp thuận đầu tư. Thủ tục đầu tư kéo dài, 1-2 năm, cho thấy nhiều cấp cán bộ không có tinh thần giải quyết công việc.

"Môi trường đầu tư đang sụt giảm. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang giao đơn vị trực thuộc rà soát, xem văn bản nào của các bộ, ngành đang cản trở, làm ách tắc hoạt động nền kinh tế", ông Dũng thông tin.

Trước thực tế này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ cần có giải pháp khắc phục một bộ phận cán bộ lẩn tránh, né trách nhiệm, sợ sai, không chịu làm, tránh "việc cấp dưới đẩy lên cấp trên".

Ông cũng yêu cầu báo cáo Chính phủ cần bổ sung giải pháp về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và siết chặt kỷ cương hành chính, công vụ.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top