Ngay từ khi có ý tưởng thành lập Hiệp hội, Trương Gia Bình đã “đọc vị” được thế yếu của các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam nếu bước ra thị trường quốc tế. Không thể vỗ ngực rằng người Việt Nam chúng tôi thông minh lắm, cần cù lắm, đi thi toán, lý quốc tế được nhiều huy chương lắm... để thuyết phục khách hàng. Rồi cũng không thể đem nguồn nhân lực mỏng manh, lượng doanh số bèo bọt để khoe với thiên hạ. Nhưng nếu có một “tín chỉ” cấp quốc gia dành cho các cá nhân, các tập thể và các sản phẩm phần mềm của Việt Nam thì lại có thể đem “khoe” được.
Chính vì thế, ngay sau khi thành lập, Giải thưởng Sao Khuê được hình thành và bắt đầu vận hành. Các anh lý luận, phần mềm có tính trí tuệ, nên phải chọn Sao gì đó có tính trí tuệ. Theo quan niệm truyền thống của người Việt Nam, sao khuê là biểu tượng của sự thông minh, trí tuệ và học vấn. Cuối cùng chọn tên Sao Khuê.
Nhân đây, xin nói thêm một chút. Khi viết loạt bài này, tôi có hai mục tiêu. Thứ nhất, muốn gửi thông điệp đến các nhà hoạch định chính sách của nước nhà rằng, “rừng vàng, biển bạc” đến đâu thì chưa rõ, nhưng mảnh đất “trí tuệ vàng” thì chúng ta đã lãng phí quá lâu và quá nhiều (mà lĩnh vực phần mềm chỉ là một ví dụ). Thứ hai là muốn chia sẻ cách tư duy, cách lãnh đạo, cách quản lý và sự khôn ngoan của một con người đã được thực tiễn chứng minh, đó là Trương Gia Bình, để bạn đọc có thể học hỏi được điều gì đó chăng.
Giải thưởng Sao Khuê giai đoạn “sơ sinh” này sẽ không là gì nếu không gắn với tên tuổi của các cá nhân đã thành danh trong Lãnh đạo cao cấp của Nhà nước cũng như trong lĩnh vực CNTT. Ngay lập tức, “Bưởng trưởng” Trương Gia Bình mời TS. Mai Liêm Trực làm Chủ tịch Hội đồng chung khảo.
Mai Liêm Trực người Bình Định, từng bảo vệ luận án tiến sĩ ngành kỹ thuật thông tin liên lạc Đại học Kỹ thuật Dresden (Đức) năm1976-1979, là nhà khoa học CNTT hiếm hoi trong Chính phủ. Ông nổi tiếng vì thông thạo đến 5 ngoại ngữ và sự tâm huyết với các nhà khoa học trẻ.
Ông nhớ lại: “Tôi được mời tham gia chủ trì về mặt cơ quan Nhà nước để hỗ trợ tổ chức Giải thưởng Sao Khuê. Họ đề xuất thì tôi ủng hộ. Mình có ý nguyện thúc đẩy phát triển nên nhảy vào cuộc, làm Chủ tịch Hội đồng Chung khảo đầu tiên của giải. Ủng hộ anh em nhưng chưa biết khả năng thành công như thế nào. Nhưng anh em làm rất táo bạo, năng động, khiến tôi rất ấn tượng”.
Sự khôn ngoan tiếp theo của “Bưởng trưởng” Trương Gia Bình là đề xuất giải thưởng cá nhân đầu tiên thuộc về GS,TS. Đặng Hữu, khi đó là Trưởng ban chỉ đạo Chương trình quốc gia về CNTT, người được xem là một cây đại thụ của nền CNTT nước nhà, là một trong những người có ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển của CNTT và khoa học công nghệ tại Việt Nam.
GS,TS. Đặng Hữu sau này tâm sự: “Ngay trong Giải thưởng Sao Khuê lần đầu tiên, tôi rất bất ngờ khi mình được nhận giải thưởng dành cho cá nhân tiêu biểu. Làm ở Bộ Khoa học Công nghệ, Ban Khoa giáo, tôi luôn cố gắng, làm việc với nhiệt tình và trách nhiệm để góp phần thúc đẩy CNTT Việt Nam phát triển. Bản thân tôi cũng rất thích CNTT, và cũng cố gắng sử dụng CNTT để cho biết. Thế nhưng thực tình, tôi không nghĩ mình được giải thưởng này”.
Vẫn chưa hết, Trương Gia Bình còn huy động toàn bộ lực lượng để Lễ trao giải đầu tiên diễn ra trước mặt hàng trăm quan khách nước ngoài đến dự Hội nghị thường niên của ACOCIO vào tháng 11/2003. Quả là “áo gấm không nên đi đêm”, cơn bão truyền thông của sự kiện quốc tế ấy đã đưa CNTT của Việt Nam đến những nơi xa xôi nhất trên hành tinh. Nhiều thương hiệu vinh danh đã được các nhà sản xuất trên thế giới để mắt tới.
Qua giải Sao Khuê, đa phần những công ty khi ấy còn là doanh nghiêp vừa và nhỏ, mới chập chững bước vào ngành, đến nay đã là những thương hiệu lớn, uy tín, với doanh thu hàng chục, hàng trăm triệu USD, nhân lực trên dưới 1.000 người, như FPT, VDC, Elcom, Tinh Vân, MISA, MK, ELCOM, MP Telecom…
Đấy là hiệu quả lớn, niềm vui lớn. Ngoài ra, việc tổ chức giải thưởng năm đó còn giúp “Bưởng trưởng” Trương Gia Bình huy động thêm khoảng 1,5 tỷ đồng nữa cho sự nghiệp khai thác “mỏ vàng” của mình.
Thử hỏi, với một hiệp hội vừa ra đời có hơn một năm ở một lĩnh vực chưa thành ngành nghề như phần mềm mà đi vận động tài trợ thì ai cho?
Thế nhưng, vì có danh nghĩa là giải thưởng quốc gia, lại có danh nghĩa là hội nghị quốc tế chưa từng có tại Việt Nam, Ban tổ chức đã đưa ra các mức tài trợ Bạch kim, Vàng, Bạc, Đồng... Cuối cùng cũng xin được rất nhiều tài trợ của các tập đoàn đa quốc gia.
Các anh chị ở Ban tổ chức nhận xét, thực ra, cũng phải nhờ vào uy tín, danh tiếng của anh Bình nữa. Vì các nhà tài trợ cũng là đối tác của FPT. Anh Bình giới thiệu trước nên đi gặp, làm việc với họ cũng có thuận lợi. Rồi cả tài trợ của các công ty Việt Nam khác như VNPT, Viettel... Tổng số tiền tài trợ có thêm 1,5 tỷ đồng nữa. Cùng với số tiền Chính phủ tài trợ, trong tay VINASA lúc đấy dành cho Giải thưởng Sao Khuê và “cuộc chơi” mang tên ASOCIO đó khoảng 3 tỷ đồng.
Sau khi chi tiêu cho cả hai sự kiện, tiền kết dư lại cho văn phòng VINASA còn hơn 1 tỷ đồng, sau đó mua được ô tô, lại còn tiền “lương khô” cho văn phòng tiêu được vài năm.
Vừa được tiếng lại vừa được miếng “to như cái đình”, đúng là cách làm đáng học tập từ “Bưởng trưởng” Trương Gia Bình.
Kỳ sau: Những “viên sỏi” quý hơn vàng!