Tuy nhiên, sau khi phân tích kỹ lưỡng tất cả các mặt, Chính phủ rút mục tiêu phấn đấu xuống còn 500 triệu USD.
“Bưởng trưởng” Trương Gia Bình cũng có vẻ “cay mũi” và quyết tâm làm cho “các cụ” nhà ta phải tâm phục khẩu phục về sức mạnh trí tuệ và tâm huyết của thế hệ trẻ trong sự nghiệp phục hưng đất nước.
Rồi sau đó, chưa bao giờ hoạt động tiến ra nước ngoài của các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam lại dồn dập như thế. Phần vì là một tổ chức đại diện duy nhất của một quốc gia, lại cùng là thành viên của các tổ chức chuyên ngành quốc tế, phần vì nằm trong chiến lược phát triển tham gia vào chuỗi giá trị phần mềm thế giới, phần nữa là đội ngũ lãnh đạo toàn những người được đào tạo ở nước ngoài về... nên chuyện “chém gió” bằng tiếng Anh, chuyện văn hóa giao tiếp, chuyện chia sẻ cơ hội làm ăn... không còn là rào cản.
Tháng 7/2002, sau khi VINASA trở thành thành viên đại diện ngành công nghiệp CNTT Việt Nam tham gia Tổ chức công nghiệp điện toán châu Á – châu Đại Dương ASOCIO (là hiệp hội quốc tế lớn nhất 2 châu lục, liên kết trên 10.000 doanh nghiệp CNTT) thì tháng 8/2002, được Quỹ học bổng kỹ thuật hải ngoại AOTS của Chính phủ Nhật chọn làm đối tác triển khai chương trình học bổng AOTS về CNTT (tổ chức hàng năm) và đưa 21 kỹ sư phần mềm đầu tiên đi tập huấn, bồi dưỡng tại Nhật.
Tháng 4/2003, Việt Nam cử đoàn DN phần mềm đầu tiên sang Nhật tìm hiểu cơ hội, khả năng phát triển thị trường tại Nhật.
Tháng 5/2004, VINASA có chuyến đầu tiên sang Mỹ để tìm kiếm đối tác, tìm hiểu thị trường...
Đất Mỹ xưa nay vẫn là thử thách của mọi tài năng.
Chắc nhiều người không quên được bài học thất bại của FPT khi bắt đầu bước chân vào đất Mỹ.
Dưới đây là chia sẻ của anh Hoàng Nam Tiến, một trong những nhân vật tiên phong trong chiến lược toàn cầu hóa của FPT, tại Đại hội Sales và Marketing toàn quốc 2016 (VSMCamp 2016).
Cũng như trước đây, khi quyết ra nước ngoài, FPT cũng quyết định “học Tây”.
“Chúng tôi thuê một công ty tư vấn hàng đầu nước Mỹ đến Việt Nam để tư vấn cho chúng tôi. Họ cử những người học MBA ở trường Kinh doanh Harvard, trường Kinh tế London… sang làm tư vấn”.
Theo những lời khuyên ấy, FPT đã quyết định làm một việc mà thoạt nghe rất thích vì tính chuyên nghiệp và tầm vĩ mô: Mở văn phòng ở Silicon Valley.
“Hiển nhiên đã làm công nghệ là phải sang Mỹ! Nhưng sau khi mở công ty ở Mỹ được 1 năm thì công ty đó phá sản vì chẳng ai thuê chúng tôi”, anhTiến nhớ lại.
“Mỹ tiến” thất bại. FPT quyết định “Ấn tiến”, tiến quân sang Ấn Độ - nơi những người làm phần mềm tốt nhất là ở Ấn Độ, nơi Infosys, TCS, Wipro đều cư ngụ.
Sau một năm mở công ty tại Bangalore (Ấn Độ), nơi được xem như Silicon Valley của Châu Á, công ty cũng phá sản vì không ai thuê.
Liên tiếp thất bại cả “Mỹ tiến” lẫn “Ấn tiến” , số tiền 2 triệu USD của FPT để tiến quân ra nước ngoài không còn một xu...
May mắn thay, một xu không còn nhưng vẫn còn “Bưởng trưởng” Trương Gia Bình. Ông quyết định tiến vào Nhật Bản.
Không hiểu tại sao, Nhật Bản dường như có duyên với các doanh nghiệp CNTT Việt Nam nên gắn bó rất chặt chẽ. Hiệp hội CNTT Nhật Bản năm nào cũng cử đoàn sang phối hợp làm Ngày hội CNTT Nhật Bản tại Việt Nam, và đón ta sang Nhật Bản tổ chức Diễn đàn CNTT Việt Nam tại Nhật Bản.
Rồi nữa, Chính phủ Nhật cử ông Mori Moto làm chuyên gia sang ngồi tại Văn phòng của VINASA để kết nối CNTT giữa hai nước.
Tháng 6/2004, khai trương văn phòng VIJASGATE tại Tokyo. VIJASGATE là công ty liên doanh với Nhật do các hội viên VINASA góp vốn để làm kênh thúc đẩy hợp tác phần mềm giữa doanh nghiệp hai nước.
Chuyện trên đất Nhật có một kỷ niệm về cảnh “hàn vi” của các thành viên VINASA do anh Nhật Quang kể.
Hồi đó, Thủ tướng Phan Văn Khải sang Nhật làm việc, đoàn có 60 doanh nghiệp đi theo tháp tùng, trong đó có mấy doanh nghiệp CNTT như FPT, CMC, Hài Hòa. Sang đó thì ở khách sạn 5 sao rất xịn (vì Thủ tướng ở đó), mất 500 – 600 USD/đêm, anh em nghiến răng kèn kẹt vì xót ruột.
Lúc ra ngoài cùng đoàn đại biểu thì comple cà vạt hoành tráng, nhưng về phòng bụng vẫn đói. Xuống tầng trệt, mỗi ông một cốc mì tôm mua ở đấy cùng với lọ tương ớt có hình “đầu lâu xương chéo”. Cả bọn rủ nhau về phòng anh Bình ăn mì tôm.
Nhìn lọ tương ớt thấy sướng, anh Bình cho luôn một thìa tương ớt siêu cay cho vào mì tôm ăn. Mọi người cứ thấy càng ăn, mặt Chủ tịch đỏ dần, rồi cởi quần cởi áo, mặc mỗi quần đùi, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, nhưng tiếc nửa cốc mì tôm nên quyết không chịu đổ đi. Người thì đỏ như con tôm luộc.
Đấy, Chủ tịch Tập đoàn FPT, một đại gia trên sàn chứng khoán nhưng tiếc từng nửa cốc mì tôm. Tối lại xuống họp với Thủ tướng và các đoàn nước ngoài, lại comple cà vạt, vẫn oách như ai.
Nỗ lực như thế, chịu đựng như thế, nhưng cuối cùng, ước vọng của Trương Gia Bình đã thất bại.
Đến năm 2005, mục tiêu 500 triệu USD doanh số phần mềm đã không đạt được. Doanh thu từ sản phẩm và dịch vụ phần mềm ước 250 triệu USD, đạt 50% so với chỉ tiêu. Trong đó, xuất khẩu phần mềm khoảng 70 triệu USD, cũng chỉ đạt 35% so với kế hoạch là 200 triệu USD.
Anh Phạm Tấn Công phân tích: “Trong suốt giai đoạn 2001 - 2005, ngành công nghiệp phần mềm thiếu bàn tay hỗ trợ thích đáng từ phía Nhà nước. Các văn bản chính thức về lĩnh vực phần mềm rất ít, nếu có thì hình ảnh về phần mềm cũng mờ nhạt. Các doanh nghiệp phần mềm phải tự bươn chải là chính. Một nguyên nhân nữa là do Việt Nam chưa có sự đột phá trong đào tạo nhân lực phần mềm. Mỗi năm, cả nước đào tạo được 9.000 kỹ sư, cử nhân công nghệ thông tin; trong khi đó, Trung Quốc đào tạo được 500.000 kỹ sư trong 3 năm, Ấn Độ đào tạo được 1 triệu kỹ sư từ năm1999-2005”.
Hóa ra, từ khi định ra mục tiêu 500 triệu USD đến năm 2005, Chính phủ cũng đã lượng sức có hạn của mình rồi.
Kỳ sau: Không tự giới thiệu thì biết anh là ai?