Chính sách tiền tệ và tài khóa đã giúp Việt Nam kiểm soát được lạm phát
Tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, lạm phát toàn cầu và đồng USD đều đang có xu hướng đi xuống, song vẫn có nhiều dự báo trái chiều.
Trong khi World Bank cho rằng, năm 2024 nền kinh tế sẽ tích cực hơn năm nay rất nhiều thì IMF lại nhận định năm 2024 và 2023 có sự tăng trưởng tương đương. Còn về phía Fitch Ratings lại đánh giá, sang năm 2024, nền kinh tế sẽ còn khó khăn hơn nhiều so với năm nay.
Theo ông Nghĩa, Việt Nam luôn đặt kế hoạch đi lên, năm nay đi lên và năm sau có thể vẫn tiếp tục đi lên. "Và điều này có thể khiến cho chúng ta rơi vào những nguy cơ rủi ro về đầu tư rất lớn", TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.
Đề cập đến sự kết hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, trong năm 2022, Việt Nam kiểm soát được lạm phát không chỉ nhờ chính sách tiền tệ mà còn bởi cả sự đóng góp của chính sách tài khóa.
“Lạm phát của chúng ta “nhập khẩu” từ bên ngoài vào nên việc giảm thuế hàng nhập khẩu, đặc biệt là thuế xăng dầu có ý nghĩa rất lớn khi giúp giảm lạm phát chi phí đẩy. Bên cạnh đó, có sự phối hợp của chính sách tiền tệ đã giúp ổn định tỷ giá hối đoái”, ông Nghĩa thông tin.
Khi bước sang nửa đầu năm 2023, hai chính sách này vẫn kết hợp dưới sự điều phối quyết liệt của Chính phủ. Trong đó, chính sách tài khóa tiếp tục theo xu hướng giảm một số loại thuế (quan trọng nhất là thuế VAT) và chính sách tiền tệ quay sang hướng hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Dù vậy, chuyên gia cho rằng, rủi ro lớn nhất với Việt Nam là lãi suất cho vay vẫn ở mức cao bất chấp nhiều nỗ lực giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước.
"Có doanh nghiệp chịu lãi suất cho vay 17% để thực hiện dự án điện mặt trời tại một ngân hàng tên tuổi và gần đây được ngân hàng hứa giảm xuống 15%, đến tháng 9 này mới được giảm xuống 14%. Như vậy, lãi suất thực 10%/năm và không có nước nào trên thế giới có lãi suất thực cao như vậy. Có thể thấy, mặc dù Ngân hàng Nhà nước gần đây đã nỗ lực giảm lãi suất hỗ trợ cho phục hồi nhưng lãi suất cho vay vẫn ở mức rất cao", TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.
Có còn dư địa để giảm lãi suất điều hành?
Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến việc lãi suất vẫn đang cao, ông Lê Xuân Nghĩa khẳng định, ngành ngân hàng vẫn đang phải dè chừng biến động tỷ giá. Tuy vậy, theo chuyên gia, có ba yếu tố cho thấy tỷ giá năm nay sẽ giảm, USD khó “sốt” trở lại và Ngân hàng Nhà nước có thể có thêm dư địa để giảm thêm lãi suất điều hành. Cụ thể:
Thứ nhất, chỉ số USD-Index đã giảm từ mức 115 điểm cuối năm ngoái còn 102 điểm và có thể giảm thêm về ngưỡng 100 điểm. USD-Index khó tăng trở lại trong bối cảnh thế giới đa cực, sử dụng nhiều đồng tiền như hiện nay và đồng nghĩa với việc áp lực đối với tỷ giá của Việt Nam chỉ còn rất nhỏ.
Thứ hai, giá hàng hóa nguyên liệu nhập khẩu có thể tăng, nhất là giá nhiên liệu - gây áp lực với tỷ giá - song Bộ Tài chính vẫn còn dư địa để can thiệp (thuế, phí xăng dầu).
Thứ ba, cán cân thanh toán của Việt Nam vẫn dương.
Trên cơ sở đó, TS. Lê Xuân Nghĩa hy vọng năm 2023 và cả năm 2024, tỷ giá hối đoái vẫn giữ được sự ổn định.
“Với một quốc gia mở cửa rộng như Việt Nam thì tỷ giá ổn định cũng là một trong những điều kiện giúp cho thị trường tài sản, thị trường chứng khoán có thể phục hồi và đứng vững”, TS. Nghĩa nhìn nhận.
Bên cạnh yếu tố tỷ giá ổn định, chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI toàn cầu cũng đang có xu hướng phục hồi sau thời gian giảm sút liên tục từ cuối năm 2022. Điều này cho thấy nền kinh tế thế giới đang ở giai đoạn cuối của đáy phục hồi và sẽ cải thiện đáng kể từ quý IV/2023 trở đi. Kinh tế Việt Nam đang đi theo đáy chữ U và khả năng nền kinh tế sẽ phục hồi rõ nét hơn vào năm 2024.
Tuy nhiên, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, lãi suất còn phụ thuộc vào xu hướng của các ngân hàng trung ương thế giới. Nhiều khả năng cuối năm nay, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) dừng tăng lãi suất và có thể giảm lãi suất từ cuối năm sau. Châu Âu cũng có thể dừng tăng lãi suất từ cuối năm nay do lạm phát giảm nhanh hơn dự đoán.
Từ những phân tích trên, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định: “Vẫn còn cơ hội để Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế”.
Tổ chức tín dụng khi thẩm định dự án nên chú trọng vào khả năng trả nợ của doanh nghiệp
Chia sẻ thêm về thách thức của nền kinh tế hiện nay, TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh đến tình trạng suy kiệt thanh khoản của nền kinh tế và vấn đề tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp.
Hiện nay, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (3%) ở mức thấp so với GDP theo giá hiện hành của Việt Nam (7%), trong khi vòng quay của tiền dưới 1 (0,64%). Điều này khiến cho thanh khoản của nền kinh tế suy kiệt mặc dù tiền có trong ngân hàng thương mại vẫn dư thừa.
Về điều kiện cấp tín dụng, ông Nghĩa cho biết, vào những giai đoạn khủng hoảng, các nước đều "lùi" yêu cầu về tài sản thế chấp và tập trung vào khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay, muốn vay phải có tài sản đảm bảo.
“Chúng ta luôn nhìn khách hàng tín dụng trong điều kiện bình thường, nhưng hiện nay trong điều kiện phục hồi, khi nền kinh tế gặp khó khăn, nếu nhìn thấy “tia sáng cuối đường hầm” thì phải tận dụng ngay. Tổ chức tín dụng khi thẩm định dự án nên chú trọng vào hiệu quả, khả năng trả nợ trong tương lai chứ không nên chỉ nhìn vào tài sản thế chấp”, TS. Lê Xuân Nghĩa đưa ra quan điểm.
Cuối cùng, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, các ngân hàng thương mại đặc biệt là các ngân hàng thương mại lớn nên nhìn vào khả năng trả nợ của doanh nghiệp để cấp tín dụng. Từ nền tảng đó sẽ lấy lại được lòng tin cho doanh nghiệp, cho thị trường, đặc biệt là thị trường chứng khoán và bất động sản./.