Theo kịch bản tăng trưởng đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ, để đạt mục tiêu cả năm tăng trưởng 6,5% thì quý I và quý II cần phải đạt được mức tăng lần lượt là 5,6% và 6,7%.
Tuy vậy, tăng trưởng kinh tế cả nước quý I/2023 chỉ ước đạt 3,32%, chủ yếu do các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo giảm, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng cùng kỳ năm 2022; tăng trưởng ngành xây dựng âm 3%... Vì vậy, để tăng trưởng kinh tế cả năm 2023 đạt 6,5%, cả 3 quý còn lại cần phải đạt khoảng 7,5%.
Theo nhiều đánh giá, đây là mức tăng khá cao trong bối cảnh các khó khăn, thách thức của nền kinh tế vẫn còn tồn tại; những biến động từ kinh tế thế giới còn tiếp tục ảnh hưởng.
Cụ thể, theo ấn phẩm “Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2022” do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội vừa công bố tại Hội thảo Khoa học Quốc gia để đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức lớn do chịu tác động từ nhiều yếu tố.
Đơn cử như suy giảm cầu hàng hóa, dịch vụ thế giới ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu; lạm phát thế giới còn là một ẩn số; một trong những điểm nghẽn có mối liên hệ chặt chẽ với hệ thống tài chính tiền tệ là thị trường bất động sản còn nhiều rủi ro, chưa phát triển một cách bền vững…
Bình luận về vấn đề này, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương thẳng thắn nhận định, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 là rất khó.
"Nếu biết rằng nền kinh tế đang rất khó khăn mà vẫn khẳng định sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% đề ra thì sẽ không tạo ra áp lực, sức ép để có thể thay đổi, khôi phục và phát triển nền kinh tế. Do đó, cần phải đánh giá thực chất hơn nữa tình hình hiện nay để đối diện với nó và tìm ra giải pháp hiệu quả, đúng với những vấn đề đang gặp phải", ông Cung nêu quan điểm.
TS. Nguyễn Đình Cung đề xuất, cần tiếp tục tháo được khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân, tránh ban hành những chính sách lòng vòng gây thêm khó khăn cho họ. Bởi sự phát triển của nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào vai trò của các doanh nghiệp tư nhân.
"Nếu biết rằng nền kinh tế đang rất khó khăn mà vẫn khẳng định sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% đề ra thì sẽ không tạo ra áp lực, sức ép để có thể thay đổi, khôi phục và phát triển nền kinh tế. Do đó, cần phải đánh giá thực chất hơn nữa tình hình hiện nay để đối diện với nó và tìm ra giải pháp hiệu quả, đúng với những vấn đề đang gặp phải".
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương
Cùng với việc đưa ra những đánh giá về thực trạng nền kinh tế vĩ mô, TS. Nguyễn Đình Cung cũng có những phân tích về thị trường bất động sản.
Theo vị chuyên gia, sự sụt giảm hay “đóng băng” của thị trường bất động sản có phần nguyên nhân xuất phát từ những khó khăn pháp lý chưa được giải quyết triệt để.
Hiện nay, pháp lý cho bất động sản đang còn những điểm chồng chéo, mâu thuẫn, gây khó khăn khi doanh nghiệp triển khai dự án, nhà đầu tư có những e ngại nhất định khi tham gia thị trường, chính quyền địa phương cũng rất vất vả khi thẩm định, cấp phép. Đây là một trong những lý do dẫn đến tình trạng dự án mới chậm triển khai, khan hiếm nguồn cung bất động sản, mất cân đối cung - cầu.
Về thực tế này, Bộ Xây dựng cũng từng chỉ ra có rất nhiều dự án nhà ở, khu đô thị đang triển khai gặp khó khăn, vướng mắc. Tại TP.HCM có hơn 80% dự án gặp vướng mắc trên tổng số 180 dự án nhà ở, khu đô thị. TP. Hà Nội có 50% trên số lượng 170 dự án; TP. Đà Nẵng có 60% trong tổng số 75 dự án; TP. Hải Phòng có 30% trên số lượng 65 dự án; TP. Cần Thơ có 40% dự án trên số lượng 79 dự án nhà ở, khu đô thị.
Theo đó, một trong những nguyên nhân nổi cộm dẫn đến tình trạng này do tại các địa phương, tổ chức, người thực thi pháp luật có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý dẫn đến đùn đẩy hồ sơ lòng vòng, giải quyết chậm, không dám đề xuất, không dám quyết định.
Vì vậy, đưa ra giải pháp cho vấn đề này, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng: “Để hồi sinh được thị trường bất động sản, cần phải có những hành động quyết liệt hơn nữa trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, có các cơ chế chính sách phù hợp, thủ tục hành chính không rườm rà. Cơ quan nhà nước cần nhận diện rõ pháp lý đang là nút thắt lớn nhất cản trở sự phát triển của thị trường”./.